10:59 01/09/2024

Sân bay Long Thành đóng góp 3-5% tăng trưởng GDP của Đồng Nai

Phạm Vinh

Sân bay Long Thành hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế, trung tâm trung chuyển khu vực và đóng góp tăng trưởng GDP của Đồng Nai từ 3-5%...

Hội thảo “Cơ hội, thách thức đối với Đồng Nai sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động”, ngày 30/8.
Hội thảo “Cơ hội, thách thức đối với Đồng Nai sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động”, ngày 30/8.

Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội thảo “Cơ hội, thách thức đối với Đồng Nai sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động” ngày 30/8. Hội thảo nhằm tìm giải pháp phát huy tối đa hiệu quả của dự án sân bay Long Thành đối với sự phát triển của Đồng Nai.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ông Võ Tấn Đức cho biết, sau một thời gian dài đạt mức tăng trưởng cao, Đồng Nai đã có dấu hiệu chựng lại, kinh tế, xã hội của tỉnh đã phát sinh những “điểm nghẽn”, “nút thắt” cản trở sự phát triển.

CẦN 2 TỶ USD PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG QUANH VÙNG SÂN BAY LONG THÀNH

Trong bối cảnh đó, sân bay Long Thành, một trong 16 sân bay được mong chờ nhất thế giới hướng tới mục tiêu trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế được kỳ vọng sẽ mở ra một “bầu trời” mới để Đồng Nai phát triển, trở thành một trung tâm trung chuyển của cả khu vực.

 

“Nhiều khả năng, sau khi đi vào hoạt động, dự án sân bay Long Thành có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP của Đồng Nai từ 3-5%”

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức.

Theo ông Đức, để phát huy lợi thế sân bay Long Thành, tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ như: lập quy hoạch vùng sân bay, xây dựng hệ thống giao thông kết nối, quy hoạch hệ thống logistics khu vực vùng sân bay và vùng phụ cận sân bay… nhằm tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh cũng như vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, phát triển thương mại dịch vụ, bảo vệ môi trường… là những thách thức lớn đã được chỉ ra đối với Đồng Nai.

“Nhiều khả năng, sau khi đi vào hoạt động, dự án sân bay Long Thành có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP của Đồng Nai từ 3 đến 5%”, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Tấn Đức kỳ vọng.

Đánh giá về vai trò của sân bay Long Thành đối với quá trình phát triển, PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam và thành viên Tổ tư vấn Chính phủ, cho rằng sân bay Long Thành sẽ giúp giải quyết nhiều vấn đề chiến lược cơ bản ở tầm quốc gia, tầm vùng chứ không chỉ riêng cho Đồng Nai trong bối cảnh đua tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Ngoài ra, trong thời đại tốc độ cao, toàn cầu hóa hiện nay, sân bay Long Thành còn có sứ mệnh kết nối quốc tế để thay đổi vị thế phát triển của Việt Nam.

“Sân bay Long Thành tự nó phải trở thành một tọa độ để thực hiện đua tranh quốc tế của Việt Nam, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng Nai, nơi đặt Sân bay Long Thành là địa điểm chiến lược cho sự lựa chọn đó để hình thành một cấu trúc phát triển mới”, TS. Trần Đình Thiên cho biết thêm.

Phân tích về tác động của kinh tế hàng không đối với sự phát triển kinh tế địa phương, GS.TS Frank Fichert, đến từ Worms University of Applied Sciences (Trường đại học Khoa học ứng dụng Worms, Đức), đã viện dẫn chứng sân bay Munich. Theo đó, sau khi di dời và mở rộng, nâng công suất, tỷ trọng tác động kinh tế do sân bay Munich tạo ra và ở lại với khu vực lân cận sân bay là 69% tổng giá trị gia tăng cùng 65% việc làm.

Ông Frank Fichert cho rằng sân bay mang lại giá trị “vị thế” đắc địa cho khu vực lân cận, phù hợp mở công ty đổi mới sáng tạo, công ty du lịch, hội chợ thương mại…

Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai ông Nguyễn Hồng Lĩnh cũng thẳng thắn chỉ ra 5 thách thức mà Đồng Nai sẽ phải đối mặt khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động là: nhân lực lao động chất lượng cao cho sân bay Long Thành và nền kinh tế sân bay; hoàn thiện và kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị sân bay; phát triển các sản phẩm dịch vụ cho hoạt động bay; xử lý và kiểm soát vấn đề môi trường; an ninh kinh tế, phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Đồng thời, ông Lĩnh cũng cho biết thêm hiện nay, Đồng Nai cần khoảng 2 tỷ USD để phát triển hạ tầng các vùng động lực quanh sân bay Long Thành.

NỖ LỰC THI CÔNG XUYÊN LỄ

Để đảm bảo tiến độ hoặc thậm chí là vượt tiến độ, tại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành hiện nay đang là một đại công trường với hàng trăm mũi thi công cùng với sự tham gia của hơn 6.000 nhân sự, hơn 2.200 thiết bị thi công.

Cụ thể, tại công trình nhà ga hành khách, sau một năm triển khai, đến nay, khu vực này đã hoàn thành toàn bộ phần bê tông cốt thép cột, dầm sàn lầu 1, 2, 3; bê tông cốt thép dầm sàn lầu 4 cũng đạt 100% diện tích; vượt tiến độ đề ra khoảng 20 ngày.

Để hoàn thành toàn bộ các hạng mục trước ngày 31/8/2026, nhà thầu đã nỗ lực triển khai các mũi thi công. Trong dịp nghỉ lễ 2/9 này, đơn vị duy trì 100% nhân sự tại công trình với khoảng 3.000 người.

Trong dịp nghỉ lễ 2/9 này, đơn vị duy trì 100% nhân sự tại công trình với khoảng 3.000 người.
Trong dịp nghỉ lễ 2/9 này, đơn vị duy trì 100% nhân sự tại công trình với khoảng 3.000 người.

Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc Ban Điều hành Hancorp gói thầu 5.10, Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, cho biết: "Xác định đây là công trình trọng điểm quốc gia, anh em cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, gác lại những câu chuyện cá nhân, gia đình để thi công làm sao nhanh chóng, hoàn thành tiến độ công trình đưa ra, bàn giao cho chủ đầu tư và đưa vào vận hành sớm, phục vụ người dân".

Theo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam ACV, các gói thầu do đơn vị làm chủ đầu tư đang đảm bảo tiến độ, trong đó có một số hạng mục vượt tiến độ 10-20 ngày.

Ngoài ra, trong tháng 9 tới đây, ACV dự kiến khởi công thêm ba gói thầu: gói thầu 4.7: thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình sân đỗ tàu bay nhà ga hành khách và các công trình khác; gói thầu 4.8: Thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị, lập thiết kế bản vẽ thi công công trình giao thông nội cảng và hạ tầng kỹ thuật cảng hàng không và gói thầu 4.9: Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị Hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay. Các gói thầu này được dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 31/8/2026.