10:24 06/07/2007

Rộng mở tiềm năng hợp tác kinh tế Việt - Ấn

Hà Linh

Doanh nhân Ấn Độ đang quan tâm đầu tư vào khu vực giáo dục, dịch vụ khách sạn và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm tượng đài Hồ Chí Minh tại thành phố Kolkata, miền Đông Ấn Độ - Ảnh: VNN.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng thăm tượng đài Hồ Chí Minh tại thành phố Kolkata, miền Đông Ấn Độ - Ảnh: VNN.
Ngày 5/6, tiếp tục chuyến thăm Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự "Diễn đàn thương mại Việt Nam - Ấn Độ" và chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Aptech và FPT của Việt Nam.

Trong bài phát biểu chào mừng Thủ tướng, Chủ tịch liên hiệp công nghiệp Ấn Độ khẳng định các doanh nghiệp Ấn Độ rất quan tâm đến Việt Nam, mong muốn học hỏi các kinh nghiệm của Việt Nam và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.

Phát biểu trước hơn 300 lãnh đạo các tập đoàn công nghiệp Việt Nam và Ấn Độ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa nêu bật mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khái quát về tình hình kinh tế, chính sách của Việt Nam nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Riêng trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam chủ trương cổ phần hoá toàn bộ các ngân hàng thương mại quốc doanh, để hoạt động mạnh hơn và hiệu quả hơn. Việt Nam cũng quan tâm đến kinh nghiệm cổ phần hoá của các quốc gia, để tiến hành thành công.

Việt Nam tích cực, chủ động hội nhập khu vực, thế giới, trở thành nền kinh tế gắn bó với nền kinh tế thế giới, hoạt động theo khuôn khổ của WTO. Việt Nam chủ trương tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng phải bền vững, tăng trưởng cao đi liền với tiến bộ công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo phát triển bền vững. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi theo thông lệ quốc tế cho các nhà đầu tư".

Thủ tướng cho rằng hai nước Việt Nam - Ấn Độ hiện đang có điều kiện đặc biệt thuận lợi để tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và kinh doanh... dựa trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống lâu đời và tốt đẹp. Hiện tại, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Ấn Độ, nhưng Việt Nam nhìn vào Ấn Độ như một nước có tiềm năng về lĩnh vực tin học hay gia công phần mềm vốn đã thành công hơn 10 năm qua.

Ấn Độ cũng có một thế mạnh nữa là mảng tài chính - ngân hàng mà Việt Nam có thể hợp tác. Ấn Độ có nhiều công ty có kinh nghiệm trong quản lý tài sản và cho vay mua nhà trả góp.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất rộng mở. Hiện các doanh nhân Ấn Độ đang quan tâm đầu tư vào khu vực giáo dục, dịch vụ khách sạn và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam.

Kim ngạch đầu tư của Ấn Độ vào Việt Nam năm 2006 đã đạt 580 triệu USD và sẽ tăng mạnh trong năm nay nhờ các dự án đầu tư của Tập đoàn Essar về xây dựng nhà máy thép ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và dự án xây dựng tổ hợp thép của Tập đoàn Tata tại Hà Tĩnh, đưa Ấn Độ trở thành một trong 10 nước và vùng lãnh thổ đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam.

Trong bối cảnh nền kinh tế Ấn Độ và Việt Nam đang tăng trưởng nhanh với tốc độ kỷ lục trong những năm gần đây, cả hai bên vẫn thể hiện ý chí chính trị về tăng cường hợp tác kinh tế, không có lý do gì khiến hai nước không thể đẩy mạnh thương mại và đầu tư song phương.

Việt Nam có thế mạnh về thủy sản, hàng thủ công, chế biến thực phẩm và dệt may. Ấn Độ có thể đề nghị hợp tác trong các lĩnh vực dược phẩm, sản xuất thức ăn gia súc, chế tạo linh kiện ôtô và đồ nhựa.

Trả lời phỏng vấn của báo giới trước thềm chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Manmohan Singh cho biết ông sẽ thảo luận vấn đề này một cách chi tiết với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trước hết sẽ đề nghị hai nước tạo một môi trường chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho cho trao đổi hàng hóa, dịch vụ và người dân hai nước tự do đi lại hơn nữa, cả đa phương lẫn song phương trong khuôn khổ hợp tác Ấn Độ - ASEAN.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Mumbai, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tập đoàn giáo dục hàng đầu của Ấn Độ là Aptech đã ký một thỏa thuận với Tập đoàn FPT của Việt Nam để mở 20 trung tâm đào tạo phần mềm và đa phương tiện trong những năm tới ở Việt Nam.

Aptech kỳ vọng, sẽ thu được hơn 30 triệu USD lợi nhuận trong vòng 3 năm tới tại Việt Nam và tối nay, đoàn sẽ rời thành phố Mumbai để tới Thủ đô Newdeli. Sáng mai, 6/7, lễ đón chính thức Thủ tướng sẽ diễn ra theo nghi thức cấp nhà nước, sẽ tổ chức trọng thể tại Dinh tổng thống tại Thủ đô New Dehli Ấn Độ.