12:44 03/01/2023

Reuters: Các quỹ lớn âm thầm bán vàng Nga

Bình Minh

Dữ liệu do Reuters thu thập được từ 11 quỹ đầu tư phương Tây cho thấy số vàng Nga trị giá 2,2 tỷ USD ở mức giá hiện tại đã bị rút khỏi tài khoản trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 11/2022...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Vốn được cất giữ trong những hầm chứa có mức độ bảo mật cao của các nhà băng ở London, Zurich và New York, số vàng trị giá hàng tỷ USD có nguồn gốc từ Nga đã âm thầm đổi chủ trong những tháng gần đây, trong bối cảnh cuộc chiến tranh Nga-Ukraine tiếp diễn - theo hãng tin Reuters.

Dữ liệu do Reuters thu thập được từ 11 quỹ đầu tư phương Tây cho thấy số vàng Nga trị giá 2,2 tỷ USD ở mức giá hiện tại đã bị rút khỏi tài khoản trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 11/2022.

Các quỹ đầu tư vàng đã suy giảm trong những tháng gần đây, khi lãi suất tăng lên gây áp lực khiến nhiều nhà đầu tư thoái vốn khỏi kim loại quỹ này. Tuy nhiên, phân tích của Reuters cho thấy vàng Nga bị bán với tốc độ nhanh hơn nhiều so với vàng của các quốc gia khác.

Vàng Nga nằm dưới sự quản lý của các công ty quản lý tài sản phương Tây chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng lượng vàng Nga trên toàn cầu, việc Moscow rút vàng khỏi các quỹ vẫn phản ảnh một sự dịch chuyển. Thậm chí, một số quỹ cho biết giờ đây họ không còn muốn nắm bất kỳ tài sản nào có liên quan đến Nga.

Hai nguồn tin từ các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) nắm hàng trăm tấn vàng nói họ muốn thoái vốn khỏi vàng có nguồn gốc từ Nga. Một nguồn tin cho biết quỹ đã đề nghị ngân hàng được thuê giữ vàng chỉ phân bổ vàng Nga ở mức tối thiểu vào danh mục vàng của quỹ.

Các quỹ ETF luôn nằm trong top những nhà đầu tư nắm giữ nhiều vàng nhất thế giới. Một số ETF niêm yết công khai số vàng mà quỹ nắm giữ. Điều này đồng nghĩa nhà đầu tư rót tiền vào những quỹ đó có thể biết quỹ có nắm vàng Nga hay không, bởi một thỏi vàng đều có khắc nguồn gốc.

“Một số khách hàng rà soát danh sách những thỏi vàng, nhìn thấy nhiều vàng Nga và họ có thể đặt câu hỏi: ‘Ồ, điều gì đang diễn ra vậy?’”, một nguồn tin nói. “Giải thích với khách hàng là rất khó. Chúng tôi muốn các trở ngại đối với việc nhà đầu tư gia nhập quỹ là thấp nhất có thể, nên khi có bất kỳ mối hoài nghi nào, chúng tôi đều muốn xoá bỏ ngay”.

Trong những tháng đầu của chiến tranh Nga-Ukraine, các ngân hàng đã gạt sang bên đề nghị của các quỹ đầu tư muốn loại bỏ vàng Nga. Các ngân hàng khi đó lo sợ rằng một đợt bán tháo có thể xảy ra, gây gián đoạn thị trường. “Chúng tôi không muốn có một đợt bán tháo tất cả vàng Nga”, một nhà điều hành làm việc tại một ngân hàng được thuê giữ vàng cho các quỹ ETF nói với Reuters.

“Chúng tôi đã bán dần vàng Nga, một cách có kiểm soát, và mọi việc vẫn diễn ra bình thường”, vị này cho biết.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây không cấm các quỹ đầu tư nắm giữ vàng sản xuất tại Nga trước ngày 7/3/2022. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt cấm các quỹ nắm giữ vàng sản xuất tại Nga sau mốc thời gian này. Nga là một trong những nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới, khai mỏ khoảng 330 tấn vàng mỗi năm, trị giá 19 tỷ USD ở thời giá hiện tại.

Nguồn tin từ một số ngân hàng cung cấp dịch vụ giữ hộ vàng cho biết các quỹ đầu tư công khai nguồn gốc vàng lo ngại rằng nhà đầu tư có thể không muốn họ giữ vàng Nga, trong khi những quỹ không công khai dữ liệu tỏ ra ít lo lắng hơn.

Cũng theo các nhà ngân hàng này, vàng Nga bị đẩy khỏi các quỹ như vậy thường được chuyển sang cho các nhà đầu tư khác trong cùng hầm vàng. Một số khác được vận chuyển tới châu Á, nơi nhu cầu vàng tăng mạnh trong những tháng gần đây.

Trong 11 tháng đầu năm ngoái, tổng lượng vàng trong các hầm vàng ở London nằm dưới sự giám sát của Hiệp hội Thị trường vàng London (LBMA) đã giảm 468 tấn, tương đương giảm 5%. Dữ liệu hải quan của Anh và Thuỵ Sỹ cho thấy lượng vàng xuất khẩu từ các nước này sang Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia khác ở châu Á và Trung Đông đã tăng mạnh.

Reuters đã phân tích số vàng do 11 quỹ ETF vàng hàng đầu và nhận thấy các quỹ này nắm giữ tổng cộng hoảng 2.300 tấn vàng, trị giá 130 tỷ USD, ở thời điểm cuối tháng 11. Số vàng này được cất giữ ở London, Zurich và New York, chiếm khoảng 2/3 tổng số vàng do các ETF trên toàn cầu nắm giữ.

Nói về việc giữ hộ vàng của các ETF, phần lớn tập trung trong tay ba nhà băng gồm JPMorgan, HSBC và ICBC Standard.

Trong đó, ICBC chiếm phần nhỏ nhất, giữ hộ khoảng 100 tấn vàng cho 11 quỹ được Reuters theo dõi. ICBC cũng là ngân hàng hành động gấp rút nhất trong việc loại bỏ vàng Nga. Số vàng Nga mà ICBC giữ hộ các ETF đã giảm 47%, trong khi vàng có nguồn gốc khác đã tăng 16% trong thời gian kể từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 11.

HSBC, ngân hàng giữ hộ khoảng 1.100 tấn vàng cho các quỹ ETF nói trên, đã giảm lượng vàng Nga khoảng 20% và giảm vàng có nguồn gốc khác 10%. JPMorgan - giữ khoảng 1.050 tấn vàng cho các quỹ này - đã giảm 13% số vàng Nga và giảm vàng khác 9%.

Tổng lượng vàng Nga thuộc nắm giữ của 11 quỹ đã giảm 19% kể từ tháng 7, trong khi vàng có nguồn gốc khác chỉ giảm 9%. Tuy nhiên, hai ETF vàng lớn nhất trong số này là iShares Gold Trust và SPDR Gold Trust thực chất đã tăng nắm giữ vàng Nga.

Đến cuối tháng 11, vàng Nga chiếm tỷ trọng 7% trong 11 quỹ nói trên, từ mức 7,8% vào giữa tháng 7.