Sạt lở đất diễn biến phức tạp, Thanh Hóa khẩn trương di dời hàng trăm hộ dân
Tại tỉnh Thanh Hóa những ngày qua một số khu vực núi, đồi tại các huyện vùng cao bị nứt toác, sạt lở đất đá. Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó...
Cụ thể, tại huyện Quan Sơn, do ảnh hưởng của bão số 4 và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn, kéo dài khiến nhiều điểm trên địa bàn huyện bị sạt lở đất đá, đặc biệt là tại bản biên giới Cha Khót (bản giáp Lào của xã Na Mèo, huyện Quan Sơn).
Ngay sau khi nắm bắt được sự việc, Ban Chi huy phòng chống thiên tai huyện Quan Sơn đã nhanh chóng huy động lực lượng di dời khẩn cấp 55 hộ dân với 220 nhân khẩu, cùng tài sản tới nơi an toàn. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên đỉnh đồi bản Cha Khót có một vết nứt dài khoảng 300 m, rộng 50 - 70 cm, có vị trí tụt sâu gần 2m.
Vị trí quả đồi nứt toác ngay phía trên khu dân cư bản Cha Khót, phía dưới là nhà dân, trường học, nhà văn hóa. Dự báo trong thời gian tới, nếu có mưa vết nứt sẽ rộng hơn, nguy cơ sạt trượt xuống khu dân cư gây sập, đổ nhà và các công trình xây dựng là không thể tránh khỏi.
Ngoài vị trí trên, một vết nứt chạy dài xuyên qua khu dân cư bản Muỗng xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn phía tả ngạn sông Lò cũng khiến 38 hộ với 166 khẩu phải di dời khẩn cấp.
Toàn bộ người dân của hai bản này đã được di dời tới nhà người thân, và nơi ở tạm đã được chính quyền địa phương dựng tạm, trong khi chờ được sắp xếp tới nơi ở mới.
Hiện, UBND huyện Quan Sơn đã có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị ban hành tình huống khẩn cấp và lệnh xây dựng khẩn cấp 2 khu dân cư tập trung bản Cha Khót và bản Muỗng với tổng kinh phí gần 86 tỉ đồng.
Tại thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, chính quyền địa phương đã di dời 21 hộ dân tại khu phố Na Khà ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở. Trước đó, chiều ngày 26/9, người dân phát hiện trên đồi Na Khà xuất hiện nhiều vết nứt lớn, vị trí nứt nằm ở phía sau khu nhà dân thuộc tổ dân phố Na Khà. Qua kiểm tra, phần taluy dương có cung trượt với chiều dài khoảng 400m, độ rộng vết nứt từ 30 - 50cm. Khối lượng đất, đá đang có hiện tượng xê dịch làm hư hỏng đường bê tông của khu phố và bờ kè đá của nhà văn hóa.
Trước thực trạng trên, Đoàn kinh tế quốc phòng 5 (Quân khu 4) và Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn, cùng các lực lượng đã cử cán bộ, chiến sĩ xuống phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức sơ tán 21 hộ với 101 nhân khẩu nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đến nơi ở an toàn. Tại một số ngôi nhà, lực lượng chức năng cùng chính quyền thôn, xã, và người dân đã chủ động tháo dỡ nhà, sơ tán tài sản để tránh thiệt hại trong trường hợp xảy ra sạt lở núi.
Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày từ bão số 3, số 4, khu vực đồi Na Lo thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh xuất hiện tình trạng sạt trượt đất, đá xuống khu vực dân cư gần chân đồi. Ngày 27/9 vừa qua, lực lượng chức năng của huyện Lang Chánh, xã Tân Phúc đã khẩn cấp di dời 5 hộ dân với 28 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Tại huyện Thường Xuân, bờ hữu đê sông Âm, đoạn thuộc thôn Hưng Long, thôn Xuân Thắng, thuộc xã Ngọc Phụng có tổng chiều dài sạt lở của 3 vị trí khoảng 1.100m với khối lượng sạt lở trên 342.000 m3 đất.
Trao đổi với VnEconomy, ông Lôi Quang Vũ, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân cho biết: Bờ sông Âm sạt lở tại khu vực trên ảnh hưởng đến đời sống 305 hộ dân với 1.700 nhân khẩu, cùng đó là 2,4km đường dân sinh, 2 khu nghĩa trang, đe dọa đường điện 35kw từ Dốc Cáy về Mục Sơn. Sạt lở cũng ảnh hưởng đến kênh đường ống (TX17) Nam sông Chu - Bắc Sông Mã và 3 nhà van điều tiết nước phục vụ tưới tiêu cho 30ha đất nông nghiệp. Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng, UBND huyện Thường Xuân đã có tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, về việc xin hỗ trợ kinh phí xử lý cấp bách công trình sạt lở bờ hữu sông Âm thôn Hưng Long, xã Ngọc Phụng.