16:28 27/03/2010

Sau 5 năm ròng không cổ tức…

Minh Đức

Thêm một năm nữa cổ đông không có cổ tức. 5 năm ròng chờ bù lỗ là quá trình thử thách kiên nhẫn của những người đã bám trụ

Trước năm 2009, thu nhập của nhiều lao động tại Sứ Hải Dương chỉ từ 500 - 700 nghìn/tháng. Nay, thu nhập bình quân đã được nâng lên trên 2 triệu đồng/tháng.
Trước năm 2009, thu nhập của nhiều lao động tại Sứ Hải Dương chỉ từ 500 - 700 nghìn/tháng. Nay, thu nhập bình quân đã được nâng lên trên 2 triệu đồng/tháng.
Thêm một năm nữa cổ đông không có cổ tức. 5 năm ròng chờ bù lỗ là quá trình thử thách kiên nhẫn của những người đã bám trụ...

Ngày 20/3, Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2010. Điều mà nhiều cổ đông mong đợi tại đại hội này, ngoài định hướng phát triển kinh doanh, là một sự mới mẻ được cụ thể hóa: cổ tức. Mới mẻ bởi đã 5 năm kể từ sau cổ phần hóa (2005) họ chưa được một lần nhận cổ tức.

Chờ đợi đó có cơ sở khi Hội đồng Quản trị có tờ trình, trong đó có nội dung liên quan đến mục tiêu cổ tức năm 2010.

Cụ thể, tờ trình đề xuất: “Để tạo niềm tin cho cổ đông không được nhận cổ tức suốt 5 năm (2006 – 2010) và để chào mừng kỷ niệm 50 năm thành lập, xét việc công ty làm ăn liên tục 2 năm có lãi, đề nghị đại hội cổ đông phê duyệt xin các cơ quan chức năng cho phép tạm trích 60% lợi nhuận năm 2010 để tạm trả cổ tức 2010”.

Nhưng đại hội cổ đông không thông qua đề xuất này.

Ông Nguyễn Đỗ Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, cũng giải thích cụ thể trước các cổ đông rằng, đến hết năm 2010 công ty sẽ lãi liên tục 2 năm với số lãi 7,7 tỷ đồng. Tuy nhiên lỗ lũy kế đến năm 2008 là -13,2 tỷ đồng nên số lỗ lũy kế vẫn là -6,5 tỷ đồng.

Theo Điều 93, Điểm 2 Luật Doanh nghiệp 2005: “Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức cho cổ đông khi công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật; trích lập các quỹ công ty và bù đắp đủ lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và điều lệ công ty; ngay sau khi trả hết số cổ tức đã định, công ty vẫn phải đảm bảo thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn”.

Với quy định trên, đến hết năm 2010 Công ty Cổ phần Sứ Hải Dương vẫn chưa được chi trả cổ tức cho cổ đông. Và theo ý kiến từ đại diện Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), đơn vị nắm phần vốn Nhà nước tại Sứ Hải Dương (36%), bên cạnh quy định của luật, việc chia cổ tức cũng phải cân nhắc phần thuế thu nhập phải đóng, nhất là khi lỗ lũy kế vẫn chưa giải quyết xong.

Bên lề đại hội cổ đông này, một số cổ đông cho rằng cổ tức chỉ là vấn đề thời gian. Điều mà họ mong đợi hơn cả là công ty sẽ thực sự lành mạnh về tài chính ngay trong năm nay, duy trì khả năng sinh lãi để phát triển bền vững.

“Công ty đã bắt đầu làm ăn có lãi, đời sống của người lao động đã thực sự được cải thiện. Đó là kết quả lớn nhất mà chỉ mới cách đây khoảng một năm chẳng mấy ai dám tin. Điều mà cổ đông như chúng tôi chờ đợi là Sứ Hải Dương sẽ trở lại vị trí dẫn đầu ở thị trường miền Bắc”, cổ đông Nguyễn Văn Tuần nói.

Ông Tuần cũng cho biết, trước năm 2009, nhiều công nhân mỗi tháng chỉ nhận được 500 – 700 nghìn đồng lương. Không đủ sống, một bộ phận lớn đã ra đi. Nay, mức lương bình quân trên 2 triệu đồng mỗi tháng là một sự thay đổi lớn.

Năm 2008, Sứ Hải Dương lỗ tới 13,39 tỷ đồng, tương đương với 68% vốn điều lệ; nợ phải trả lên tới 42,43 tỷ đồng; vốn tự có chỉ còn 9,13 tỷ đồng. Những con số này đặt công ty vào nguy cơ phá sản. Và theo ông Cù Anh Tuấn, người đại diện vốn Nhà nước của SCIC tại đây, thương hiệu Sứ Hải Dương nổi tiếng một thời là một trong những lý do để SCIC quyết tâm đổi mới doanh nghiệp này.

Tháng 4/2009, SCIC bắt đầu triển khai đề án tái cấu trúc Sứ Hải Dương. Nhà đầu tư chiến lược là Công ty Thương mại Carin góp vốn và vào cuộc. Những đổi thay nhanh đến. Chỉ 5 tháng sau tái cơ cấu, Sứ Hải Dương đã xóa hết lỗ lũy kế năm 2009 và bắt đầu kinh doanh có lãi, trả hết các khoản nợ quá hạn. Cả năm 2009, mức lãi đạt được là 2,7 tỷ đồng, nợ phải trả chỉ còn 33,38 tỷ đồng và tài sản có đã tăng lên 20,53 tỷ đồng.

Sứ Hải Dương bắt đầu tính đến cổ tức sau 5 năm ròng không “dám” nghĩ tới. Đó là mục tiêu khả thi khi năm 2010 dự kiến công ty sẽ tiếp tục có những con số khả quan hơn.

Ông Nguyễn Đỗ Hà cho biết, kế hoạch khả thi trong năm nay là Sứ Hải Dương sẽ đạt lợi nhuận tối thiểu 5 tỷ đồng, nợ phải trả sẽ giảm xuống còn 30 tỷ đồng và tài sản có sẽ tăng lên 26 tỷ đồng.

“Theo kế hoạch đó, từ năm 2011 Sứ Hải Dương sẽ chính thức tính đến cổ tức trả cho cổ đông. Điều quan trọng hơn là tình hình tài chính của công ty đã lành mạnh, mục tiêu trở lại vị trí dẫn đầu thị trường sứ dân dụng miền Bắc có thêm động lực và thực tế hơn”, ông Hà nói.

Đó cũng là thời điểm mà theo ông Cù Anh Tuấn, đại diện SCIC, khẳng định là Sứ Hải Dương thực sự hồi sinh, trở thành doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và bắt đầu tính đến chiến lược mở rộng sản xuất.