07:28 25/09/2024

Quy hoạch Đồng Nai gắn với phát triển đô thị sân bay

Ban Mai

Tỉnh Đồng Nai khai thác hiệu quả sân bay Long Thành và gắn với mô hình đô thị sân bay, định hướng giao thông TOD, chuyển đổi các khu công nghiệp theo lộ trình giảm phát thải carbon…

Sông Đồng Nai chảy qua địa phận của 6 tỉnh, thành phố: Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.
Sông Đồng Nai chảy qua địa phận của 6 tỉnh, thành phố: Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM.

Sáng 24/9/2024, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Đồng Nai năm 2024.

ĐIỂM TỰA” SÂN BAY LONG THÀNH

Theo Quyết định số 586/QĐ-TTg (ngày 03/7/2024) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Đồng Nai được quy hoạch đến năm 2030 là địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước.

Hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc, đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế...

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.

Theo ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, địa phương có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng Đông Nam bộ, sở hữu đầy đủ 05 phương thức giao thông bao gồm: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải quốc tế và đường hàng không.

“Do đó, tỉnh nhận thức sâu sắc một bản quy hoạch có chất lượng tốt sẽ khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương giúp cho tỉnh có được đường đi nhanh nhất, hiệu quả nhất để đạt mục tiêu đề ra”, ông Đức nói.

Tỉnh sẽ thực hiện 05 đột phá chiến lược để phát triển. Cụ thể là: khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; xây dựng các khu công nghiệp xanh, giảm phát thải cac-bon, thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao; xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển tổ hợp giáo dục, đào tạo và triển khai các dự án đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, cho biết Đồng Nai sẽ phát triển dựa trên sự hợp tác liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng, khu vực, phát huy các lợi thế của tỉnh, đặc biệt là Cảng hàng không quốc tế Long Thành, thành phố sân bay gắn với sân bay quốc tế Long Thành.

Chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai nhanh chóng triển khai, hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, như: cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, Vành đai 4, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, hệ thống đường tỉnh kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành…

TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ CỤ THỂ

Đồng Nai xác định các nhiệm trong thời gian tới, đối với khu vực sân bay Long Thành, sẽ hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối sân bay với hệ thống đường cao tốc, đường sắt quốc gia và liên vùng. Đồng thời, phát triển toàn diện các dịch vụ hàng không trong phạm vi sân bay Long Thành. Tại các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ thì tập trung các chuỗi đô thị, dịch vụ, công nghiệp.

Đối với khu vực sông Đồng Nai, lấy khu vực này làm trục phát triển kinh tế năng động của tỉnh. Kế thừa, duy trì, tối ưu hóa cấu trúc mạng lưới kênh rạch ven sông Đồng Nai; xây dựng tuyến đường ven sông; xúc tiến xây dựng các cầu qua sông liên kết mạnh mẽ với TP.HCM và Bình Dương.

Thúc đẩy phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông TOD. Đồng thời xây dựng các khu công nghiệp xanh, thực hiện chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo lộ trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải carbon.

Xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung, các dự án chuyển đổi số, phát triển các tổ hợp giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho vùng Đông Nam bộ. Triển khai các dự án đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp, tập trung phát triển các khu đô thị - du lịch - dịch vụ kề cận sân bay Long Thành; khu đô thị - du lịch núi Chứa Chan, hồ Núi Le; chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai (ưu tiên khu vực TP. Biên Hòa, huyện Long Thành và huyện Nhơn Trạch).

Dịp này, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cũng mời gọi các nhà đầu tư cùng xây dựng Chiến lược phát triển 100 năm tới tại Đồng Nai. Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 17 dự án tiêu biểu, với tổng trị giá 06 tỷ USD, trong đó có dự án quy mô lớn, như: Khu trung tâm thương mại Hiệp Hòa (TP. Biên Hoà), Nhà ở xã hội phường Long Bình Tân (TP. Biên Hòa), Khu công nghiệp Long Đức 3 (huyện Long Thành), Khu Nhà ở xã hội Phước An (huyện Nhơn Trạch).