07:36 11/05/2007

“Quy định mới sẽ “loại” taxi dù”

Quang Vang

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Thanh, Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam về quy định mới đối với vận tải hành khách bằng taxi

Trong Quyết định số 17 về vận tải hành khách bằng taxi mà Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành có nhiều điểm mới đáng chú ý, trong đó có quy định về cấp phù hiệu taxi.

Sau đây là cuộc trao đổi của chúng tôi với ông Nguyễn Văn Thanh, Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam về vấn đề này.

Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành Quyết định số 17 về quy định vận tải khách bằng taxi. Xin ông cho biết những điểm mới của Quyết định 17 so với Quyết định 4126?

Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng taxi phải hội đủ những điều kiện theo quy định là có đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp, trong đó có loại hình kinh doanh bằng ôtô phù hợp theo quy định tại Điều 3, NĐ 110/CP, ngày 28/9/2006 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô; có đủ số lượng xe bảo đảm chất lượng phù hợp với phương án kinh doanh do doanh nghiệp lập theo loại hình kinh doanh vận tải bằng taxi; người trực tiếp điều hành hoạt động vận tải (lãnh đạo doanh nghiệp hoặc trưởng phòng điều hành vận tải) có trình độ chuyên môn chuyên ngành vận tải từ trung cấp trở lên; có quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê diện tích đỗ xe tối thiểu trong 3 năm, đủ cho ít nhất 1/3 số lượng taxi trong danh sách xe hoạt động của doanh nghiệp; có giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp được phép sử dụng tần số vô tuyến điện.

Doanh nghiệp khai thác vận tải khách bằng taxi phải đăng ký một màu sơn hoặc kiểu sơn thân xe đặc trưng của doanh nghiệp mình (không được trùng với doanh nghiệp taxi đã đăng ký trước) với Sở Giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) để quản lý và tạo điều kiện cho khách phân biệt xe của doanh nghiệp.

Như vậy, chỉ có doanh nghiệp đủ điều kiện mới được phép kinh doanh taxi, cá nhân sẽ không được phép kinh doanh taxi?

Đây là những điều kiện để đảm bảo chất lượng của vận tải khách, một “loại hình kinh doanh có điều kiện”, theo quy định của Luật Giao thông đường bộ. Những quy định mới này sẽ góp phần tăng cường chất lượng vận tải khách bằng taxi. Tất cảc các xe tham gia hoạt động taxi đều phải có phù hiệu do cơ quan quản lý Nhà nước cấp (12 tháng sẽ cấp lại một lần). Việc xe mang phù hiệu sẽ giúp cơ quan quản lý chặt hơn hoạt động taxi.

Điều kiện để được cấp phù hiệu cho xe taxi, thưa ông?

Xe ôtô đăng ký sở hữu doanh nghiệp hoặc chi nhánh doanh nghiệp, có biển số đăng ký tại địa phương nơi doanh nghiệp hoặc chi nhánh đặt trụ sở; xe ôtô đăng ký sở hữu của đơn vị có chức năng thuê mua tài chính kèm theo hợp đồng thuê mua tài chính giữa doanh nghiệp vận tải và đơn vị thuê mua tài chính (bản phôtô); biển số xe là biển số tại địa phương nơi doanh nghiệp cho thuê tài chính đặt trụ sở.

Hồ sơ để được cấp phù hiệu bao gồm: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (phôtô có công chứng hoặc phô tô kèm theo bản chính để đối chiếu); phương án hoạt động vận tải bằng taxi; giấy đề nghị cấp phù hiệu kèm theo danh sách xe ôtô; bản phô tô giấy đăng ký phương tiện. Trường hợp doanh nghiệp bổ sung hoặc thay thế xe, hoặc ngừng hoạt động phải có giấy đề nghị kèm theo danh sách phương tiện theo quy định, gửi cơ quan có thẩm quyền để được cấp phù hiệu mới và thu hồi phù hiệu đối với phương tiện phải thay thế hoặc ngừng hoạt động.

Như vậy các doanh nghiệp sẽ phải mất thời gian “xin” và sẽ phiền hà, ông có thể giải thích?

Phù hiệu taxi giúp các lực lượng chức năng dễ dàng trong kiểm tra, kiểm soát xe taxi, đồng thời giúp người dân dễ dàng nhận biết đâu là xe taxi thật, đâu là taxi “dù”. Quy định cấp mới phù hiệu cũng hết sức đơn giản với mức phí rất thấp. Đến thời điểm này, có thể thấy chưa hề có những phản đối từ doanh nghiệp lớn đối với quy định này, bởi đối với họ, việc siết chặt quản lý sẽ là “cơ hội vàng” để họ có thể loại bỏ những taxi “dù”.

Thực tế hiện nay, tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.HCM, loại hình vận tải khách bằng taxi đang khá lộn xộn, do bị “tuột khỏi tay” các nhà quản lý từ nhiều năm nay.

Ông có thể cho biết về hoạt động taxi trên địa bàn Hà Nội hiện nay?

Theo báo cáo của Phòng Vận tải công nghiệp, Sở Giao thông công chính Hà Nội, hiện trên địa bàn Hà Nội có 38 doanh nghiệp tham gia vận tải khách bằng taxi, với 2.592 đầu xe và 4.403 lái xe. Nhìn chung vận chuyển khách bằng taxi ổn định, trong năm qua đã vận chuyển được 24,7 triệu lượt khách giải quyết được một phần nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội. Hầu hết các doanh nghiệp đã chú ý đầu tư mua sắm phương tiện để không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ.

Tuy nhiên, việc đổi mới phương tiện chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn có thương hiệu, tên tuổi, còn lại đa số các doanh nghiệp chỉ tập trung vào lợi nhuận mà không chịu nâng chất lượng phương tiện và phục vụ. Có tới 14 doanh nghiệp taxi số đầu xe chỉ có từ 3-25 xe (chủ yếu là xe cũ lại khoán trắng cho lái xe), chất lượng không bảo đảm. Bên cạnh đó, rất nhiều các lái xe taxi chấp hành Luật giao thông chưa nghiêm. Họ thường xuyên lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu, tranh giành khách, gây mất trật tự an toàn giao thông.

Trong 3 tháng đầu năm 2007, cơ quan chức năng ở Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản xử lý 654 trường hợp taxi vi phạm với các lỗi chủ yếu như đỗ dừng sai quy định, không có đồng hồ tính tiền, sử dụng lái xe không đủ tuổi, không có chứng chỉ hành nghề. Đồng thời đã giải toả rất nhiều lần các tụ điểm taxi đỗ dừng sai quy định tại các điểm như trước cửa ga Hà Nội, trước các bến xe, trên các tuyến đường Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hàng Bài,...