10:08 01/03/2007

Rất nhiều giấy phép "có vấn đề" về pháp lý

Từ Lương

Tổ công tác nhận định không loại trừ việc sử dụng giấy phép xuất phát từ ý đồ "cài cắm" lợi ích cục bộ của nhóm, ngành

Nhiều loại giấy phép đang làm "xói mòn" môi trường kinh doanh của doanh nghiệp - Ảnh: TT.
Nhiều loại giấy phép đang làm "xói mòn" môi trường kinh doanh của doanh nghiệp - Ảnh: TT.
"Những khiếm khuyết cơ bản và hệ thống của các quy định về giấy phép kinh doanh và những tác động bất lợi của chúng đối với cải cách và phát triển không những chưa được khắc phục mà thậm chí đang ngày càng gia tăng".

Sau hơn 3 tháng rà soát các quy định về giấy phép kinh doanh và các điều kiện kinh doanh khác theo quyết định của Thủ tướng, Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư (viết tắt là TCT) đã rà soát 289 loại giấy phép và đi đến kết luận trên.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng phòng Pháp chế- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thành viên Tổ công tác, phân tích: trên thực tế, các quy định về giấy phép kinh doanh là loại văn bản do "các bộ làm" để thực hiện trong ngành do bộ thực hiện quản lý Nhà nước. Vì vậy, nội dung của chúng vừa "có vấn đề về mặt pháp lý" vừa không tránh khỏi thiên hướng "tạo thuận lợi hay lấy thuận lợi về cho ngành mình, và đẩy khó khăn về cho người dân và doanh nghiệp".

Theo nhận định của Tổ công tác, không loại trừ việc sử dụng giấy phép xuất phát từ ý đồ "cài cắm" lợi ích cục bộ của nhóm, ngành ngay từ các dự thảo văn bản quy định của pháp luật.

Hầu hết các loại giấy phép phải sửa đổi

Sau khi rà soát 289 giấy phép thuộc các ngành ngân hàng, văn hóa thông tin, tài chính, nông nghiệp và phát triển nông thôn, bưu chính viễn thông, y tế, tài nguyên - môi trường, giao thông vận tải, khoa học công nghệ, công an, thương mại, tư pháp, du lịch, thủy sản, lao động - thương binh và xã hội, công nghiệp, giáo dục - đào tạo, hải quan, xây dựng, Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã kiến nghị bãi bỏ 59 giấy phép hiện hành.

Trong đó, bãi bỏ hoàn toàn 41 giấy phép; 18 giấy phép được bãi bỏ và chuyển sang quản lý bằng hình thức "thông báo" hoặc điều kiện kinh doanh không phải là giấy phép. Kiến nghị bổ sung sửa đổi đối với 230 số giấy phép còn lại.

Cụ thể, Tổ công tác kiến nghị:

- Ngành bưu chính viễn thông bãi bỏ các loại giấy phép sau: xác nhận đăng ký dịch vụ đại lý chuyển phát thư; giấy phép sử dụng tần số và thiết bị phát sóng vô tuyến điện trong mạng dùng riêng (ví dụ cấp cho bộ đàm gắn trên xe taxi); giấy phép cung cấp dịch vụ ứng dụng Internet trong viễn thông cấp cho OSP viễn thông;

- Bộ Công an bãi bỏ giấy phép khắc dấu (giữ lại giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu); xác nhận của cơ quan công an vào bản cam kết thực hiện đủ điều kiện an ninh trật tự;

- Ngành giao thông vận tải bãi bỏ phù hiệu "xe chạy tuyến cố định", "chuyến xe chất lượng cao", phù hiệu "xe hợp đồng", "xe vận tải khách du lịch";

- Ngành lao động - thương binh và xã hội bãi bỏ yêu cầu ký quỹ với chi nhanh của doanh nghiệp giới thiệu việc làm.

- Ngành ngân hàng bãi bỏ giấy phép kinh doanh vàng tiêu chuẩn quốc tế; giấy phép xuất nhập khẩu vàng tiêu chuẩn quốc tế mà thay bằng giấy phép xuất nhập khẩu vàng, giấy phép hoạt động môi giới tiền tệ của các tổ chức tín dụng...

