10:26 22/05/2008

Rớt giá “nghề vàng” môi giới chứng khoán

“Một nhân viên chứng khoán hạnh phúc trong thời điểm này, là vẫn có việc làm ổn định và không bị mắc nợ”

Đã qua thời vàng son mà khi đó, nhà đầu tư phải o bế nhân viên chứng khoán...
Đã qua thời vàng son mà khi đó, nhà đầu tư phải o bế nhân viên chứng khoán...
Mới Tết vừa rồi, một nhân viên môi giới chứng khoán “quèn” trong công ty S. lãnh thưởng 1 tỉ 200 triệu đồng. Chỉ vài tháng sau, mọi chuyện đã khác...

Ông Trần Thiên Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán An Phát tổng kết: “Một nhân viên chứng khoán hạnh phúc trong thời điểm này, là vẫn có việc làm ổn định và không bị mắc nợ”.

Còn duyên kẻ đón người đưa…

Câu ca dao này thật đúng với những người làm môi giới chứng khoán. Chỉ cách đây chừng một năm, nhân viên chứng khoán được xem là “nghề vàng”. Và họ được các nhà đầu tư xem là một đối tượng quan trọng cần phải lấy lòng.

Quả thật, với lượng lệnh đặt mua, đặt bán khổng lồ trong ngày, thì quyền sinh sát trong tay các nhân viên chứng khoán là rất lớn. Hơn nhau một chút về thời gian khớp lệnh, tiền bay vèo vèo như chơi. Nên nhân viên chứng khoán không chỉ “chảnh” mà còn nhận chung chi từ nhà đầu tư để có thể chèn lệnh sớm hơn.

Thu nhập của nhân viên các công ty chứng khoán ngày đó được tính từ ba nguồn: lương và thưởng nhận được chính thức từ công ty, “quà” của nhà đầu tư (bao gồm cả tiền thưởng và tiền trà nước để được ưu tiên). Và quan trọng nhất, là tiền họ kiếm được từ hoạt động đầu tư chứng khoán với nhiều loại thủ thuật và “làm xiếc” khác nhau.

Gió đổi chiều, thị trường đìu hiu. Nguồn thu nhập về nguyên tắc của các công ty chứng khoán là tiền môi giới thì phần lớn không đủ để bù đắp kinh phí mặt bằng, điện nước, nhân viên và khấu hao tài sản. Còn nguồn thu nhập từ công việc tự doanh thì càng thảm não hơn, đa phần là lỗ nặng.

Không còn những khoản thưởng ngút ngàn như trước, không còn những mức lương cạnh tranh phá giá thị trường để kéo người khi bị thiếu hụt lực lượng trầm trọng. Những công ty chứng khoán bắt đầu thực hiện việc thắt lưng buộc bụng để chống chọi với tình trạng thoi thóp của thị trường một cách đầy khó khăn.

Và các nhân viên chứng khoán bắt đầu thấm thía cảnh “hết duyên…” khi mà suốt ngày ngồi ngáp vặt ở sàn, không giao dịch, không tiền và ôm trong lòng một mối lo… trả nợ ngân hàng mà không thể bán ra mớ cổ phiếu lỗ chỏng vó đang ôm trong lòng.

Cơn bão sa thải tràn vào…

Cổng thông tin tài chính trực tuyến saga.vn thực hiện một nghiên cứu, cho thấy khả năng cơn bão sa thải nhân sự trong lĩnh vực tài chính – chứng khoán. Biểu hiện cụ thể nhất là việc nhiều công ty chứng khoán bắt đầu thu hẹp bớt các phòng giao dịch để tiết kiệm chi phí, kéo theo việc sa thải một số nhân viên không đạt yêu cầu.

Bây giờ, chuyện cà phê tán dóc của các nhà đầu tư là công ty A bắt đầu thực hiện chính sách cho nhân viên làm việc luân phiên theo ca, việc công ty B ra thông báo vì tình hình khó khăn nên công ty chỉ có khả năng chi trả 70% mức lương… “Thì phải làm vậy để nhân viên nản mà tự nghỉ, chứ sa thải không có lý do chắc cũng khó”, anh Nguyễn Minh Hải, nhà đầu tư ngồi lê la các quán cà phê khu vực Công ty Chứng khoán APEC nói.

Ông Ngô Nhật Thành ngồi cùng bàn, góp chuyện: “Sa thải nhiều rồi chứ. Hồi xưa cần người, các công ty tuyển ồ ạt. Làm việc ở công ty chứng khoán mà đa phần là học những ngành nghề chẳng liên quan gì, đào tạo một khoá ngắn hạn là vô làm”.

Một tiến sĩ từng làm giám đốc cho bốn công ty chứng khoán trong vòng ba năm qua cho biết: “Nay, hầu hết các nhân viên chứng khoán đều bị trả về lại xuất phát điểm cách đây hai năm, tức là thời chưa… có tiền. Nhưng điều đáng nói là bây giờ họ chẳng còn lòng dạ nào để làm việc: sàn ảm đạm, thu nhập chẳng là bao so với ngày trước và mệt mỏi nhất là việc suy nghĩ về những món nợ mình đang mang để đầu tư…”.