Rà soát việc nộp thuế của cá nhân livestream bán hàng trên mạng
Trước thông tin giới livestream bán hàng tuyên bố doanh thu hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ gây xôn xao dư luận, Tổng cục Thuế vừa có công văn chỉ đạo các cục Thuế địa phương quyết liệt quản lý thuế thương mại điện tử…
Thực hiện chỉ đạo của Chỉnh phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế vừa có công văn chỉ đạo các cục Thuế địa phương quyết liệt quản lý thuế thương mại điện tử, hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố, Cục Thuế Doanh nghiệp lớn tiếp tục khẩn trương thực hiện ngay các nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hoá đơn điện tử của các tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết (affiliate marketing), cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm… đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh online, phát video trực tiếp (livestream) bán hàng hóa, dịch vụ,...
Yêu cầu của ngành Thuế được đưa ra trong bối cảnh hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, livestream bán hàng đang bùng nổ tại thị trường Việt Nam. Liên tiếp các phiên livestream TikTok được quảng cáo với doanh thu lên tới cả trăm tỷ đồng. Điều này đặt ra vấn đề quản lý thuế với các cá nhân, hộ cá nhân kinh doanh phát sinh thu nhập từ hoạt động livestream.
Trước đó, tại họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 1/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hoạt động livestream bán hàng trên mạng có phát sinh doanh thu và có thể phát sinh thu nhập. Hoạt động này chịu sự điều chỉnh của Luật Thuế và sắc thuế, chịu sự quản lý, giám sát của cơ quan thuế. Cụ thể, các cá nhân livestream bán hàng nộp thuế thu nhập cá nhân. Hộ kinh doanh livestream bán hàng có thể nộp thuế khoán hoặc kê khai thuế.
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, thu thuế hoạt động thương mại điện tử (bao gồm livestream bán hàng) năm 2022 đạt 83.000 tỷ đồng, năm 2023 ở mức 97.000 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã thanh tra, xử lý vi phạm và rà soát 31.570 đối tượng, xử lý vi phạm 22.159 trường hợp, số thuế thu tăng thêm gần 3.000 tỷ đồng từ hoạt động thương mại điện tử.
Ngoài ra, Tổng cục Thuế cũng triển khai các giải pháp để áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền từ ngày 1/8/2024 đối với các loại hình kinh doanh: bán vé sân golf và cung cấp các dịch vụ trong sân; kinh doanh trang phục, dụng cụ, phụ kiện,… phục vụ chơi golf.
Tổng cục Thuế cũng yêu cầu cá đơn vị xây dựng kế hoạch, triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với loại hình nêu trên để các cơ sở kinh doanh hiểu rõ, nhận thức đầy đủ trách nhiệm và cam kết thực hiện nghiêm túc việc kê khai, nộp thuế theo quy định, thúc đẩy việc triển khai hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, chống thất thu ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, các đơn vị phải quyết liệt triển khai nhiệm vụ đến các lãnh đạo Cục Thuế, lãnh đạo các Phòng, Chi cục Thuế và cụ thể đến công chức quản lý đơn vị để làm việc, tuyên truyền chủ trương, chính sách quy định pháp luật về việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hoá đơn điện tử trong các giao dịch tới từng cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh sân golf, kinh doanh dịch vụ hỗ trợ sân golf…
Chỉ đạo rà soát, thống kê, đánh giá công tác quản lý thuế để lập kế hoạch áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với các loại hình kinh doanh có doanh thu từ hoạt động bán vé tham quan khu du lịch, hoạt động vui chơi giải trí,… báo cáo về Tổng cục Thuế trước ngày 1/8/2024.