10:15 25/07/2025

Sắp đưa vào vận hành công ty đối tác bù trừ trung tâm, tháng 9 FTSE Russell nâng hạng

Thu Minh

Theo đánh giá của VSDC, kỳ đánh giá tháng 9 của FTSE Russell là thời điểm Việt Nam có thể được nâng lên hạng thị trường mới nổi thứ cấp.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trao đổi với báo giới bên lề tọa đàm chứng khoán mới đây, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán (VSDC) tiết lộ sắp đưa vào vận hành công ty đối tác bù trừ trung tâm trực thuộc VSDC. 

Theo ông Sơn, trong thời gian qua, cơ quan quản lý, các tổ chức vận hành và thành viên thị trường đang quyết tâm cao trong việc nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi.

Theo đánh giá của VSDC, kỳ đánh giá tháng 9 của FTSE Russell là thời điểm Việt Nam có thể được nâng lên hạng thị trường mới nổi thứ cấp. Thông thường, với các chuẩn mực đầu tư ở nước ngoài, các quỹ đầu tư quốc tế phân bổ hạn ngạch nhất định theo mức độ rủi ro. Thị trường càng được xếp hạng cao, mức đầu tư càng lớn. Do vậy, việc nâng hạng sẽ mở ra cơ hội thu hút dòng vốn từ các định chế tài chính lớn trên thế giới.

Cơ quan quản lý cùng các thành viên thị trường đã chuẩn bị tất cả các công việc. Về mặt pháp lý, Thông tư 68/2024/TT-BTC là bước tháo gỡ ban đầu, cho phép nhà đầu tư tổ chức nước ngoài tạm thời không cần ký quỹ trước khi đặt lệnh.

Thứ hai, VSDC cũng đã triển khai cơ chế kiểm tra số dư giữa ngân hàng lưu ký nước ngoài và công ty chứng khoán trong nước khi đặt lệnh cho nhà đầu tư nước ngoài. Thứ ba, tháo gỡ điểm nghẽn, nhất là việc cấp mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài bằng hình thức trực tuyến, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để tạo điều kiện thông thoáng hơn trong việc cấp tài khoản tiền gián tiếp.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán (VSDC). 
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán (VSDC). 

Về hạ tầng, hệ thống công nghệ KRX đã chính thức đi vào vận hành từ tháng 5/2025, từng bước ứng dụng nền tảng công nghệ mới. "Sắp tới, chúng tôi đang chuẩn bị từng bước để đưa vào vận hành công ty đối tác bù trừ trung tâm trực thuộc VSDC. Cơ chế này cho phép nhà đầu tư không cần hoặc chỉ cần ký quỹ một phần nhỏ trước khi đặt lệnh giao dịch", ông Sơn nói. 

Trao đổi về tiến trình nâng hạng, ông Bùi Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán về cơ bản đã đáp ứng các tiêu chí “cứng” của tổ chức nâng hạng. Các tiêu chí “mềm” chủ yếu phụ thuộc vào cảm nhận và trải nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Theo ông Hải, thời gian qua, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã duy trì kênh trao đổi thường xuyên với các quỹ và nhà đầu tư quốc tế. Hàng tuần, các cuộc gặp trực tiếp được tổ chức để lắng nghe đánh giá, góp ý nhằm cải thiện chất lượng thị trường. Các nhà đầu tư quốc tế đánh giá cao khung pháp lý, tiềm năng tăng trưởng cũng như tính thanh khoản của thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ hôm 17/7, đại diện FTSE Russell đã ghi nhận quyết tâm và những cải cách mạnh mẽ của Việt Nam trong phát triển kinh tế và thị trường vốn. Đây là tín hiệu tích cực trong bối cảnh Việt Nam đang được xem xét nâng hạng.

“Việc được nâng hạng, nếu xảy ra trong tháng 9 tới, sẽ là kết quả rất đáng khích lệ. Nhưng đây không phải là đích đến. Nâng hạng chỉ là bước đệm cho mục tiêu dài hạn là xây dựng thị trường minh bạch, hiệu quả, trở thành kênh huy động vốn bền vững cho doanh nghiệp và thu hút dòng vốn dài hạn”, ông Hải nhấn mạnh.

Đối với mục tiêu nâng hạng theo chuẩn MSCI, Việt Nam cũng đã có nhiều bước tiến đáng ghi nhận. Trong báo cáo đánh giá khả năng tiếp cận thị trường công bố tháng 6 vừa qua, MSCI đã ghi nhận nhiều bước tiến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng 12 tháng qua.

Tại tọa đàm, bà Đặng Nguyệt Minh, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư Dragon Capital Viêt Nam, khẳng định việc nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi là điều kiện tiên quyết để thị trường tài chính cải thiện quy mô, vị thế ở trên bản đồ tài chính và đầu tư toàn cầu. Đây là một trong ba động lực quan trọng giúp Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu trở thành một cường quốc khu vực vào năm 2030.

Đại diện Dragon Capital đánh giá cao nỗ lực cải cách của Việt Nam, nhất là trong việc hoàn thiện thể chế, tăng khả năng tiếp cận thị trường cho nhà đầu tư và tăng cường đối thoại với các tổ chức xếp hạng quốc tế.

“Tôi tin rằng Việt Nam có thể được FTSE Russell nâng hạng trong tháng 9 này và tiến tới lọt vào rổ thị trường mới nổi của MSCI trong 18–24 tháng tiếp theo”, bà Đặng Nguyệt Minh nói.