Sau 2 năm ở UPCoM, Nhựa Hà Nội “lên” HoSE tìm nhà đầu tư chiến lược
Việc niêm yết 34 triệu cổ phiếu mã NHH trên sàn HOSE là bước đi chiến lược của Nhựa Hà Nội nhằm mở ra cơ hội trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước
Dự kiến, đầu tháng 11/2019, Nhựa Hà Nội (mã chứng khoán: NHH) sẽ hoàn tất thủ tục để chuyển giao dịch cổ phiếu từ UPCoM sang HoSE.
Theo ông Bùi Thanh Nam, Tổng giám đốc NHH, việc chuyển từ UPCoM lên HoSE là nhằm mở rộng cơ hội tiếp cận vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. "Đã có rất nhiều quỹ đầu tư tới làm việc với NHH trong thời gian qua. Tuy nhiên, do giới hạn về đầu tư trên sàn UPCoM, chúng tôi không thể tiếp nhận nguồn vốn này. Do đó, việc chuyển sàn là cần thiết với NHH để từng bước thực hiện các mục tiêu kinh doanh", ông Nam nói.
Theo ông Nam, gọi vốn từ bên ngoài ở thời điểm này không có nghĩa với việc NHH đang thiếu vốn để mở rộng sản xuất và kinh doanh. Mục tiêu chuyển sàn lên HOSE là nhằm phục vụ chiến lược dài hơi, tìm kiếm những đối tác chiến lược nhất là trong lĩnh vực nhựa kỹ thuật để giúp NHH phát triển hoạt động công nghiệp phụ trợ trong lĩnh vực ôtô - xe máy, sản phẩm điện - điện tử và sản xuất sản phẩm dao, thìa, dĩa tự hủy.
Như vậy, sau hơn 2 năm đưa cổ phiếu lên UPCoM với mã chứng khoán NHH (ngày 8/9/2017), NHH đã có nhiều dấu mốc quan trọng. Kể từ tháng 11/2018, sau khi An Phát Holdings (APH) chính thức mua lại NHH, NHH có bước ngoặt trong chuyển đổi mô hình hoạt động, từ sở hữu nhà nước sang tư nhân.
Qua đó, APH đã giúp NHH tăng tái cấu trúc, mở rộng đầu tư, tăng vốn điều lệ từ 65 tỷ VND lên 168 tỷ VND. Đặc biệt, đến tháng 8/2019, sau khi đăng ký niêm yết 34,44 triệu cổ phiếu NHH trên sàn HoSE, APH một lần nữa giúp NHH mở rộng tăng vốn điều lệ lên 344 tỷ VND.
Bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh vốn điều lệ, APH đang có kế hoạch dịch chuyển NHH thành mô hình Tổng công ty với 4 công ty thành viên là: Công ty Cổ phần An Trung Industries, Công ty TNHH Phát triển xuất nhập khẩu và đầu tư Viexim, Công ty TNHH Linh kiện nhựa ô tô VinFast - An Phát (VAPA) và Công ty TNHH MTV Cơ khí chính xác và Chế tạo khuôn mẫu Việt Nam (VMC).
Trong đó, mục tiêu của APH là đưa An Trung Industries trở thành công ty chuyên sản xuất các sản phẩm điện - điện tử, VAPA, HPC, Viexim tập trung cho mảng linh kiện ô tô, xe máy và đẩy mạnh VMC trở thành công ty sản xuất khuôn mẫu có quy mô lớn nhất Việt Nam.
Với Công ty TNHH Linh kiện nhựa ô tô VinFast - An Phát, APH đã thông qua việc đặt cọc và chuyển nhượng 50% vốn điều lệ (tương đương 104 tỷ đồng) để VAPA có khả năng cung cấp bộ linh kiện nhựa cho khoảng 250.000 xe ôtô và 500.000 xe máy/năm.
Chỉ trong vòng gần 1 năm về APH, NHH đã liên tục mở rộng được mạng lưới khách hàng. Thay vì chỉ sản xuất linh kiện nhựa cho xe máy Honda, từ năm nay, công ty này đã cung cấp thêm linh kiện ô tô cho Honda, trở thành đối tác uy tín của Samsung, Brother, tăng số lượng sản phẩm của Toyota, hợp tác với VinFast thành lập nhà máy linh kiện nhựa và tiếp tục duy trì hợp tác với LG, Panasonic…
Năm 2019, NHH đặt mục tiêu tăng trưởng trở lại với 1.130 tỷ đồng doanh thu và dự kiến năm 2020 sẽ tăng gấp đôi và tiếp tục tăng 20-30% trong 2 năm tiếp theo. "Đây là một phần của kết hoạch đưa NHH trở thành công ty số 1 trong lĩnh vực công nghiệp nhựa hỗ trợ tại Việt Nam", ông Nam cho biết.