Là một trong vô vàn đảo nhỏ nằm trong vịnh Venice, Burano bắt đầu đón tiếp những cư dân đầu tiên vào khoảng thế kỷ thứ 6 Công nguyên, thời La Mã. Tuy nhiên, vai trò của nó trong lịch sử dài dằng dặc của Italia qua các thời kỳ không bao giờ quan trọng và nổi bật như hòn đảo thổi thủy tinh Murano ở gần đó. Những câu chuyện du khách có thể nghe được từ các ông già trên đảo không có gì khác hơn chuyện chống ngoại xâm, ngăn cướp biển, nỗi sợ hãi căn bệnh dịch hạch hồi thế kỷ 14 hay sự lo lắng về việc nước biển đang ngày càng dâng cao. Có nghĩa là giống hệt với cả chục, thậm chí là cả trăm hòn đảo có người sống trong vịnh Venice.
Nhưng… du khách đến Burano có lẽ không phải để nghe chuyện xưa. Họ đến để tìm tình yêu, đến để đắm chìm trong những màu sắc rực rỡ của cuộc sống đời thường, đến vì yêu nghệ thuật. Mỗi chuyến phà từ Venice ra Burano luôn chật kín chỗ ngồi. Lẫn lộn giữa đám du khách huyên náo kia là rất nhiều nghệ sĩ tự do, họ ghé thăm hòn đảo này để tìm cho mình những cảm hứng sáng tác mới, hoặc học cách tạo ra vẻ đẹp tự nhiên từ chính những điều giản dị nhất. Có vẻ như Burano không thực sự phù hợp với khách du lịch vãng lai, bởi hành trình 11km mà kéo dài tới một giờ đồng hồ buồn tẻ sẽ dễ làm thoái chí ngay cả những người kiên trì nhất, chưa kể thông tin về hòn đảo này ít ỏi đến đáng thương, chỉ có “những ngôi nhà nhiều màu sắc” và câu kết luận lạnh lùng: “bạn chỉ cần chưa đến một ngày để biết rõ về Burano”. Chắc chắn những hòn đảo lân cận như Murano, Tocello hay Lido có sức hấp dẫn hơn nhiều.
Nhưng khi bắt đầu thoáng hiện ra trong màn sương mờ ảo, Burano như ngầm khẳng định, lựa chọn của du khách là hoàn toàn chính xác. Những tiếc nuối tan biến nhanh chóng như chưa bao giờ xuất hiện và cũng chẳng bao giờ quay lại. Những nóc nhà nằm san sát bên nhau, sặc sỡ, rực rỡ và nóng bỏng y hệt bảng màu của một họa sĩ thích gây ấn tượng mạnh bằng tác phẩm của mình, chúng đua nhau ra tới gần mép nước, chạy dọc theo những con kênh nhỏ chằng chịt tỏa đi khắp nơi. Điểm xuyết vào đó là một vệt mây lửng lơ vắt ngang trời, hay đám bọt sóng tung bay theo chiếc ca-nô máy chạy trên mặt biển xanh ngắt.
Cho đến tận bây giờ, số cư dân trên đảo vẫn chưa vượt qua nổi cái ngưỡng 3.000 người, hầu hết đều theo nghề đánh cá truyền thống, hiền hòa, dễ chịu và luôn hòa nhã trong mọi trường hợp, chứ không hề “ăn sóng nói gió” như người ta vẫn hình dung về các ngư phủ kiêu hùng một thuở. Dường như họ đã sống trong những ngôi nhà chỉ cao đến hai tầng từ ngàn năm qua mà không đòi hỏi phải thay đổi gì. Sờ tay lên tường gạch nung ấm áp sẽ cảm nhận được lớp sơn rất dầy, bởi sơn cũ phai đi thì lại có sơn mới đè lên. Một người dân sống ở đây đã đùa vui rằng vai trò lớn nhất của chính quyền địa phương có lẽ là cấp phép cho người dân được sơn màu gì cho căn nhà của mình. Theo những câu chuyện xưa kể lại, nhà cửa ở Burano phải sơn màu khác nhau vì khi ngư dân trở về vào sáng sớm hay chiều tối, chính những gam màu sặc sỡ trên tường và cửa giúp họ tìm tới đúng nhà mình vì lớp sương mù ở đây quá dày đặc.
