15:39 04/01/2010

Sàn vàng đóng cửa, tiền về đâu?

Ngày cuối năm 2009, một nhà đầu tư vàng tên Lý chẳng buồn đến sàn

Thời gian qua, các sàn vàng đã thu hút lượng lớn tiền đầu tư của xã hội - Ảnh: Lê Quang Nhật.
Thời gian qua, các sàn vàng đã thu hút lượng lớn tiền đầu tư của xã hội - Ảnh: Lê Quang Nhật.
Ngày cuối năm 2009, một nhà đầu tư vàng tên Lý chẳng buồn đến sàn. Ông ngồi nhà, tính toán chọn kênh đầu tư mới cho khoản tiền đầu tư của mình.

Đó cũng là tâm trạng chung của nhiều nhà đầu tư trước giờ sàn vàng đóng cửa.

Hết chỗ chơi vàng

Ngay khi có thông tin sàn vàng đóng cửa, lập tức giao dịch trên các sàn vàng giảm mạnh. Tại sàn vàng SJC - Eximbank, lượng giao dịch ngày 31/12 chỉ còn 1.700 lượng với tổng giá trị hơn 43,5 tỉ đồng, trong khi mới mười ngày giao dịch trước là 7.570 lượng, với tổng giá trị hơn 191 tỉ đồng. Sàn vàng Sài Gòn của Ngân hàng ACB, khối lượng giao dịch giảm còn 8.000 lượng trong khi trước đó giao dịch trung bình khoảng 300.000 lượng/ngày.

Một số sàn vàng đã có thông báo về hoạt động của sàn trong thời gian sắp tới. Đối với nhà đầu tư còn trạng thái, theo sàn vàng Việt Nam (VGB), nhà đầu tư nên chọn mức giá và thời gian nào tốt nhất trong ba tháng tới để tiến hành chốt lời hoặc cắt lỗ hiệu quả nhất. Đối với nhà đầu tư không còn trạng thái, trong thời gian này, nếu chưa tìm được cơ hội đầu tư khác tốt hơn thì vẫn có thể tiếp tục đầu tư. Còn về tài khoản giao dịch, tiền và tài sản của nhà đầu tư được bảo đảm an toàn tại các ngân hàng liên kết với VGB.

Trong khi nhà đầu tư cá nhân buồn vì hết chỗ đầu tư vàng, thì chủ các sàn vàng cũng lo tìm phương cách kinh doanh khác. Ông Lâm Minh Chánh, Tổng giám đốc Sàn vàng Thế Giới (VTG) cho biết: “Khi hết hạn hoạt động, VTG sẽ chuyển hệ thống giao dịch qua mảng chứng khoán”.

Giám đốc một ngân hàng có sàn vàng cũng bộc lộ sự lo lắng, bởi lãi từ hoạt động kinh doanh vàng và từ sàn vàng đã đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận của ngân hàng mấy năm nay.

Theo ước tính của Công ty Chứng khoán Tp.HCM (HSC) trong báo cáo ngày 18/11/2009 về ngân hàng ACB, phí thu được từ sàn giao dịch vàng và môi giới chứng khoán chiếm 27 - 28% tổng thu nhập phi rủi ro. Ước tính chín tháng đầu năm sàn vàng mang lại cho ACB khoản phí gần 120 tỉ đồng, trong khi phí môi giới chứng khoán mang về khoảng 50 tỉ đồng.

Chín tháng đầu năm, HSC ước thu nhập từ vàng đóng góp 55 - 60% trong tổng thu nhập hoạt động ngoại hối. Nhờ vào thu nhập từ các hoạt động kinh doanh vàng, thu nhập từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng chiếm 17% tổng thu nhập thuần trong chín tháng.

Còn ở Sacombank, theo VDSC, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng trong quý 1/2009 là một thành công lớn khi nắm bắt được cơ hội giá vàng biến động mạnh, ngân hàng thu về 227 tỉ đồng, bằng 45% cả năm. Ở Eximbank, năm 2008 lãi thuần từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ tăng trưởng gấp 3,5 lần so với năm 2007, chiếm 32% tổng thu nhập thuần cả năm.

Cùng với việc Thủ tướng yêu cầu ngân hàng Nhà nước Việt Nam bãi bỏ ngay quy định về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài theo quyết định số 3/2006, các khoản lợi nhuận từ vàng mất đi sẽ là một thách thức lớn đối với các ngân hàng.

Không nhiều lựa chọn

Nhà đầu tư Lý cho biết, tính thanh khoản trên sàn vàng đang rất yếu, khó có thể hỗ trợ để ông tiếp tục đầu tư trong ba tháng còn lại. Hiện ông đang “án binh bất động” chờ động thái thị trường. Không như ông Lý, nhà đầu tư Phong cho biết, nhóm của ông tiếp tục “đánh” vào vàng miếng.

VGB cho biết, họ tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh vàng miếng và các đại lý VGB vẫn có thể tiếp tục thực hiện kinh doanh vàng miếng cho mình và cho nhà đầu tư. Theo đó, VGB cho biết sẽ tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh vàng vật chất.

Với đòn bẩy tài chính từ các ngân hàng, chỉ riêng giao dịch ở sàn Thế Giới – một sàn vàng mới hoạt động vài tháng – mỗi ngày giao dịch khoảng 130.000 lượng, tổng giá trị trung bình 3.000 tỉ đồng, thì với khoảng 20 sàn vàng hiện nay với hơn 20.000 tài khoản giao dịch, là khoản tiền đầu tư đáng kể có thể làm “nóng” các kênh đầu tư khác.

Kênh bất động sản được cho là không hấp dẫn nhiều nhà đầu tư vàng, do bức tranh chính sách tiền tệ trong năm mới còn chưa rõ, đồng thời tín dụng đang bị thắt chặt, theo các chuyên gia, ít nhất đến hết quý 1/2010 mới nới lỏng. Ngoài ra, một khi nhiều người đổ dồn sang vàng miếng, giá vàng trong nước sẽ có cớ để tăng lên, gây bất lợi khi mua bán nhà đất.

Một số người đang toan tính đổ tiền qua chứng khoán. Tuy nhiên, các nhà đầu tư trên cho biết, một khi đã chọn chơi vàng, họ không “thích” chứng khoán do đòn bẩy tài chính không hấp dẫn, nên đòi hỏi vốn lớn. Đồng thời, một số lo ngại rằng, không ít nhà đầu tư vàng ban đầu sẽ chuyển sang chứng khoán, sẽ làm giá cổ phiếu nóng lên, dẫn đến rủi ro hơn.

Trong khi nhà đầu tư vàng chưa lựa chọn được kênh đầu tư mới nào, tiết tiệm đang là nơi tạm trú của các món tiền vàng này.

* Ba tháng nữa sẽ chấm dứt

Ngày 30/12/2009, Thủ tướng đã ký văn bản số 369 yêu cầu không được tổ chức và thực hiện việc kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước dưới mọi hình thức. Chậm nhất 90 ngày, kể từ 30/12/2009, mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản ở trong nước sẽ phải chấm dứt hoạt động.

Hồng Sương (SGTT)