07:12 09/11/2009

Saleh Kamel, tỷ phú đầy quyền lực ở Ả-rập Saudi

Lê Hường

Tỷ phú Saleh Kamel là người giàu thứ 10 ở Ả-rập Saudi với khối tài sản gần 4 tỷ USD

Tỷ phú Saleh Kamel.
Tỷ phú Saleh Kamel.
Khi Kamel công bố sẽ “bỏ tiền” vào lĩnh vực ngân hàng cho thị trường các nước Hồi giáo, một số người có quan điểm thận trọng khẳng định dự án này sẽ không bao giờ thành công.

Khi ông đầu tư vào các khu nghỉ dưỡng ở Ả-rập Saudi và Tunisia, nhiều người nói với ông “sẽ tổn thất hàng triệu USD đấy!”.

Các nhà hàng ở Tây Ban Nha, những trang trại gia cầm ở Ai Cập, một công ty bảo hiểm ở Dubai, hết lần này lại lần khác, Kamel đã bỏ qua những lời can ngăn, chấp nhận rủi ro.

Hơn 40 năm qua, Saleh Kamel đã xây dựng được sự nghiệp kinh doanh vững chắc không chỉ nhờ vào mối quan hệ chặt chẽ với Chính phủ Ả-rập Saudi mà còn dựa trên khả năng phán đoán và linh hoạt tìm cơ hội kinh doanh mới.

Hiện nay tập đoàn Dallah Albaraka của ông tham gia đầu tư hàng tỷ USD trên khắp 40 nước khác nhau. Kamel hiện là Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hồi giáo và là người giàu thứ 10 ở Ả-rập Saudi với khối tài sản gần 4 tỷ USD.

Tìm cơ hội từ mọi lĩnh vực

Trong suốt cuộc bùng nổ dầu mỏ vào thập niên 1960, công ty của Kamel đã thực hiện được nhiều hợp đồng xây dựng cơ sở hạ tầng cho chính phủ Ả-rập Saudi. Đó là các dự án xây dựng đường sá, đường ống, hệ thống cống rãnh. Nhờ thực hiện thành công các hợp đồng này, ông đã giành được niềm tin của chính phủ khi được giao bảo trì các công trình văn hóa và 2 nhà thờ Hồi giáo Mecca và Medina cùng các công trình công cộng khác.

Tập đoàn Dallah của ông đã được giao xây dựng tuyến đường King Abdul Aziz Road trị giá 9,3 tỷ USD nối dài từ miền Tây thành phố Hồi giáo Mecca đến nhà thờ Hồi giáo Holy.

Đã từng đi khắp thế giới, niềm đam mê kinh doanh của Kamel đã có từ những ngày thơ bé, khi ông chập chững bước vào nghiệp kinh doanh như một duyên phận. Từ khi còn là một thanh niên trẻ tuổi, ông đã thành lập công ty riêng của mình chuyên cung cấp dịch vụ vận tải trong nước. 4 thập kỷ sau, tập đoàn Dallah Albaraka Group có giá trị hơn 7 tỷ USD với hơn 300 công ty hoạt động tại 44 nước trên khắp thế giới. Quan trọng hơn, Kamel đã tạo được việc làm cho hơn 60.000 người.

“Triết lý của chúng tôi là làm việc để tạo lợi nhuận, nhưng đấy không phải là mục tiêu duy nhất. Công việc của tôi là nhìn vào cuộc sống xung quanh mình xem ở đâu có nhu cầu”, Kamel nói.

Giờ đây, hơn lúc nào hết, ông vua của tập đoàn này đang phải đối mặt với gánh nặng là lực lượng dân số trẻ đang tăng lên nhanh chóng, vì thế Kamel đã nhìn thấy nhu cầu về việc làm rất lớn tại đất nước ông. Sáu mươi nghìn việc làm có nghĩa là cuộc sống tốt đẹp hơn cho 60.000 gia đình.

“Tôi ghét phải sa thải nhân viên. Mỗi khi phải làm việc đó, tôi cảm thấy rất buồn và thường phải tìm được một công việc khác cho người bị sa thải. Okay, nhân viên đó đã mắc sai lầm, nhưng gia đình anh ta thì sao, còn cả trách nhiệm của tôi với họ nữa chứ”, Kamel trao đổi về tâm huyết của ông đối với việc giữ việc làm cho các nhân viên của mình.

Làm kinh doanh đôi khi là tàn nhẫn. Leo đến đỉnh cao thường đồng nghĩa với việc đặt lợi nhuận lên hàng đầu. Nhưng điều này không đúng với Kamel. “Mục tiêu chính của tôi là gìn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc mình”, Kamel khẳng định. “Với tất cả những thay đổi đang diễn ra, chúng tôi có vẻ đang dần mất đi văn hóa của mình, dần quên đi mình là ai”.

Đáng ngạc nhiên, việc mở rộng kinh doanh trên phạm vi toàn cầu của ông càng củng cố thêm nền tảng vững chắc của văn hóa Ả-rập Saudi. Ngày nay, Dallah Albaraka Group là tập đoàn tư nhân lớn nhất ở Ả-rập Saudi. 90% vị trí quản lý cấp cao trong tập đoàn này là do người Ả-râp Saudi nắm giữ. Điều này thể hiện cam kết của Kamel với tương lai của quê hương mình.

