Quốc hội Anh giành quyền kiểm soát Brexit khỏi tay Thủ tướng
Động thái của Quốc hội Anh cho thấy quyền lực Thủ tướng của bà May đã suy giảm nhiều
Bằng một cuộc bỏ phiếu vào ngày 25/3, Quốc hội Anh đã giành quyền kiểm soát tiến trình nước này rời Liên minh châu Âu (EU), tức Brexit, khỏi tay Thủ tướng Theresa May trong vòng 1 ngày. Động thái này nhằm để các nghị sỹ tìm ra một giải pháp Brexit mà đa số thành viên Quốc hội có thể ủng hộ, phá vỡ thế bế tắc hiện nay.
Theo tin từ Reuters, với quyền kiểm soát Brexit trong 1 ngày, Quốc hội Anh có thể sẽ mở một cuộc bỏ phiếu vào ngày thứ Tư để cân nhắc giữa một loạt lựa chọn khác nhau về Brexit. Kết quả cuộc bỏ phiếu này sẽ cho thấy liệu các nghị sỹ có thể nhất trí với một thỏa thuận Brexit mà trong đó Anh vẫn giữ mối quan hệ gần gũi với EU sau khi rời khối hay không.
Cho dù bất kỳ lựa chọn nào được chọn trong cuộc bỏ phiếu ngày thứ Tư, Quốc hội sẽ đẩy Chính phủ của bà May phải đi theo hướng đó, để thoát khỏi tình trạng "Chính phủ muốn một đằng, Quốc hội đòi một nẻo" gây bế tắc như thời gian qua.
Động thái của Quốc hội Anh cho thấy quyền lực Thủ tướng của bà May đã suy giảm nhiều, cho dù bà tuyên bố Chính phủ không có nghĩa vụ phải tuân thủ kết quả cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào ngày thứ Tư của Quốc hội.
Cuộc bỏ phiếu ngày thứ Hai được khởi xướng bởi Oliver Letwin, một nghị sỹ trong Đảng Bảo thủ cầm quyền của bà May, và diễn ra sau khi bà May thừa nhận rằng thỏa thuận mà bà mất 2 năm mới đàm phán xong với EU vẫn chưa tập hợp được đủ sự ủng hộ để có thể thông qua ở Quốc hội.
Tuần trước, EU đã nhất trí cho Anh hoãn Brexit qua thời hạn 29/3 do bất đồng giữa bà May với Quốc hội.
Theo dự kiến, Anh sẽ ra khỏi EU vào ngày 22/5 nếu một thỏa thuận Brexit được Quốc hội Anh thông qua trong tuần này. Nếu không, Anh có thời gian đến ngày 12/4 để xác định sẽ làm gì tiếp theo: hoãn Brexit lâu hơn, Brexit không thỏa thuận, hay hủy Brexit.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk vào tuần trước nói rằng mọi lựa chọn Brexit cho nước Anh như trên sẽ để ngỏ cho tới ngày 12/4.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này - gần 3 năm sau cuộc trưng cầu dân ý Brexit - chưa ai có thể khẳng định Brexit sẽ đi theo hướng nào, bởi Quốc hội Anh và cả nước Anh vẫn đang có sự chia rẽ sâu sắc.
Cuối tuần vừa rồi, hàng triệu người Anh đã xuống đường ở London để kêu gọi trưng cầu dân ý lại về Brexit.