18:21 08/09/2023

Quỹ bảo hiểm xã hội kết dư hơn 1 triệu tỷ đồng

Phúc Minh

Tổng số kết dư đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội đến hết năm 2022 dự kiến đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, tổng số tiền lãi thu được trong năm hơn 42.000 tỷ..

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2022, quỹ đang kết dư hơn 1 triệu tỷ đồng.

Quỹ bảo hiểm xã hội được sử dụng để trả các chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động; đóng bảo hiểm y tế cho người đang hưởng lương hưu hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con, hoặc nhận nuôi con nuôi hoặc nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau đối với người lao động bị mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày…

Quỹ cũng được dùng để chi phí quản lý bảo hiểm xã hội; trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định của pháp luật; đầu tư để bảo toàn và tăng trưởng quỹ.

Dự kiến tổng số kết dư đầu tư quỹ đến ngày 31/12/2022 đạt hơn 1,13 triệu tỷ đồng (tăng 15,14% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng số tiền lãi thu được trong năm 2022 dự kiến là 42,7 nghìn tỷ đồng.

Tổng kết Luật Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016 - 2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho biết, về cơ bản quỹ bảo hiểm xã hội đảm bảo được cân đối, đảm bảo cho việc chi trả chế độ cho hàng chục triệu người hưởng các chế độ trong năm.

Tuy nhiên, xét từng quỹ thành phần, thì quỹ ốm đau và thai sản thường số chi trong năm về cơ bản xấp xỉ bằng số thu, thậm chí một số năm số chi còn vượt số thu (năm 2017, năm 2019).

Số kết dư quỹ ốm đau và thai sản hiện nay về cơ bản là tồn tích của những năm trước còn lại. Trong khi đó, theo khuyến nghị của một số chuyên gia quốc tế thì đối với quỹ ốm đau và thai sản để đảm bảo cân đối tài chính quỹ thì số kết dư chuyển năm sau nên ở trong mức từ 1-1,5 lần số chi của năm liền kề. Như vậy, với số kết dư quỹ ốm đau và thai sản như hiện nay chưa đảm bảo cân đối tài chính quỹ.

Đối với quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, số chi từ quỹ lại rất ít so với số thu quỹ, do vậy, trong giai đoạn tiếp theo, quỹ vẫn đảm bảo cân đối.

Với quỹ hưu trí và tử tuất, về cơ bản trong ngắn hạn quỹ đảm bảo cân đối, song Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, trong dài hạn cần có những đánh giá cụ thể và kỹ càng hơn, nhất là đối với vấn đề nợ lương hưu tiềm ẩn.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc đánh giá khả năng cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội chưa được coi trọng đúng mức, mà chỉ thực hiện đến khi xuất hiện đề xuất có liên quan, tác động đến việc thu - chi từ quỹ.

Nguyên nhân là do thiếu căn cứ pháp lý, tiêu chí đánh giá khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong ngắn hạn, dài hạn. Luật Bảo hiểm xã hội 2014 cũng chưa giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan nào chịu trách nhiệm trong việc đánh giá dự báo tài chính quỹ bảo hiểm xã hội, cũng như chưa bố trí kinh phí cho nhiệm vụ đánh giá, dự báo tài chính quỹ này.

Về hoạt động đầu tư quỹ, trong báo cáo gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính cho biết, quỹ chủ yếu đầu tư vào trái phiếu Chính phủ (khoảng trên 85%) và cho Nhà nước vay. 

Giai đoạn 2014-2022, lãi suất đầu tư bình quân trong năm luôn cao hơn tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng. Lãi đầu tư thực dương, quỹ được bảo toàn giá trị và tăng trưởng. Quỹ bảo hiểm xã hội đã trở thành quỹ tài chính công có quy mô lớn nhất.

Tuy nhiên, thời gian qua, danh mục đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội còn hạn chế, hiệu quả chưa cao, khi phần lớn dùng mua trái phiếu Chính phủ với lãi suất xu hướng giảm (lãi suất trái phiếu Chính phủ 10-15 năm giai đoạn 2019-2021 là khoảng 2,3-3,1%/năm).

Vì vậy, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung quy định về nguyên tắc đầu tư; danh mục đầu tư và phương thức đầu tư; quản lý hoạt động đầu tư để bảo đảm đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cân nhắc bổ sung thêm nguyên tắc hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội phải đi liền với quản lý rủi ro hoạt động đầu tư.

Đồng thời, nghiên cứu quy định trong Luật này thẩm quyền quyết định đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội, và trong giai đoạn tới nghiên cứu hình thành bộ phận tham mưu đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội mang tính chất chuyên nghiệp, để tham mưu về danh mục đầu tư, phương thức đầu tư và quản lý hoạt động đầu tư.