20:02 29/06/2021

Sắp diễn ra đại hội trực tuyến của hàng nghìn chuyên gia kinh tế trên toàn cầu

Bình Minh

Đại hội toàn cầu (World Congress) của Hiệp hội Kinh tế Thế giới (IEA) sắp được tổ chức trực tuyến, quy tụ hàng nghìn chuyên gia kinh tế có tên tuổi...

Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Thế giới (IEA), Giáo sư Kaushik Basu, phát biểu tại cuộc họp hội đồng theo hình thức trực tuyến ngày 29/6 - Ảnh chụp màn hình.
Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Thế giới (IEA), Giáo sư Kaushik Basu, phát biểu tại cuộc họp hội đồng theo hình thức trực tuyến ngày 29/6 - Ảnh chụp màn hình.

Đại hội toàn cầu (World Congress) của Hiệp hội Kinh tế Thế giới (IEA) sắp được tổ chức trực tuyến, quy tụ hàng nghìn chuyên gia kinh tế có tên tuổi. Sự kiện đặc biệt này là dịp để các nhà khoa học, quan chức trong lĩnh vực kinh tế-tài chính và lãnh đạo các định chế tài chính hàng đầu trao đổi thông tin, kinh nghiệm và các công trình nghiên cứu kinh tế mới nhất.

Vào lúc 18h ngày 29/6 theo giờ Việt Nam, Hội đồng IEA đã tiến hành cuộc họp để chuẩn bị cho đại hội toàn cầu dự kiến khai mạc vào ngày 2/7. Cuộc họp có sự tham dự của của Giáo sư Kaushik Basu, Chủ tịch IEA; Giáo sư Dani Rodrik, Chủ tịch đắc cử IEA; Giáo sư Elhanan Helpman, Phó chủ tịch IEA; Giáo sư Erik Bergolf, phụ trách ngân sách IEA; Giáo sư Omar Licandro, Tổng thư ký IEA, cùng đại diện hàng trăm hội, tổ chức thành viên của IEA đến từ khắp mọi quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Là một thành viên của IEA, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam (VEA) đã tham dự và đóng góp ý kiến tại cuộc họp.

Cuộc họp hội đồng IEA đã nghe báo cáo về tình hình thành viên, các giải thưởng, báo cáo về tổ chức đại hội toàn cầu lần thứ 19, và báo cáo tài chính của hiệp hội.

Theo kế hoạch ban đầu, đại hội lần thứ 19 của IEA được tổ chức tại Bali, Indonesia vào tháng 7/2020. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, sự kiện bị hoãn đến tháng 7/2021. Tiếp đó, tình hình Covid vẫn diễn biến phức tạp nên các nhà tổ chức quyết định chuyển đại hội sang hình thức trực tuyến.

Theo đó, lễ khai mạc chính thức, các phiên toàn thể, và nhiều phiên thảo luận được lựa chọn của đại hội sẽ được tổ chức trên mạng video Zoom trong thời gian từ ngày 2-6/7/2021. Hàng trăm tham luận là các nghiên cứu, phân tích kinh tế của các chuyên gia đến từ mọi quốc gia cũng được đăng tải lên trang web của sự kiện.

Đại hội toàn cầu của IEA là một trong những cuộc hội tụ lớn nhất của các nhà nghiên cứu, học giả và chuyên gia kinh tế trên thế giới. Đây là diễn đàn để các nhà khoa học trong lĩnh vực kinh tế thảo luận về các nghiên cứu và các vấn đề chính sách kinh tế, nhằm tìm ra giải pháp cho những thách thức lớn về kinh tế và chính sách của thời đại.

“Mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế đều cần tới thay đổi trong lĩnh vực khoa học kinh tế và đòi hỏi tư duy mới. Điều này đúng sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, và càng đúng hơn khi đại dịch Covid-19 gây ra tổn thất nặng nề về người và kinh tế trên thế giới”, một tuyên bố của các nhà tổ chức có đoạn viết. “Kinh tế học đang phản ứng với những thách thức của thời đại chúng ta. Bền vững môi trường, bất bình đẳng về giới, sắc tộc, thu nhập, sự nổi lên của chủ nghĩa dân tuý, và cải tổ toàn cầu hoá đều là những vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự của khoa học kinh tế. Những lĩnh vực mới như kinh tế học hành vi, kinh tế chính trị và kinh tế văn hoá cũng tiếp tục phát triển bên cạnh những lĩnh vực truyền thống”.

Cũng theo các nhà tổ chức, đại hội này là một cơ hội để nâng các cuộc thảo luận và tranh luận đang diễn ra trong lĩnh vực kinh tế học lên một sân chơi thực sự toàn cầu.

Đại hội được tổ chức bởi IEA và Bộ Tài chính Indonesia, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP).

IEA là một tổ chức phi chính phủ được thành lập vào năm 1950 theo ý tưởng của cơ quan khoa học xã hội thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hiệp quốc (UNESCO). Từ những ngày đầu thành lập, tôn chỉ mục đích của IEA là thúc đẩy tương tác và thấu hiểu giữa các nhà khoa học kinh tế từ khắp mọi nơi trên thế giới thông qua các cuộc gặp gỡ khoa học, các chương trình nghiên cứu chung và các ấn phẩm kinh tế.