Số nợ thuế đã tăng 20%, cơ quan thuế ban hành gần 175 nghìn quyết định cưỡng chế
Thông tin từ Bộ Tài chính cho thấy tổng số tiền nợ thuế do cơ quan thuế quản lý ước tính đến thời điểm 30/6/2024 là 204.441 tỷ đồng, tăng cao 20,3% so với cuối năm 2023. Thực tế này dẫn đến cơ quan thuế ban hành 174.492 quyết định cưỡng chế ...
Thông tin về công tác quản lý nợ thuế trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Tài chính cho biết song song với việc tập trung nuôi dưỡng và quản lý tốt nguồn thu, đơn vị đã và đang chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp đôn đốc, thu hồi nợ đọng, hạn chế tối đa phát sinh nợ mới, tạo tiền đề quan trọng hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã giao chỉ tiêu thu nợ, chỉ tiêu xử lý nợ và chỉ tiêu giảm nợ cho cơ quan thuế, cơ quan hải quan để lập kế hoạch từng tháng, từng quý và giao chỉ tiêu thu nợ đến từng cán bộ, công chức quản lý nợ; gắn trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị với nhiệm vụ thu hồi nợ thuế của đơn vị.
Đồng thời, tổ chức theo dõi, giám sát tình hình nợ thuế để chỉ đạo đôn đốc nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước; rà soát, phân loại nợ, phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng nợ thuế, từ đó, chỉ đạo cơ quan thuế, cơ quan hải quan áp dụng các biện pháp phù hợp với từng đối tượng để thu nợ vào ngân sách nhà nước.
Theo quy định tại Luật Quản lý thuế, trường hợp sau 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế, người nộp thuế chưa nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cơ quan quản lý thuế thông báo cho người nộp thuế biết số tiền thuế, tiền phạt còn nợ và số ngày chậm nộp.
Theo đó, nửa đầu năm 2024, cơ quan thuế tiếp tục đẩy mạnh điện tử hóa việc ban hành thông báo nợ thuế thông qua gần 32 triệu lượt thông báo tiền thuế nợ, tiền phạt và tiền chậm nộp gửi đến người nộp thuế, đạt 100% số người nộp thuế phải thông báo.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với những trường hợp chây ỳ nợ thuế, có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bỏ trốn.
"Cơ quan thuế đã ban hành 174.492 quyết định cưỡng chế. Trong đó có 151.604 quyết định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản; 21.019 quyết định cưỡng chế hóa đơn; 251 quyết định cưỡng chế kê biên tài sản, thu tiền tài sản bên thứ 3 nắm giữ; 1.542 quyết định cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh".
Báo cáo của Bộ Tài chính.
Biện pháp công khai thông tin người nộp thuế dây dưa, chây ỳ nợ thuế lên báo, đài, website của cơ quan thuế các cấp cũng được ráo riết triển khai.
Tính trong nửa đầu năm, cơ quan thuế các tỉnh, thành đã thực hiện đăng công khai thông tin, công khai số tiền nợ thuế của 631.777 người nộp thuế chây ỳ, không nộp tiền thuế đúng hạn với tổng số tiền 229.294,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cơ quan thuế đã áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân vi phạm; cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Theo đó, cơ quan thuế đã ban hành 16.859 lượt thông thông báo với tổng số tiền 24.062,8 tỷ đồng và đã thu hồi được 918,7 tỷ đồng.
Về trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp xuất cảnh, Luật Quản lý thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP đã quy định: các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh là cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Hiện nay, số lượng người nộp thuế nợ thuế kéo dài khá nhiều. Với các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh, cơ quan thuế thực hiện rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh trước khi thực hiện gửi thông báo đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và người nộp thuế để người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.
Người nộp thuế có thể chủ động tra cứu nợ thuế của mình trên hệ thống của ngành thuế để đảm bảo hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh.
Từ những nỗ lực kể trên, kết quả trong 6 tháng năm 2024, cơ quan thuế ước tính đã thu hồi 45.468 tỷ đồng tiền thuế nợ. Tổng số tiền nợ thuế do cơ quan thuế quản lý ước tính đến thời điểm 30/6/2024 là 204.441 tỷ đồng, tăng 2,2% so với thời điểm ngày 31/5/2024, tăng 20,3% so với thời điểm ngày 31/12/2023.
Còn số nợ thuế cơ quan hải quan đã thu hồi đạt 349 tỷ đồng. Điểm danh một số cục hải quan tỉnh, thành phố thu hồi nợ thuế tốt, Bộ Tài chính nêu rõ Hà Nội thu hồi nợ đạt 59,77 tỷ đồng; Lào Cai đạt 56,45 tỷ đồng; TP. Hồ Chí Minh đạt 55,93 tỷ đồng; Bắc Ninh đạt 46,61 tỷ đồng; Cần Thơ đạt 32,79 tỷ đồng.
Số nợ thuế do cơ quan hải quan quản lý đến ngày 30/6/2024 là 5.329,86 tỷ đồng, giảm 226,85 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023, tương đương giảm 4,08%.