09:26 03/04/2023

Sản xuất công nghiệp quý 1/2023: Nhiều ngành chủ lực suy giảm

Huyền Vy

Kết quả sản xuất công nghiệp quý 1/2023 có thể nói là “ảm đạm” nhất trong hơn 10 năm qua, khi hầu hết các chỉ số quan trọng của những ngành chủ lực đều suy giảm, đặc biệt là ngành chế biến, chế tạo lâu nay vẫn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn; trong nước, đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm...

38,5% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo cho biết quý 1/2023 khó khăn hơn quý 4/2022.
38,5% doanh nghiệp ngành chế biến, chế tạo cho biết quý 1/2023 khó khăn hơn quý 4/2022.

Theo số liệu mới nhất được Tổng cục Thống kê công bố, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp quý 1/2023 giảm 0,82% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 0,32%, làm giảm 0,01 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,6%, làm giảm 0,2 điểm phần trăm...

NHIỀU SẢN PHẨM CHỦ LỰC SUY GIẢM

Về chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP), số liệu báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, quý 1/2023 giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (tháng 1 giảm 11,1%; tháng 2 tăng 7,2%; tháng 3 giảm 1,6%), thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,8% của cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, ngành khai khoáng giảm 4,4% (cùng kỳ năm 2022 tăng 2,8%), làm giảm 0,7 điểm phần trăm trong mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo giảm 2,4% (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,3%), làm giảm 1,6 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện giảm 1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8%), làm giảm 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 1,4%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Báo cáo cũng ghi nhận khá nhiều sản phẩm công nghiệp chủ lực đã giảm trong quý 1/2023. Cụ thể, ôtô giảm 17,8%; thép thanh, thép góc giảm 15,8%; xe máy giảm 13,8%; linh kiện điện thoại giảm 13,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên và điện thoại di động cùng giảm 13,1%; quần áo mặc thường giảm 10,2%; xi măng giảm 9,9%; phân urê giảm 6,3%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 6,1%. Sự sụt giảm trong sản xuất của các mặt hàng chủ lực này đã ảnh hưởng tới IIP và giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp trong quý đầu năm.

Lo ngại hơn, không chỉ sản xuất sụt giảm, mà chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp cũng giảm. Trong quý 1/2023, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,9% so với cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,6%). Điều này dẫn tới tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/3/2023 tăng 4,4% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 19,8% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm trước tăng 17,7%). Điều này cho thấy, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đã bị ảnh hưởng không nhỏ.

Sản xuất công nghiệp quý 1/2023 gặp nhiều khó khăn do đơn hàng sản xuất giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm.
Sản xuất công nghiệp quý 1/2023 gặp nhiều khó khăn do đơn hàng sản xuất giảm,
kim ngạch xuất khẩu giảm.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo trong quý 1/2023 so với quý 4/2022, có tới 38,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn: 39,4% số doanh nghiệp giảm về khối lượng sản xuất; 39,7% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng giảm; 40,1% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm.

Đối với tình hình sản xuất công nghiệp tại các địa phương trên cả nước trong quý 1/2023 so với cùng kỳ năm trước, báo cáo chỉ rõ, tăng ở 48 địa phương và giảm ở 15 địa phương. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng, cụ thể: Cao Bằng tăng 26,8%; Tuyên Quang tăng 22,6%; Hải Phòng tăng 14,8%; Quảng Ninh tăng 13,6%; Hải Dương tăng 12,5%; Nam Định tăng 12,3%; Đắk Lắk, Bạc Liêu và Phú Yên cùng tăng 11,6%; Bắc Giang và Kiên Giang tăng 10,9%. Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao là Hậu Giang tăng 286,1%; Thái Bình tăng 55,7%; Quảng Trị tăng 37%; Cà Mau tăng 33,7%.

Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm, gồm: Quảng Nam giảm 34,3%; Bắc Ninh giảm 18,8%; Vĩnh Long giảm 16,5%; Sóc Trăng giảm 15,6%; Vĩnh Phúc giảm 8,1%. Các địa phương có chỉ số sản xuất của ngành sản xuất và phân phối điện giảm là Ninh Bình giảm 31,8%; Trà Vinh giảm 29,3%; Hà Giang giảm 24,9%; Cao Bằng giảm 21,9%; Hải Phòng giảm 18,5%. Địa phương có chỉ số sản xuất của ngành khai khoáng giảm, gồm: Sóc Trăng giảm 87%; Đồng Tháp giảm 50,6%; Vĩnh Phúc giảm 48,7%.

TÁC ĐỘNG “KÉP” TỪ CÁC YẾU TỐ TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC

Lý giải nguyên nhân sản xuất công nghiệp giảm tốc trong quý đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê cho rằng vấn đề này đến từ các yếu tố bên ngoài như giá nhiên liệu thế giới bị đẩy lên, lạm phát tăng cao vẫn còn hiện hữu trên thế giới, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng đầu vào. Kinh tế thế giới có dấu hiệu suy thoái đã ảnh hưởng đến các nhà sản xuất của Việt Nam khi cả số lượng đơn hàng mới và xuất khẩu đều giảm. Các yếu tố này làm cho cầu nhập khẩu từ Việt Nam giảm mạnh, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị thu hẹp.

Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng lên, lãi suất tăng, doanh thu giảm khiến các doanh nghiệp phải giảm quy mô hoạt động. Các động lực tăng trưởng đều suy giảm: xuất khẩu suy giảm, nhu cầu suy giảm, đầu tư tư nhân suy giảm, giải ngân đầu tư công chậm... Chính phủ ưu tiên chống lạm phát, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi vay tăng cao. Mặc dù các doanh nghiệp đã cố gắng đa dạng hóa, mở rộng thêm thị trường xuất khẩu, nhưng nhìn chung vẫn khó khăn khi kinh tế thế giới suy giảm.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2023 phát hành ngày 03-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Sản xuất công nghiệp quý 1/2023: Nhiều ngành chủ lực suy giảm - Ảnh 1