06:00 29/06/2021

Rộng cửa cho dòng vốn vay, liên kết trong hoạt động y tế

Các ngân hàng thương mại BIDV, Viettinbank, VIB, Vietcombank đã triển khai gói tín dụng 44.000 tỷ đồng cho y tế…

Xã hội hóa y tế được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nhưng chỉ mang tính nguyên tắc, chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến có nhiều khó khăn, vướng mắc.
Xã hội hóa y tế được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau nhưng chỉ mang tính nguyên tắc, chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến có nhiều khó khăn, vướng mắc.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định quy định về vay vốn, huy động vốn, liên doanh liên kết, thuê tài sản, thuê đơn vị cung ứng dịch vụ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số.

Dự thảo Nghị định sẽ xây dựng theo hướng khuyến khích các hình thức hợp tác công – tư, kể cả tại tuyến cơ sở để chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Khuyến khích hợp tác giữa các cơ sở y tế công với nhau để đầu tư vào phân khúc dịch vụ cao cấp, theo yêu cầu…

CÁC CƠ SỞ Y TẾ ĐĂNG KÝ VAY HƠN 48.000 TỶ ĐỒNG

Liên quan đến việc vay vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, theo Bộ Y tế, tổng hợp báo cáo của 26 tỉnh, thành phố và các đơn vị thuộc Bộ Y tế, đến nay các đơn vị đã vay vốn Ngân hàng phát triển Việt Nam, Quỹ kích cầu khoảng 3.000 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng và mua sắm bổ sung trang thiết bị.

Trong đó riêng các bệnh viện thuộc TP. Hồ Chí Minh như Bệnh viện 115, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Bệnh viện nhân dân Gia định, Bệnh viện Quận Thủ Đức.. đã vay Quỹ kích cầu của thành phố trên 1.000 tỷ đồng. Với những khoản vay này TP. Hồ Chí Minh phải trả tiền lãi còn các đơn vị vay trả tiền gốc. Có  11 đơn vị thuộc Bộ Y tế đã ký hợp đồng vay với Ngân hàng phát triển Việt Nam khoảng 2.174,2 tỷ đồng.

Rộng cửa cho dòng vốn vay, liên kết trong hoạt động y tế - Ảnh 1

Ngoài ra, 4 ngân hàng thương mại gồm: BIDV, Viettinbank, VIB, Vietcombank cũng đã triển khai các gói tín dụng ưu đãi để cho các bệnh viện công, các nhà đầu tư trong lĩnh vực y tế vay vốn với lãi suất ưu đãi hơn lãi suất vay thông thường. Theo đó, lãi suất vay trong 2 năm đầu khoảng 6-7%/năm, từ năm thứ 3 trở đi bằng lãi suất tiết kiệm 12 tháng và được tăng tối đa 2%.

Theo báo cáo của 4 ngân hàng này thì các đơn vị sự nghiệp công lập, các bệnh viện tư, các nhà đầu tư đã đăng ký vay khoảng 44.000 tỷ đồng và đến nay đã giải ngân khoảng 5.000 tỷ đồng.

Liên quan đến việc thực hiện liên doanh liên kết, thuê trang thiết bị trong ngành y tế, Bộ Y tế cho biết, theo báo cáo của 55 Sở Y tế và 26 bệnh viện trực thuộc Bộ thì đến nay trong ngành y tế triển khai khoảng 729 đề án liên doanh, liên kết với tổng số vốn là 5.686,38 tỷ đồng.

Cụ thể, các đơn vị thuộc địa phương có 491 đề án, tổng số vốn 2.472,33 tỷ đồng, trong đó vốn của các nhà đầu tư là 2.213 tỷ đồng, chiếm khoảng 89,5%, vốn huy động của cán bộ, viên chức là 225,81 tỷ đồng, chiếm khoảng 9,1% và vốn góp của đơn vị từ Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp là 33,45 tỷ đồng, chiếm 1,4%.

Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế có 238 đề án với tổng số vốn 3.214,06 tỷ đồng. Trong đó có 166 đề án theo hình thức đối tác đầu tư trang thiết bị, bệnh viện cung ứng dịch vụ và phân chia lợi nhuận theo tỷ lệ vốn góp, có 47 đề án theo hình thức thuê máy và trả tiền thuê theo ca, và có 25 đề án theo hình thức huy động vốn góp của cán bộ, viên chức.