Quảng trường trung tâm là nơi ai cũng phải ghé thăm, từ đây có thể nhìn thấy rõ tháp chuông cao vút nhưng nghiêng nghiêng của nhà thờ San Martino in bóng trên nền trời. Được đặt nền móng từ năm 959, nhà thờ San Martino chính thức mọc lên vào khoảng thế kỷ 16, nét độc đáo của nó chính là việc hoàn toàn không có mặt tiền – như một ngụ ý về sự khiêm nhường của Thiên Chúa. Vật phẩm trưng bày nổi tiếng nhất bên trong San Martino chính là bức tranh “Chúa bị đóng đinh câu rút – Crucifixion) của danh họa Giambattista Tiepolo. Nội thất khiêm nhường nhưng vẫn đủ vẻ trang nghiêm, San Martino đúng là một giáo đường nhỏ trên một hòn đảo nhỏ, nhưng nếu Burano có được danh tiếng như “hàng xóm” Murano thôi, bảo đảm du khách sẽ nườm nượp kéo tới đây để chiêm ngưỡng “tiểu” tháp nghiêng Pizza.
Từ quảng trường trung tâm, hãy cứ theo những con phố dài và hẹp để lặng lẽ băng qua những sắc màu rực rỡ mà ấm áp, những khung cửa đầy hoa, im lặng mà chiêm nghiệm cuộc sống chầm chậm trôi qua. Không phải ai cũng có cơ may được thưởng thức ly capuccino ngọt ngào từ một quán nhỏ đơn sơ bằng gỗ ngay sát bờ kênh, ngắm những cây cầu nhỏ cong cong, mềm mại như đôi tay tình nhân vòng qua cổ nhau trao những nụ hôn nồng nàn. Cũng có những người đến Burano để tìm sự thanh thản, và thực sự họ đã đạt được mục đích.
Nhưng Burano không chỉ có vậy. Ít ai biết rằng đây còn là nơi làm ra những mẫu thêu ren đẹp đẽ vào bậc nhất. Quay lại năm 1481, khi Leonado Da Vinci ghé thăm Burano, ông đã mua một miếng vải về trang trí cho ngai lớn trong Nhà thờ lớn Milan (Duomo di Milano). Sau đó không lâu, các nhà buôn bắt đầu kéo tới Burano và các sản phẩm thêu ren từ hòn đảo này tràn ngập cả châu Âu. Nhưng đến giờ thì nghề thủ công đó cũng dần mai một, trên đảo chỉ còn vài chục nhà vẫn giữ được truyền thống mà thôi. Tuy nhiên, đừng tiếc công ghé vào các cửa hàng thêu ren dọc theo con phố chính bởi chắc chắn du khách sẽ tìm được cho mình những sản phẩm độc đáo bậc nhất. Và nếu mối quan tâm với nghề này vẫn chưa tắt hẳn thì hãy tham quan Bảo tàng và trường dạy thêu ren (Museo de Merletto), rất thú vị.
Tìm một quán ăn ở Burano không phải là chuyện khó bởi hầu hết đều tập trung quanh khu quảng trường chính. Và nhà hàng Riva Rosa là một ví dụ điển hình về chất lượng với menu ngập tràn hải sản tươi sống được chế biến cầu kỳ bên cạnh những món Ý truyền thống. Dù giá cả có đắt đỏ một chút nhưng ai cũng vui lòng móc hầu bao bởi mọi thứ đều làm họ cảm thấy hài lòng: không gian thoáng đãng, món ăn lên nhanh và chuẩn, phục vụ luôn niềm nở và nói tiếng Anh cực tốt. Trong khi đó, Da Forner hay Galuppi dành cho nhóm thực khách bình dân và Garbo Giorgio là địa chỉ phải ghé với những người mê bánh ngọt. Không có quá nhiều lựa chọn nhưng chắc chắn đều đáng tiền cả.
Burano chỉ giản dị là vậy thôi, nên hiếm du khách nào chịu qua đêm trên đảo. Cứ mỗi khi hoàng hôn buông xuống, những chuyến phà về Venice lại chật kín người, mang theo những kỷ niệm đẹp đẽ về một bảng màu rực rỡ nằm giữa biển khơi bị che phủ bởi màn sương dày đặc. Còn cuộc sống bình yên ở Burano vẫn lặng lẽ trôi qua, bất kể có hay không sự hiện diện của đám người xa lạ kia. Burano như nằm tách biệt khỏi dòng chảy của xã hội hiện đại, một chốn đào nguyên còn sót lại của nước Ý mộng mơ và kiểu cách…
Ở Burano không có phương tiện giao thông công cộng như tàu điện hay xe gắn động cơ, các con phố nhỏ được nối với nhau bằng những cây cầu bắc ngang qua con kênh xanh biếc, phản chiếu hình ảnh dãy nhà sặc sỡ hai bên bờ. Phương tiện chính mà người dân dùng để di chuyển từ Burano sang các đảo xung quanh là thuyền và xuồng máy, được neo đậu trước cửa nhà mỗi người. Cũng có những dịch vụ chuyên chở khách bằng xuồng máy đi thăm quan đảo và khu vực lân cận nhưng khá khiêm tốn và giá cao.
Mỹ Hạnh