Sản xuất không đủ, Việt Nam phải nhập khẩu thêm ngô từ Ấn Độ
Gần đây các doanh nghiệp Việt đã bắt đầu nhập khẩu trở lại mặt hàng ngô từ Ấn Độ, với kim ngạch đạt 22,41 triệu USD trong 7 tháng đầu năm
Sau một thời gian dài không nhập khẩu ngô, gần đây, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này từ Ấn Độ đã tăng đến 1.785%.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, ước tính khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 7/2018 đạt 333 nghìn tấn với giá trị đạt 72 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị ngô nhập khẩu trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 5,22 triệu tấn và giá trị đạt 1,06 tỷ USD, tăng 23,3% về khối lượng và tăng 25% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Xét về nguồn gốc, Achentina và Braxin là hai thị trường nhập khẩu ngô chính của Việt Nam, chiếm thị phần lần lượt là 52,4% và 9,6% tổng giá trị nhập khẩu của mặt hàng này.
Tuy nhiên, thị trường có giá trị nhập khẩu tăng mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2018 lại là thị trường Ấn Độ, gấp hơn 39 lần. Còn tính trong 7 tháng đầu năm, nhập khẩu ngô từ Ấn Độ tăng đến 1.785%, đạt 22,41 triệu USD.
Theo Tổng cục Hải quan, sau một thời gian dài Việt Nam không nhập khẩu ngô từ Ấn Độ, gần đây các doanh nghiệp đã bắt đầu nhập khẩu trở lại mặt hàng này.
Ngoài Ấn Độ, tăng trưởng nhập khẩu ngô của Việt Nam từ Achentina cũng tăng mạnh 42,7%. Thị trường có giá trị nhập khẩu mặt hàng ngô giảm mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2018 là Thái Lan, với mức giảm là 78,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2017, sản lượng ngô của Việt Nam đạt 5,13 triệu tấn, giảm 114,6 nghìn tấn so với năm 2016 do diện tích gieo trồng giảm 52,9 nghìn ha.
Hiện nay, sản lượng ngô thu hoạch của Việt Nam chỉ đáp ứng được khoảng 40-50% nhu cầu trong nước, còn lại là phải nhập khẩu. Thông thường, mỗi khi giá cả trong nước biến động tăng cao thì ngô được nhập khẩu để thay thế nguồn ngô trong nước và ngược lại, khi giá ngô trong nước rẻ hơn giá thị trường thế giới thì các nhà máy sản xuất sẽ đẩy mạnh tiêu thụ bằng nguồn trong nước.
Ngoài mặt hàng ngô, Việt Nam còn nhập khẩu nhiều mặt hàng khác từ Ấn Độ như bông, kim loại, phụ tùng ô tô, chất dẻo, quặng và khoáng sản...
Theo Tổng cục Hải quan, thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ trong 7 tháng đầu năm 2018 đạt 6,36 tỷ USD, tăng 50,16% so với cùng kỳ năm trước (4,23 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam đạt 3,92 tỷ USD, tăng 96% so với cùng kỳ, nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 2,44 tỷ USD tăng 9,2%. Thặng dư thương mại đạt 1,48 tỷ USD.