“Tôi có một nhà máy không mang lại nhiều lợi nhuận. Nhưng mỗi khi đến đó, tôi cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất trên thế giới. Bởi vì có 1.000 cô gái làm việc ở đấy, tất cả họ đều có việc làm. Tạo được việc làm cho nhiều người khiến tôi hạnh phúc hơn là kiếm được lợi nhuận”, Kamel nói.

Khả năng kinh doanh thông minh của Kamel đã giúp ông mở rộng sang các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, y tế và thậm chí cả truyền thông. Ông đã thành lập Trung tâm phát sóng Trung Đông (MBC) và Đài phát thanh và truyền hình Ả-rập. Và Dallah Albaraka đã trở thành doanh nghiệp hoạt động tốt nhất tại đất nước này.

Hiện nay, tài chính, truyền thông là những lĩnh vực hoạt động chủ chốt của tập đoàn Dallah Albaraka. Hoạt động kinh doanh của tập đoàn này bao gồm 8 công ty tham gia vào các lĩnh vực xuất nhập khẩu, bất động sản, y tế, công nghiệp, nông nghiệp, viễn thông và giao thông.

Công ty Al Samaha kinh doanh các sản phẩm dầu gội đầu, máy điều hòa và kim cương cao cấp. Công ty Dallah đã tham gia vào rất nhiều các dự án công cộng, bao gồm xây dựng các nhà máy nước, bảo trì các công trình tôn giáo. Công ty Dallah Communications cung cấp cơ sở hạ tầng viễn thông nối Trung Đông với cả thế giới thông qua 27.000 km cáp quang ngầm dưới biển.

Bí quyết mang tên “dũng cảm”

Bao nhiêu người trong chúng ta có thể hy vọng, khi không nắm chắc về cơ hội thành công? Không dễ để tiếp tục tiến lên phía trước khi thất bại đang ngáng đường, các nhà đầu tư đang hoảng loạn và nhiều tín hiệu mách bảo “dừng lại”. Nhưng đấy là điểm khác biệt tạo nên thành công, điểm khác biệt này mang tên “sự dũng cảm”.

Rất khiêm tốn khi tự nhận mình là người dũng cảm, Kamel không bao giờ để nỗi sợ hãi hay sự thất bại làm nản lòng. Đấy là bí quyết thực sự dẫn đến chiến thắng của ông. Không bao giờ e sợ khi đi ngược lại xu hướng, không bao giờ nghi ngờ vào năng lực bản thân, Kamel đã thành công vượt cả sức tưởng tượng của bất cứ ai. Ông đã nếm trải rất nhiều rủi ro, và phần thưởng Kamel nhận được đó là một đế chế kinh tế Dallah Albaraka nhiều tỷ Đôla Mỹ.

Nhưng Kamel thừa nhận rằng ông cũng đã phải trả giá cho thành công của mình. “Tôi đã mất rất nhiều bạn bè. Tôi không có cuộc sống xã hội. Khi tôi nói chuyện với con trai tôi, chủ đề là kinh doanh, khi tôi nói chuyện với con gái tôi, chủ đề cũng là công việc làm ăn. Tôi không biết như vậy là tốt hay xấu, nhưng tôi yêu thích được làm việc”, Kamel tâm sự.

Saleh Kamel có những cam kết chặt chẽ với công việc của mình và ông tuân thủ cam kết đó một cách nghiêm túc. Nếu bạn muốn lôi Kamel ra khỏi một nhóm người đang trò chuyện trên bãi biển, hãy tìm trợ lý của ông ta, bạn sẽ được trình bày một danh mục đầu tư.

Nếu bạn đang tham gia một bữa tiệc bạn sẽ thấy Kamel đang ngồi ở một góc nào đó, thảo luận về triển vọng của các hợp đồng bảo trì mới ở Bahrain. Cuộc sống của Kamel đã từng là như vậy kể từ năm 1969, khi ông sáng lập tập đoàn hùng mạnh Dallah Albaraka Group, hiện thực hóa “giấc mơ cả thời trai trẻ” của mình.

Mặc dù đã gặt hái được rất nhiều thành công, các hoạt động kinh doanh sôi nổi của Kamel tiếp tục được phát triển. Một số ý kiến cho rằng Kamel đã mở quá rộng hoạt động kinh doanh.

“Tôi muốn tự chịu trách nhiệm về những gì tôi làm”, Kamel nói. Nhưng bằng cách nào Kamel có thể tham gia vào nhiều hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau? Làm sao ông có thể giám sát được quá trình sản xuất một chương trình TV, xây dựng một khách sạn đắt tiền và phân phối hàng triệu chai dầu gội đầu?

Không ai có thể cùng lúc có mặt ở nhiều nơi, và nhúng tay vào nhiều việc, Kamel càng khó lòng nắm bắt hết tất cả các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, một người có thể xây dựng được một doanh nghiệp, nhưng không ai lại điều hành một mình, đấy cũng là bí quyết thành công của Kamel.