Rộng cửa cho dòng vốn vay, liên kết trong hoạt động y tế - Ảnh 2

Bộ Y tế cũng cho biết, các thiết bị liên doanh, liên kết chủ yếu là thiết bị về chẩn đoán hình ảnh chiếm 54,05%, thiết bị xét nghiệm chiếm 15,68%, thiết bị phục vụ điều trị chiếm 27,57% và các thiết bị khác khác chiếm 2,7%.

Theo đánh giá của Bộ Y tế, việc xã hội hoá đầu tư y tế đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực như đã góp phần đáp ứng trang thiết bị chẩn đoán, điều trị. Nhiều bệnh viện trang thiết bị còn thiếu, nếu không xã hội hóa thì không có thiết bị phục vụ người bệnh…

Tuy nhiên, trong thực tế các hình thức xã hội hóa rất đa dạng và được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Nhiều quy định như các hình thức, trình tự, thủ tục thực hiện, thẩm quyền quyết định, đối tượng sử dụng các dịch vụ này, giá dịch vụ... mới mang tính nguyên tắc, chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến có nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thực tế là quy định pháp luật chưa cụ thể nên vẫn phức tạp và vẫn nặng về thủ tục đầu tư công, nhất là về trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt chủ trương, các đề án, dự án... Chính sách thuế cũng còn vướng mắc do chưa có hướng dẫn rõ ràng về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ sở xã hội hóa, liên doanh, liên kết mới thành lập, hoạt động…

Do đó, để đẩy mạnh xã hội hoá, các đơn vị được vay vốn, liên doanh, liên kết để huy động các nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển hệ thống y tế, nhất là các bệnh viện… Dự thảo Nghị định sẽ xây dựng theo hướng khuyến khích các hình thức hợp tác công – tư, kể cả tại tuyến cơ sở để chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Khuyến khích các cơ sở y tế hợp tác công - tư, hợp tác giữa các cơ sở y tế công với  nhau  để đầu tư vào phân khúc dịch vụ cao cấp, theo yêu cầu…

BỆNH VIỆN CÔNG ĐƯỢC HUY ĐỘNG VỐN TỪ NHIỀU NGUỒN

Theo Ban soạn thảo, dự thảo Nghị định sẽ quy định phân cấp về phê duyệt phương án vay vốn, hoàn trả vốn để các cơ sở y tế địa phương được chủ động hơn.

Dự thảo còn cho phép các đơn vị y tế được huy động vốn của viên chức, người lao động trong đơn vị, vay vốn, huy động của các tổ chức, cá nhân khác nếu trường hợp huy động vốn này không phải trả lãi hoặc lãi suất phải trả thấp hơn lãi suất vay Ngân hàng phát triển Việt Nam.

Hiện Luật quản lý, sử dụng tài sản công cho phép các đơn vị sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết trong một số trường hợp, nhưng chưa quy định cụ thể nên nhiều ý kiến cho rằng chỉ liên doanh, liên kết để hoạt động dịch vụ.

Do đó dự thảo Nghị định sẽ quy định rõ, nếu liên doanh, liên kết cho hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao thì giá dịch vụ theo giá do cơ quan có thẩm quyền quy định.

Trong trường hợp liên doanh, liên kết để hoạt động kinh doanh, dịch vụ theo yêu cầu thì mức giá do đơn vị quyết định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí, có tích lũy hợp lý.

Đây được xem là quy định cởi trói cho các cơ sở y tế công lập không bị phụ thuộc vào khung giá nhà nước.

Thực tế hiện nay nhiều cơ sở y tế công lập có nguồn nhân lực nhưng cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu nên không mở rộng và phát triển thêm được. Trong khi nhiều nhà đầu tư có khả năng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng không có nguồn nhân lực. Do đó dự thảo cũng sẽ cởi trói cho cơ sở y tế công lập được liên doanh liên kết với các nhà đầu tư để mở rộng cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở y tế mới…

Ngoài ra, dự thảo Nghị định còn quy định việc thực hiện các dự án hợp tác giữ cơ sở ý tế nhà nước và nhà đầu tư tư nhân có tổng mức đầu tư dưới 100 tỷ đồng theo hợp đồng BLT (xây dựng – thuê dịch vụ - chuyển giao) theo trình tự, thủ tục đơn giản hơn so với quy định của pháp luật về hợp tác công tư (PPP) để thu hút vốn đầu tư tư nhân vào các công trình hạ tầng y tế.

Trường hợp này không phải thành lập doanh nghiệp dự án vì chưa có quy định về việc thành lập doanh nghiệp trong bệnh viện.