Tổ công tác cũng kiến nghị bãi bỏ và thay thế bằng thông báo hoặc điều kiện kinh doanh không cần giấy phép đối với:

- Giấy chứng nhận hoạt động kiểm định xe cơ giới giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức;

- Giấy phép bàn đổi ngoại tệ;

- Giấy phép mở văn phòng đại diện - phòng giao dịch - điểm giao dịch của quỹ tín dụng nhân dân;

- Giấy phép mang và chuyển ngoại tệ (đối với công dân Việt Nam) và chuyển thành chế độ thông báo, giấy phép xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu và vàng miếng;

- Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu/khí đốt hóa lỏng,

- Giấy phép kinh doanh bán/cho thuê băng đĩa, thay bằng việc thông báo với sở văn hóa thông tin trước khi hoạt động và Quyết định chỉ được kinh doanh băng đĩa được phép lưu hành, tăng cường kiểm tra, giám sát;

- Giấy phép tổ chức lễ hội;

- Quyết định cho phép tổ chức thi hoa hậu...

Trong số 289 loại giấy phép kinh doanh đã được rà soát có 150 "giấy" được gọi là "giấy phép", 53 "giấy" được gọi là "giấy chứng nhận", 11 "giấy đăng ký", 15 "chứng chỉ hành nghề", 7 "thẻ", 3 "phê duyệt", 8 "chứng chỉ", 8 "văn bản xác nhận", "17 quyết định", 10 "văn bản chấp nhận", 2 "bằng" và 4 giấy gọi là "bản cam kết/biển hiệu/giấy xác nhận".

Số giấy phép bị kiến nghị bãi bỏ do đều không có căn cứ pháp lý, trái với quy định về thẩm quyền ban hành quy định về giấy phép kinh doanh theo quy định của Luật doanh nghiệp và Luật Đầu tư; hoặc văn bản làm căn cứ pháp lý đã hết hiệu lực do bị thay thế bằng văn bản pháp luật khác. Không còn cần thiết; một phần bởi vì, giấy phép đó chồng chéo với giấy phép khác hoặc chỉ là "giấy phép cành" trong "giấy phép cây".

Ví dụ, văn bản chấp thuận của Ngân hàng nhà nước cho phép tổ chức tín dụng thực hiện dịch vụ bao thanh toán. Chính bản thân các tổ chức tín dụng đã có giấy phép hoạt động tín dụng; và dịch vụ bao thanh toán chỉ là một dịch vụ cung cấp tín dụng. Vì vậy, Tổ công tác cho rằng "văn bản chấp thuận" này là "giấy phép cành" của "giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng".

Không kiểm soát được thì... duy trì giấy phép!

Bộ Thương mại có 2 loại giấy phép bị đề nghị bãi bỏ. Tuy nhiên, Bộ Thương mại vẫn giữ quan điểm bảo vệ giấy phép của Bộ với lý do phải quan tâm đến lợi ích của người dân và của xã hội, "một giấy phép có nên duy trì hay không thì phải xét trên lợi ích của xã hội".

Đối với cửa hàng miễn thuế, báo cáo nói rằng đây là hình thức kinh doanh bình thường nhưng đại diện Bộ Thương mại cho rằng, trên thực tế hoạt động kinh doanh này gắn liền với rất nhiều hiện tượng tiêu cực.

"Như chúng ta đi nước ngoài về thì thấy khi mua hàng chúng ta đã bị gửi mua hộ, như vậy Nhà nước sẽ thất thu rất nhiều. Việc lựa chọn một số doanh nghiệp đủ điều kiện nhất định để quản lý cho phép kinh doanh là điều cần thiết còn có hiệu quả hay không thì việc áp dụng giấy phép chúng ta đã hạn chế được tiêu cực. Vì vậy nếu khẳng định việc duy trì giấy phép kinh doanh cửa hàng miễn thuế là không cần thiết và không có hiệu quả thì cũng không hẳn", vị đại diện này nói.

Cũng theo vị đại diện, nếu cho bất cứ doanh nghiệp nào cũng được kinh doanh cửa hàng miễn thuế thì hiện tượng gian lận thuế sẽ rất nhiều.

Không những thế, hiện nay Bộ Thương mại còn đang rà soát và kiến nghị tăng cường hơn công tác quản lý với các cửa hàng miễn thuế. Thậm chí còn hạn chế hơn, chẳng hạn những đối tượng mở cửa hàng kinh doanh trong nội địa thì có thể chỉ được bán cho các đối tượng ngoại giao, còn các cửa hàng bán cho khách du lịch nước ngoài về bắt buộc phải ở lại cửa khẩu.