Sau 3 năm liên tục xuất siêu, 2019 sẽ nhập siêu?
Chính phủ dự kiến chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% trong 2019
Kết quả của các năm 2016, 2017 và ước thực hiện năm 2018 đều là xuất siêu, nhưng 2019 Chính phủ lại nêu chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
Sáng 15/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe và thảo luận về các báo cáo kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế.
CPI 2019 khoảng 4%
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2019 được Chính phủ xác định là tổng sản phẩm trong nước tăng khoảng 6,6-6,8%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8%. Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.
Với các chỉ tiêu xã hội, Chính phủ dự kiến tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4% theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60-62%, trong đó: tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo 24-24,5%. Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,5%.
Các chỉ tiêu môi trường được xác định: tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 89%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.
Một số cân đối lớn của nền kinh tế được nêu tại báo cáo của Chính phủ, gồm: lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên dự kiến đạt khoảng 55,9 triệu người, tăng 1,97% so với năm 2018. Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước khoảng 1.411,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 7%, bội chi ngân sách nhà nước khoảng 222 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 3,6% GDP. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 2.036-2.097 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7-11%, bằng 33-34% GDP. Điện sản xuất và mua khoảng 232,5 tỷ KWh, tăng khoảng 9,8%, điện thương phẩm khoảng 211,95 tỷ KWh, tăng khoảng 10% so với năm 2018.
Làm rõ cơ sở của tỷ lệ nhập siêu
Cơ bản nhất trí với Chính phủ về các chỉ tiêu chủ yếu của 2019, tuy nhiên Uỷ ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra báo cáo Chính phủ) đề nghị lưu ý một số vấn đề.
Vấn đề đầu tiên liên quan đến chỉ tiêu về xuất nhập khẩu. Theo báo cáo của Chính phủ thì xuất nhập khẩu 2018 tăng mạnh, cao hơn mốc kỷ lục năm 2017, ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%, trong đó xuất khẩu ước đạt 238 tỷ USD, tăng 11,2%, cán cân thương mại xuất siêu khoảng 1 tỷ USD.
Lưu ý từ cơ quan thẩm tra là 2019 chỉ tiêu tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8% và tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3% đều thấp hơn so với năm 2018. Trong khi chỉ tiêu tăng trưởng GDP đặt ra ở mức 6,6-6,8% (tương đương với mục tiêu ước đạt của năm 2018).
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị phân tích những ảnh hưởng của việc từ năm 2019, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký tới giá trị xuất - nhập khẩu của năm, từ đó đánh giá tính khả thi của các chỉ tiêu này.
Ngoài ra, cần làm rõ cơ sở của chỉ tiêu tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu trong những năm tới trong khi kết quả của các năm 2016, 2017 và ước thực hiện năm 2018 là xuất siêu, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4% theo cơ quan thẩm tra là tương đối phù hợp trong điều kiện sức ép về lạm phát gia tăng, đồng thời với mục tiêu tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng.
Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế cho rằng cần lưu ý các biện pháp giảm dần lạm phát thông qua các biện pháp bình ổn giá cả, ổn định lãi suất và điều chỉnh giá dịch vụ công để tiến tới đạt được mục tiêu Quốc hội đã giao là phấn đấu kiểm soát lạm phát 3% vào năm 2020.