“Đôi khi, có người bảo là tôi bị điên”, Kamel nói. Nhưng bảy năm sau, cũng chính người này bảo với tôi rằng “tôi rất có tầm nhìn”.

Kamel có mặt khắp nơi, sở hữu nhiều thứ và không bao giờ nói dừng lại. Một thử thách cam go mà ông từng trải qua, đó là năm 1967, khi ông thành lập Ngân hàng Dallah Albaraka, đó là ngân hàng hiện đại đầu tiên của người Hồi giáo. Nhiều tháng sau đó, nỗ lực “gắn” các công nghệ ngân hàng với luật lệ Hồi giáo là rất rủi ro. Thế nhưng, Kamel đã thành công.

Thị trường đầu tư ở các nước Ả-rập đã tăng hơn 500% trong thập kỷ qua. Theo Học viện Ngân hàng và Bảo hiểm Hồi giáo tại London, hiện nay có hơn 250 ngân hàng Hồi giáo tương tự đang hoạt động ở 50 nước và đang quản lý các quỹ có tài sản đến 200 tỷ USD. “Tôi đã bắt đầu và những người khác làm theo”, Kamel nói. Đi đầu có nghĩa là đương đầu với rủi ro.

Là một doanh nhân Ả-rập Saudi hoạt động trên phạm vi toàn cầu, Kamel đã phải đối mặt với một nhiệm vụ rất dễ nản lòng. Gần đây, đất nước Hồi giáo này có xu hướng hướng nội hơn là hướng ngoại, nghỉ ngơi trên sức mạnh từ những thành tựu đã đạt được và sự giàu có nhờ dầu mỏ của mình. Nhưng Kamel đã đầu tư hơn 3 tỷ USD vào lĩnh vực viễn thông cùng với tham vọng tiếp tục nâng cao vị thế đất nước mình trên trường quốc tế.

Kamel từng là một trong những đối tác đầu tiên tại Trung tâm Phát sóng Trung Đông (MBC), nhưng ông đã từ bỏ mối quan hệ này sau những bất hòa không thể thương lượng với các nhà đầu tư khác. Ông tự mình thành lập Đài phát thanh truyền hình Ả- rập (ART) với buổi phát sóng đầu tiên được thực hiện năm 1994.

Mặc dù thua lỗ hơn 70 triệu USD trong năm đầu tiên nhưng Kamel đã khẳng định rằng ART có thể lấy lại cân bằng ngay trong cuối năm đó. Có nhiều lý do để khẳng định rằng niềm tin của ông là rất có cơ sở.

Kamel sở hữu 50% danh mục tất cả các phim được Ả-rập sản xuất. Quan trọng hơn, Kamel sở hữu và tự điều hành các chương trình sản xuất và quảng cáo. Bên cạnh truyền hình, Kamel còn có cổ phần trong 3 tờ báo của Ả-rập Saudi, đó là, Nhật báo Okaz, Nhật báo Al Bilad và Nhật báo Al Nadwa.

Tỷ phú truyền thông của Úc, ông Rupert Murdoch đã làm một cuộc cách mạng truyền hình cáp ở nước Anh bằng việc xây dựng các kênh xem thể thao trả tiền và Kamel cũng không bỏ qua hình thức này. “Thể thao là xương sống của ngành truyền hình chúng tôi”, Kamel nói.

Ngay trước khi vòng thi đấu chung kết bóng đá thế giới năm 2006, Kamel đã làm cho các đối thủ cạnh tranh bất ngờ khi tuyên bố rằng ART đã mua được quyền phát sóng tất cả các giải đấu. Nhưng sau đó, để giảm áp lực, Kamel đã nhượng quyền phát sóng này cho các đài địa phương.

Trước khi World Cup bắt đầu, Kamel cũng đã từng lo ngại: liệu công chúng có sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ từ trước đến nay họ được miễn phí? Không ai có thể trả lời vào thời điểm đó, nhưng Kamel sẵn sàng đương đầu với rủi ro. Saleh Kamel đã có kế hoạch cùng một số đối tác khác thành lập ngân hàng Hồi giáo lớn nhất thế giới vào cuối năm 2009, với tổng giá trị đợt đấu giá lần đầu (IPO) là 3 tỷ USD.

Mặc dù các điều kiện kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nhưng Saleh Kamel không rút lui mà ngược lại, ông vẫn xúc tiến các hoạt động huy động vốn. Ngành ngân hàng của các nước Hồi giáo cần được đầu tư trong những thời điểm như thế này.

Trong kinh doanh ngân hàng, dĩ nhiên là Kamel cũng ý thức về sức mạnh của các đối thủ cạnh tranh trên thế giới, nhưng ông không quá lo lắng. “Tôi nghĩ cạnh tranh là tốt cho mọi người. Cạnh tranh giúp bạn đứng trên đôi chân thật của mình. Đấy là cuộc sống và đấy là cách thức vận hành của kinh tế thị trường”, Kamel nhấn mạnh quan điểm của mình.