13:58 28/05/2018

Rót vốn cho cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Đinh Tịnh

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải tăng tốc, đưa dự án về đích vào năm 2020

Theo thiết kế, đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1 km tuyến cao tốc và 4,5 km tuyến nối.
Theo thiết kế, đường cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận có tổng chiều dài 51,1 km tuyến cao tốc và 4,5 km tuyến nối.

Dự kiến đến ngày 30/5/2018, dự án Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ được bố trí vốn, đồng thời công tác giải phóng mặt bằng đã được địa phương bàn giao 49,3/51,1km, đạt khoảng 96%.

Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long (Cửu Long CIPM) cho biết: toàn bộ dự án chia thành 21 gói thầu xây lắp (hiện nay trên toàn tuyến đã có 18/21 gói thầu xây lắp đã và đang huy động thiết bị máy móc để triển khai thi công).

Bố trí đủ vốn chủ sở hữu

Các hạng mục thi công trên công trường chủ yếu xử lý nền đất yếu, đắp cát nền đường, đóng cọc, đổ bê tông mố trụ cầu. Giá trị thực hiện đến nay lũy kế đạt 320 tỷ đồng. 

Về công tác giải phóng mặt bằng, đến nay địa phương đã bàn giao được 49,3/51,1km. Công trình đã giải tỏa được 2586/2767 hộ dân đạt 96,45%, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng là 1.327 tỉ đồng. Hiện các đơn vị đang triển khai các mũi thi công chính gồm: làm nền đường nối cao tốc, cầu vượt nút giao Thân Cửu Nghĩa, cầu Kênh Một và nút giao nối với Cai Lậy. 

"Một khó khăn lớn khác là nhà đầu tư chưa thu xếp đầy đủ nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ thi công. Hiện nay, doanh nghiệp dự án đang làm việc với 5 ngân hàng trong đó ngân hàng Vietinbank là đầu mối để thu xếp nguồn vốn tín dụng cho dự án. Nếu sớm thu xếp được nguồn vốn, dự án sẽ đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2020", ông Thi cho biết.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết: "Dự kiến, chậm nhất đến ngày 30/5, sẽ hoàn tất việc ký kết hợp đồng tín dụng cũng như các hợp đồng, tài liệu khác liên quan".

Thi công chậm so với tiến độ đề ra

Sau khi kiểm tra thực địa tại công trường, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải, nhà đầu tư và các nhà thầu thời gian qua đã có nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ. Cùng với chính quyền địa phương, đặc biệt là người dân đã ủng hộ cao và sớm bàn giao mặt bằng sạch cho dự án.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng: dù thời gian qua Bộ Giao thông Vận tải đã tích cực triển khai dự án, nhưng hiện tiến độ vẫn chậm so với kế hoạch đề ra đưa vào khai thác trong năm 2019. Dự án chậm do nhiều yếu tố khác nhau nhưng Chính phủ yêu cầu là phải hoàn thành càng sớm càng tốt. 

"Thời gian tới, cần có biện pháp tăng tốc trong quá trình thi công. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ vẫn phải đảm bảo yêu cầu chất lượng, an toàn lao động, vệ sinh môi trường, Nhà đầu tư cần nhanh chóng phối hợp với cơ quan liên quan xúc tiến và thu xếp vốn tín dụng cho dự án để đảm bảo đưa đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào khai thác trong năm 2020", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết: tuyến cao tốc Tp.HCM – Cần Thơ gồm 2 đoạn là Tp.HCM – Trung Lương và Trung Lương – Mỹ Thuận - Cần Thơ. Hiện đoạn Tp.HCM – Trung Lương đã hoàn thành và đưa vào khai thác, đoạn Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ đang tích cực triển khai. 

"Hiện Bộ đang xúc tiến triển khai dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ và có 4 nhà đầu tư quan tâm. Theo kế hoạch, trong năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải đấu thầu xong và đầu năm 2019 sẽ triển khai các bước tiếp theo để sớm khởi công dự án này", ông Nhật khẳng định.

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, hiện nay lưu lượng vận tải hành khách, hàng hóa nông sản từ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long về Tp.HCM và ngược lại không ngừng tăng cao. 

Do đó, việc sớm hoàn thành tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ đang trở nên rất cấp thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh nền kinh tế và phát triển các thế mạnh của vùng là nông, lâm thủy sản...