09:05 12/02/2024

Rủi ro vẫn ở mức cao, ngành bất động sản dân cư bị xếp hạng tín nhiệm ở mức tiêu cực

Kiều Trang

FiinRatings đánh giá rủi ro tái cấp vốn vẫn ở mức cao đối với các nhà phát triển Bất động sản dân cư.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

FiinRatings mới đây đã đưa ra xếp hạng và triển vọng tín dụng theo ngành trong năm 2024. Trong hệ thống xếp hạng này, bất động sản dân cư bị đánh giá triển vọng tiêu cực; Xây dựng và Vật liệu Xây dựng bị đánh giá suy giảm, Tổ chức tài chính phi ngân hàng cũng bị đánh giá suy giảm.

Ngược lại, Bất động sản khu công nghiệp và ngân hàng được đánh giá ở mức ổn định trong khi đó chứng khoán ở mức cải thiện.

TRIỂN VỌNG TÍN DỤNG NHÓM BẤT ĐỘNG SẢN VẪN TIÊU CỰC

Với ngành bất động sản dân cư, trong năm 2023, những thay đổi về khung pháp lý chưa được thông qua, cũng như các sự kiện thanh tra, điều tra vẫn còn là trở ngại lớn cho sự hồi phục của thị trường. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, số lượng các dự án nhà ở thương mại được cấp phép mới trong năm 2023 rất hạn chế, tuy nhiên số lượng dự án đang triển khai lại ở mức cao kỷ lục.

Điều này phản ánh tâm lý e ngại chung trên thị trường, số lượng giao dịch suy giảm ở cả loại hình nhà ở thành phẩm và đất nền, cũng như các dự án đang triển khai phải tạm dừng.

Phần lớn các nhà phát triển hiện đang đối mặt với áp lực huy động vốn để triển khai dự án tại các khu đất đã tích lũy từ trước khi đại dịch bùng phát. Đồng thời, việc phải tìm các phương án tái tài trợ các khoản nợ cũ sẽ làm gia tăng rủi ro liên quan đến cơ cấu nguồn vốn và tình trạng thanh khoản.

Về triển vọng năm 2024, FiinRatings đánh giá các nhà phát triển Bất động sản dân cư vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với các áp lực về thanh khoản, khả năng tiếp cận nguồn vốn và các rủi ro về lãi suất, suy thoái kinh tế tác động đến nhu cầu và khả năng chi trả của người dân.

Nhìn chung, với áp lực từ một lượng lớn trái phiếu bất động sản đến hạn (ước tính ~120 nghìn tỷ VND – mức cao nhất trong vòng 5 năm gần đây), FiinRatings đánh giá rủi ro tái cấp vốn vẫn ở mức cao đối với các nhà phát triển Bất động sản dân cư.

Tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa mạnh trong khả năng duy trì hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp trong ngành trước các diễn biến khó khăn chung của thị trường kéo dài từ năm 2022 tới nay. Các doanh nghiệp có thương hiệu tốt, chất lượng dự án được đảm bảo với dòng sản phẩm đa dạng, cùng quỹ đất sạch được tích lũy qua lịch sử hoạt động lâu năm, đi kèm khả năng triển khai và thực thi dự án được kỳ vọng sẽ có thể tiếp cận đa dạng các kênh huy động vốn, và có sức chống chịu tốt hơn trước các diễn biến bất lợi của thị trường

Với ngành Bất động sản Khu công nghiệp, nguồn cung đất công nghiệp tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng thêm 44.760 ha trong giai đoạn 2022- 2025 để đáp ứng nhu cầu thuê đất công nghiệp tăng mạnh tại Việt Nam, trong đó mở rộng nguồn cung mới tại Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung được tăng tốc.

Việc chậm phê duyệt chính sách cho bất động sản công nghiệp tại Việt Nam là vấn đề mang tính thời điểm khi nhiều thành phố đã có chủ trương mở rộng quỹ đất mới cho khu công nghiệp.

FiinRatings cho rằng triển vọng ngành Bất động sản khu công nghiệp Việt Nam vẫn sẽ được duy trì ở mức ổn định thông qua các yếu tố sau: nhu cầu cao nhờ mở rộng sản xuất của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước; nguồn cung được Chính Phủ khuyến khích để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng; thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

Kỳ vọng làn sóng dịch chuyển, đa dạng hóa dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài, từ đó nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của cả ngành.

Rủi ro vẫn ở mức cao, ngành bất động sản dân cư bị xếp hạng tín nhiệm ở mức tiêu cực  - Ảnh 1

NGÂN HÀNG VÀ CHỨNG KHOÁN ỔN ĐỊNH HƠN

Với ngành Ngân hàng, trong năm 2023, ngoài những khó khăn trong việc giải ngân cho vay, lợi nhuận của một số ngân hàng cũng bị ảnh hưởng do các sự việc liên quan tới hoạt động kinh doanh bảo hiểm hay tư vấn phát hành.

Sự sụt giảm về lợi nhuận cũng khiến cho các ngân hàng gặp một số khó khăn trong việc cân đối giữa lợi nhuận và quản trị rủi ro chất lượng danh mục tài sản. Trong năm 2024, mặc dù còn tồn tại áp lực về chất lượng tài sản, FiinRatings nhận định khả năng sinh lời của các ngân hàng sẽ có những sự cải thiện nhất định, do tình hình kinh tế được kỳ vọng sẽ phục hồi, cùng với những giải pháp, chính sách tín dụng được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước triển khai nhằm đạt mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ phần nào gỡ bỏ những khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng.

Ngoài ra, một xu hướng trong năm 2024 của ngành ngân hàng mà FiinRatings nhận định có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng tín dụng và mức độ tín nhiệm của các ngân hàng là việc đẩy mạnh tăng vốn cấp 2 nhằm bổ sung nguồn vốn, hỗ trợ cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng. Với việc tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng trong nước hiện đang ở mức thấp hơn so với các ngân hàng trong cùng khu vực, FiinRatings kỳ vọng xu hướng này sẽ giúp các ngân hàng cải thiện mức đệm vốn và duy trì được nguồn vốn tương đối ổn định với chi phí phù hợp, qua đó củng cố mức độ tín nhiệm của các ngân hàng.

Với ngành Chứng khoán, trong bối cảnh lãi suất tương đối thấp và kỳ vọng của thị trường về sự phục hồi của kinh tế trong năm 2024, việc gia tăng hoạt động cho vay ký quỹ có thể sẽ có những tác động tích cực đến thanh khoản của thị trường, điều này sẽ giúp các công ty chứng khoán củng cố doanh thu và biên lợi nhuận của mình.

Về khả năng sinh lời của các công ty chứng khoán, kỳ vọng rằng 2024 sẽ là một năm có sự phân hóa đáng kể do sự khác biệt của các mô hình kinh doanh, thể hiện qua cơ cấu doanh thu của các công ty chứng khoán, nhưng về cơ bản sẽ tương đối tích cực, với động lực chính là hoạt động đầu tư tự doanh và hoạt động cho vay ký quỹ.

Tuy vậy, yếu tố theo dõi đối với ngành chứng khoán vẫn sẽ là các hoạt động gắn liền với hoạt động cho vay ký quỹ và với thị trường trái phiếu doanh nghiệp; điều này sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến vị thế thanh khoản của các công ty chứng khoán.