16:29 22/07/2024

Sắp loại trừ quan hệ liên kết khi vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp không bị khống chế mức trần 30%

Ánh Tuyết

Khoản chi phí lãi vốn ngân hàng của công ty có thể được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp mà không bị áp mức trần 30% theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP. Bộ Tài chính đang đề xuất bổ sung quy định về các trường hợp nhằm loại trừ quan hệ liên kết giữa doanh nghiệp và ngân hàng...

Năm 2023, toàn ngành thuế tiến hành thanh kiểm tra 1.250 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt trên 2.600 tỷ đồng.
Năm 2023, toàn ngành thuế tiến hành thanh kiểm tra 1.250 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt trên 2.600 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Nghị định 132) và lấy ý kiến của các nhóm đối tượng chịu tác động.

BẤT CẬP KHI LOẠI CHI PHÍ LÃI VAY NGÂN HÀNG

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về xác định các bên có quan hệ liên kết; chi phí lãi vay đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết; cung cấp thông tin giữa cơ quan thuế, tổ chức tín dụng và công ty liên kết khi có yêu cầu.

Dự kiến văn bản sẽ ảnh hưởng đến các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp tổ chức theo mô hình tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ – con và các công ty đa quốc gia.

Một trong những vướng mắc được doanh nghiệp phản ánh nhiều nhất là việc xác định quan hệ liên kết theo vốn vay tại Điểm d Khoản 2 Điều 5 Nghị định 132: “Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay”.

Theo quy định tại Nghị định số 132, chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch liên kết không được vượt quá mức 30% EBITDA của doanh nghiệp (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao). Phần chi vượt quá tỷ lệ trên là chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Bình luận về những bất cập của quy định này, ông Phạm Quốc Việt, Giám đốc Công ty TNHH MACT Việt Nam, chuyên hoạt động trong lĩnh vực tư vấn thuế, kế toán và pháp lý, cho rằng quan hệ liên kết quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 5, Nghị định số 132 có thể bao gồm cả các đối tượng mà bản chất là bên độc lập như các ngân hàng, các tổ chức tín dụng độc lập, không có mối quan hệ sở hữu về vốn.

"Điều này dẫn đến bất cập là các doanh nghiệp chỉ phát sinh khoản vay vốn của các bên hoàn toàn độc lập nhưng bị coi là bên liên kết, dẫn đến phát sinh giao dịch liên kết và bị khống chế chi phí lãi vay", ông Việt nêu rõ.

Về quy định này, các doanh nghiệp kiến nghị rằng hoạt động vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh là hoạt động phổ biến của các doanh nghiệp tại Việt Nam, đây cũng là hoạt động kinh doanh thông thường (hoạt động cấp tín dụng) của ngân hàng.

Doanh nghiệp và ngân hàng hoàn toàn độc lập với nhau, không có việc kiểm soát, điều hành, góp vốn của ngân hàng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chi phí lãi vay của doanh nghiệp là chi phí thực tế phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Do đó, việc khống chế và loại chi phí lãi vay đối với các doanh nghiệp trong trường hợp này là không phù hợp.

Đặc biệt, theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các doanh nghiệp dự án PPP, doanh nghiệp dự án BOT giao thông được phép huy động các nguồn vốn hợp pháp ngoài nguồn vốn chủ sở hữu lên đến 85% tổng mức đầu tư dự án. Chi phí lãi vay theo cơ cấu vốn vay nêu trên được cơ quan Nhà nước phê duyệt trong phương án tài chính thu hồi vốn.

Do đó, khi doanh nghiệp dự án PPP bị khống chế chi phí lãi thì ảnh hưởng đến phương án tài chính thu hồi vốn mà doanh nghiệp đã được phê duyệt.

BỔ SUNG QUY ĐỊNH LOẠI TRỪ

Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Điểm d khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo hướng loại trừ xác định quan hệ liên kết đối với các trường hợp như sau:

Một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào (bao gồm cả các khoản vay từ bên thứ ba được đảm bảo từ nguồn tài chính của bên liên kết và các giao dịch tài chính có bản chất tương tự) với điều kiện khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.

Quy định tại điểm d khoản này không áp dụng với các trường hợp sau:

d1) Bên bảo lãnh hoặc cho vay là các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và không tham gia trực tiếp, gián tiếp điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư vào doanh nghiệp đi vay hoặc doanh nghiệp được bảo lãnh theo quy định tại các điểm a, c, đ, e, g, h, k, l và m khoản này.

d2) Bên bảo lãnh hoặc cho vay là các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp đi vay hoặc được bảo lãnh không trực tiếp, gián tiếp cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư của một bên khác theo quy định tại các điểm b, e và i khoản này.

Theo Bộ Tài chính, đề xuất nêu trên sẽ tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp dự án đặc thù, dự án trọng điểm… nói riêng khi vay vốn ngân hàng và thỏa mãn điều kiện nêu trên thì doanh nghiệp và ngân hàng không phải là các bên có quan hệ liên kết".

