17:07 27/11/2015

Quốc hội yêu cầu Chính phủ hàng loạt nội dung cụ thể

Nguyễn Lê

Phải tiếp tục giữ môn lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới

Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn.
Tăng cường thanh tra, kiểm soát, xử lý sai phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, ban hành chính sách đồng bộ để tiếp tục giảm và khống chế nợ xấu..., Quốc hội nêu yêu cầu tại nghị quyết về hoạt động chất vấn, vừa được Quốc hội thông qua chiều 27/11.

Tại đây, nhiều nội dung cụ thể được Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung thực hiện.

2016 cơ bản hoàn thành cổ phần hóa

Yêu cầu đầu tiên là tiếp tục tập trung tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp đúng kế hoạch, bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ những văn bản không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, bảo đảm đưa Hiến pháp, pháp luật vào đời sống.

Nội dung tiếp theo là tích cực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, chuẩn bị tốt các điều kiện trong nước đáp ứng yêu cầu hội nhập, gắn thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, phát triển bền vững.

Quốc hội còn yêu cầu chú trọng xây dựng, hoàn thiện và vận hành có hiệu quả các thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, khoa học và công nghệ, thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường bất động sản..

Ưu tiên phát triển công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật tư, thiết bị, phụ tùng trong nước, giảm dần nhập siêu. Khẩn trương tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Mốc thời gian cụ thể được ấn định là trong năm 2016, cơ bản hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp Nhà nước phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế, phân định rõ hoạt động quản trị doanh nghiệp theo cơ chế thị trường với thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao.

Đồng thời chú trọng thúc đẩy phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, phấn đấu đạt mức trung bình của các nước ASEAN-6, bảo đảm hội nhập có kết quả.

Bảo đảm an toàn nợ công

Vẫn năm sau nhưng cho thời hạn đến cuối năm, Chính phủ phải hoàn thành việc rà soát, tổng kết, trình Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ 14 việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công. Xây dựng lộ trình và các biện pháp hữu hiệu, bảo đảm an toàn nợ công, trong giới hạn Quốc hội cho phép, từng bước giảm dần nợ công.

Liên quan đến lĩnh vực thuế, nội dung giao các cơ quan liên quan là bảo đảm sớm thu hồi nợ đọng thuế, hạn chế phát sinh nợ đọng thuế mới; giảm thời gian làm thủ tục khai, nộp thuế về mức ngang bằng với các nước ASEAN-4.

Thực hiện các cân đối tài chính, ngân sách, giảm dần bội chi, bảo đảm bội chi trong giới hạn Quốc hội cho phép, chỉ sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cho đầu tư phát triển; tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản Nhà nước.

Bên cạnh ban hành chính sách đồng bộ để tiếp tục giảm và khống chế nợ xấu, Quốc hội còn yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Xây dựng các mục tiêu, tiêu chí cụ thể đánh giá kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đầu tư công, chi thường xuyên bảo đảm hoạt động của bộ máy Nhà nước, sản xuất và tiêu dùng làm cơ sở đánh giá hiệu quả của công tác này.

Giữ môn lịch sử

Nguy cơ biến mất môn lịch sử trong nhà trường từng là vấn đề được đại biểu “truy” Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phạm Vũ Luận tại phiên chất vấn vừa qua ở nghị trường.

Vẫn yêu cầu thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nhưng nghị quyết nêu rõ: tiếp tục giữ môn lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới.

Nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục gắn với hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh cũng là nội dung được lưu ý tại nghị quyết.

Nghị quyết cũng giao nhiệm vụ cho Chính phủ tăng cường quản lý Nhà nước về thông tin, tạo chuyển biến rõ nét trong việc định hướng tuyên truyền, quản lý nội dung thông tin, bảo đảm an toàn thông tin, an toàn mạng; chú trọng tuyền truyền về hội nhập quốc tế, khắc phục có hiệu quả tình trạng SIM rác, tin nhắn rác; phát triển hệ thống viễn thông đúng quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm an toàn.

Với ngành du lịch, mục tiêu là đến năm 2020 cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với hệ thống cơ sở vật chất-kỹ thuật đồng bộ, sản phẩm du lịch có chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới.

Giảm ít nhất 10% biên chế

Tiếp theo, Chính phủ nhận được yêu cầu đánh giá toàn diện, khách quan, minh bạch chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện đề án vị trí việc làm, tích cực thực hiện tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Xây dựng lộ trình và chỉ tiêu thực hiện cho các năm, bảo đảm mục tiêu chung đến năm 2021, tinh giản tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sớm khắc phục tồn tại của việc bổ nhiệm chức vụ, cấp “hàm”; thực hiện đổi mới công tác tuyển dụng, phương thức tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng; quy định chế độ thực tập, tập sự lãnh đạo, quản lý để triển khai thực hiện thống nhất, chặt chẽ trên toàn quốc.

Nghị quyết cũng nêu rõ: đẩy mạnh hơn nữa cải cách công vụ gắn với kiểm tra công vụ định kỳ, xây dựng đội ngũ công chức trong sạch, chuyên nghiệp, gần dân, tận tâm phục vụ nhân dân; bảo đảm hoạt động của chính quyền từ trung ương đến địa phương thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, nhận được sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp.