17:47 10/02/2022

Samsung trả thưởng 11 tháng lương để thu hút nhân tài

Phương Linh

Lợi nhuận kỷ lục trong năm 2021 của Samsung Electronics đã giúp tiền thưởng của nhân viên công ty này tăng lên đáng kể...

Samsung và các nhà sản xuất bán dẫn đang trên đường đua khốc liệt để giành nhân tài - Ảnh: AFP
Samsung và các nhà sản xuất bán dẫn đang trên đường đua khốc liệt để giành nhân tài - Ảnh: AFP

“Khi tình hình dịch ổn ổn hãy cùng đi ăn trưa tại một nhà hàng Nhật nổi tiếng nhé. Tôi mời”, một nhân viên Samsung gửi tin nhắn cho bạn mình sau khi nhận được khoản tiền thưởng tương đương 3 tháng lương hồi tháng 1.

Đây khoản thưởng mà người này cũng như tất cả nhân viên bộ phận chip nhớ của Samsung nhận được nhờ việc bộ phận này đóng vai trò quan trọng giúp gã khổng lồ Hàn Quốc vượt qua công ty Mỹ Intel về doanh thu chip trong năm 2021.

Khoản thưởng này được trả chỉ vài tuần sau khi tất cả nhân viên Samsung Electronics nhận được một khoản thưởng đặc biệt khác tương đương 2 tháng lương hồi tháng 12/2021, bên cảnh khoản thưởng 6 tháng lương chia từ lợi nhuận thường niên của công ty.

Theo đó, một nhân viên tại bộ phận chip nhớ của Samsung nhận tổng tiền thưởng tương đương 11 tháng lương cho những đóng góp trong năm 2021.

Tính tới ngày 31/12/2020, Samsung có 109.490 nhân viên tại Hàn Quốc với mức lương bình quân năm khoảng 127 triệu Won (tương đương 106.000 USD), theo báo cáo thường niên của công ty gửi Ủy ban Chứng khoán Hàn Quốc. Con số này tăng 26% so với 5 năm trước đó và có thể đã tăng mạnh hơn nữa năm 2021 nhờ lợi nhuận kỷ lục của công ty trong năm này.

Con số này cũng chưa thể hiện đầy đủ bức tranh toàn cảnh về chế độ đãi ngộ của tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc bởi công ty này còn có những lợi ích hào phóng khác cho nhân viên như miễn phí ăn ba bữa tại căng tin ngay ở chỗ làm, trả hầu hết chi phí giáo dục cho con cái của họ... Samsung cũng là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Hàn Quốc có hệ thống chia sẻ lợi nhuận với nhân viên.

Tính tới ngày 31/12/2020, Samsung có 109.490 nhân viên tại Hàn Quốc với mức lương bình quân năm khoảng 127 triệu Won (tương đương 106.000 USD) - Ảnh: Reuters
Tính tới ngày 31/12/2020, Samsung có 109.490 nhân viên tại Hàn Quốc với mức lương bình quân năm khoảng 127 triệu Won (tương đương 106.000 USD) - Ảnh: Reuters

Các chính sách trên được xây dựng dựa trên triết lý đãi ngộ do nhà lãnh đạo quá cố Lee Kun-hee đặt nền móng từ năm 2001. Theo đó, thành tích làm việc của nhân viên nên được thưởng bằng tiền.

Những khoản thưởng khổng lồ từ nhà sản xuất smartphone và chip nhớ lớn nhất thế giới cho thấy mức độ khốc liệt trong cuộc chiến cạnh tranh thu hút nhân tài của các công ty trong lĩnh vực này. Không chịu thua kém, hồi tháng 1, nhà sản xuất bán dẫn đối thủ của Samsung - SK Hynix - cũng thưởng cho tất cả nhân viên 10 tháng lương sau một năm “ăn nên làm ra”.

Sự hào phóng của các nhà sản xuất bán dẫn bắt nguồn từ thực tế ngành này luôn trong tình trạng thiếu nhân lực. Do nhu cầu chip trên toàn cầu ngày càng tăng, các công ty này đang phải cạnh tranh để chiêu mộ nhân sự có khả năng phát triển công nghệ mới hay kỹ sư làm việc tại các nhà máy sản xuất.

Trong khi đó, nguồn nhân lực cho lĩnh vực này tại Hàn Quốc đang ngày càng thu hẹp do sự phát triển mạnh mẽ của các công ty game và internet như Naver, Kakao… - điểm đến mới cho những nhân lực chất lượng cao về khoa học và kỹ thuật. Mức lương bình quân năm tại Naver đã tăng gấp rưỡi trong 5 năm lên 86.000 USD trong năm 2020. Điều này khiến Samsung tụt hạng trong danh sách nơi làm việc được yêu thích nhất tại Hàn Quốc sau nhiều năm dẫn đầu.

Nhận thấy tình trạng thiếu nhân lực gây ra nguy cơ nghiêm trọng đối với ngành công nghiệp quan trọng này, Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều động thái nhằm thúc đẩy nguồn cung nhân tài, như khuyến khích các trường đại học hàng đầu mở ngành đào tạo bán dẫn. Tuy vậy, nỗ lực đào tạo nhân lực có trình độ không theo kịp tốc độ phát triển chóng mặt của thị trường bán dẫn.

Điều này ngược lại với thực tế tại nước láng giềng Nhật Bản – cường quốc về công nghệ một thời. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đang muốn hồi sinh ngành bán dẫn nhưng chưa đưa ra một chiến lược dài hạn cho việc bồi dưỡng nhân tài. Các nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn của Nhật đã rút khỏi lĩnh vực này từ hơn một thập kỷ trước và cũng không có nhiều nhà nghiên cứu hay doanh nghiệp Nhật có hứng thú với lĩnh vực này. Đây là những nguyên nhân khiến tình trạng thiếu kỹ sư bán dẫn tại Nhật Bản thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với Hàn Quốc.

Cùng với đó, cơ cấu lương thưởng có phần cứng nhắc khiến các doanh nghiệp Nhật thua thiệt trên đường đua thu hút những nhân lực có trình độ mà họ cần để cạnh tranh. Theo nhiều chuyên gia, đây là điều mà doanh nghiệp Nhật có thể học hỏi từ nước láng giềng.