CÓ 80% DOANH NGHIỆP CÓ QUAN HỆ LIÊN KẾT NHƯNG CHI PHÍ LÃI VAY KHÔNG VƯỢT TRẦN

Trong giai đoạn gần 3 năm triển khai thực hiện, Bộ Tài chính đánh giá Nghị định 132 đã phát huy những kết quả thiết thực, trong đó nổi bật là khắc phục tình trạng “vốn mỏng và chuyển giá”.

Theo Bộ Tài chính, trước đây tại Việt Nam các doanh nghiệp có quan hệ liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng việc Việt Nam chưa có chính sách quy định hạn chế "vốn mỏng", để thiết lập các giao dịch vay vốn với mức vay vượt nhiều lần vốn chủ sở hữu. Chi phí lãi vay được khấu trừ vào chi phí tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

 

"Có 4.270 doanh nghiệp phát sinh chi phí lãi vay không được trừ chuyển kỳ sau (chiếm tỷ lệ 18,9%) với tổng số chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ là 78.045 tỷ đồng; trong đó, chi phí lãi vay được trừ là 29.271 tỷ đồng và chi phí lãi vay không được trừ chuyển kỳ sau tương ứng là 48.773 tỷ đồng"

Dự thảo sửa đổi Nghị định số 132.

Đây cũng là một trong các biện pháp được các tập đoàn đa quốc gia sử dụng để dàn xếp các hành vi như góp vốn dưới hình thức cho vay để được hạch toán khấu trừ chi phí lãi vay; tập trung lãi vay của tập đoàn vào các quốc gia có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cao hơn để chuyển giá, từ đó, chuyển lợi nhuận sang các bên liên kết khác.

Tại Việt Nam, qua công tác thanh tra, kiểm tra trên thực tế đã phát hiện việc các doanh nghiệp tại Việt Nam đạt mức tỷ suất lợi nhuận hoạt động cao nhưng kết quả kinh doanh thua lỗ hàng chục năm do chi phí lãi vay trả cho công ty mẹ được khấu trừ vượt quá lợi nhuận hoạt động thu được.

Một số trường hợp chuyển giá thông qua lãi vay trả cho công ty liên kết trong tập đoàn hoặc sắp xếp giao dịch vay thông qua ngân hàng thương mại nhưng được đảm bảo bằng nguồn tài chính của công ty mẹ...

Từ khi áp dụng ngưỡng giới hạn khấu trừ chi phí lãi vay, Bộ Tài chính cho rằng điều này tránh việc doanh nghiệp vay quá mức, hoạt động kinh doanh chủ yếu bằng vốn vay với nhiều rủi ro tiềm ẩn cho chính doanh nghiệp hoạt động và rủi ro tiềm tàng cho nền tài chính quốc gia.

Cũng theo Bộ Tài chính, năm 2023, tổng số doanh nghiệp có quan hệ liên kết và phát sinh giao dịch liên kết là 22.542 đơn vị, với tổng số chi phí lãi vay phát sinh của các doanh nghiệp này là 258.140 tỷ đồng.

Trong đó, có 18.272 doanh nghiệp có chi phí lãi vay không vượt mức khống chế (chiếm tỷ lệ 81,06% số doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết) với tổng chi phí lãi vay phát sinh là 180.095 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 69,8% so với tổng chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có quan hệ liên kết và phát sinh giao dịch liên kết).

"Có 4.270 doanh nghiệp phát sinh chi phí lãi vay không được trừ chuyển kỳ sau (chiếm tỷ lệ 18,9%) với tổng số chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ là 78.045 tỷ đồng; trong đó, chi phí lãi vay được trừ là 29.271 tỷ đồng và chi phí lãi vay không được trừ chuyển kỳ sau tương ứng là 48.773 tỷ đồng", Bộ Tài chính nêu rõ.

Trong số các doanh nghiệp phát sinh chi phí lãi vay không được trừ chuyển kỳ sau, có 1.684 doanh nghiệp chỉ phát sinh quan hệ liên kết với ngân hàng theo Điểm d Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 132, chiếm tỷ trọng 7,47% trong tổng số các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Chi phí lãi vay không được trừ tương ứng là 4.931 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,91% trên tổng số chi phí lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

 

Về kết quả về công tác thanh tra, kiểm tra giao dịch liên kết kể từ khi triển khai áp dụng quy định tại Nghị định 132, báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy năm 2023 toàn ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 1.250 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 2.608,83 tỷ đồng; giảm lỗ 20.272,21 tỷ đồng; giảm khấu trừ 151,65 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế  8.721,81 tỷ đồng.

Trong đó thanh tra, kiểm tra xác định lại giá thị trường đối với giao dịch liên kết đã truy thu 707,52 tỷ đồng, giảm lỗ 13.253,83 tỷ đồng, điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế  5.433,44 tỷ đồng.