07:00 22/04/2024

Sau kiểm toán năm 2023, doanh nghiệp niêm yết lợi nhuận giảm vẫn nhiều hơn doanh nghiệp lợi nhuận tăng

Tùng Thư

Theo dữ liệu về các doanh nghiệp niêm yết có báo cáo tài chính năm 2023 trước và sau kiểm toán của WiGroup, khoảng 46% số doanh nghiệp có lợi nhuận giảm, trong khi 32% có lợi nhuận tăng...

Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp "bốc hơi" sau kiểm toán.
Lợi nhuận nhiều doanh nghiệp "bốc hơi" sau kiểm toán.

Sụt giảm lợi nhuận sau kiểm toán tác động tiêu cực tới niềm tin của nhà đầu tư đối với doanh nghiệp, từ đó gây ra những rào cản, khó khăn trong việc huy động vốn từ các ngân hàng và trên thị trường chứng khoán.

Theo dữ liệu từ WiGroup, tới ngày 17/4/2024, toàn thị trường có 257 doanh nghiệp vi phạm quy định về công bố thông tin trên 3 sàn giao dịch: HNX, HOSE và UPCoM; tăng 4 doanh nghiệp so với thống kê tháng 12/2023.

Các lỗi thường gặp bao gồm việc công bố thông tin không đúng thời hạn, không gửi công bố thông tin đến sở giao dịch chứng khoán và công bố thông tin không đúng quy định. Sự lặp đi lặp lại của những vấn đề này cho thấy chất lượng thông tin công bố đang suy giảm, phản ánh vấn đề minh bạch và quản trị trong các doanh nghiệp niêm yết vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. 

Sau kiểm toán năm 2023, doanh nghiệp niêm yết lợi nhuận giảm vẫn nhiều hơn doanh nghiệp lợi nhuận tăng - Ảnh 1

Tỷ lệ ý kiến kiểm toán "Chấp nhận toàn phần" đã tăng lên 85% trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng sau đó giảm xuống mức 83% vào hai năm 2022 và 2023 cho thấy chất lượng báo cáo tự lập của các doanh nghiệp trong thời gian này chưa có sự cải thiện đáng kể.

Sau kiểm toán năm 2023, doanh nghiệp niêm yết lợi nhuận giảm vẫn nhiều hơn doanh nghiệp lợi nhuận tăng - Ảnh 2

Theo WiGroup, khoảng 46% số doanh nghiệp có lợi nhuận năm 2023 giảm sau kiểm toán, trong khi 32% có lợi nhuận tăng. Sự thay đổi trong cơ cấu lợi nhuận sau kiểm toán như vậy cho thấy chất lượng kiểm toán nội bộ của các doanh nghiệp niêm yết trong giai đoạn này có thể không đạt yêu cầu, mang tính tiêu cực.

Sau kiểm toán năm 2023, doanh nghiệp niêm yết lợi nhuận giảm vẫn nhiều hơn doanh nghiệp lợi nhuận tăng - Ảnh 3

Trong đó, ngành công nghiệp có số doanh nghiệp biến động về lợi nhuận lớn nhất, tiếp nối sau là ngành hàng tiêu dùng và nguyên vật liệu.

Sau kiểm toán năm 2023, doanh nghiệp niêm yết lợi nhuận giảm vẫn nhiều hơn doanh nghiệp lợi nhuận tăng - Ảnh 4

Trong top 10 doanh nghiệp có lợi nhuận chênh lệch giảm sau kiểm toán thì ngành ngân hàng đóng góp 3 cái tên là OCB, SHB và VPBank. Trong đó, OCB là doanh nghiệp ghi nhận mức suy giảm lợi nhuận sau thuế lớn nhất, với khoảng 875 tỷ đồng sau kiểm toán. Điều này được giải thích do bởi ngân hàng đã chủ động trích lập thêm chi phí dự phòng và điều chỉnh giảm một số khoản mục thu nhập từ khách hàng năm 2023 sang hạch toán vào năm 2024. Các doanh nghiệp có mã cổ phiếu là DLG - CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, HBC - CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình,... đều có mức giảm lợi nhuận đáng kể.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp có mã chứng khoán như VHM, BVH, VCG, KDC... đã ghi nhận sự tăng trưởng lợi nhuận sau kỳ kiểm toán. 

Sau kiểm toán năm 2023, doanh nghiệp niêm yết lợi nhuận giảm vẫn nhiều hơn doanh nghiệp lợi nhuận tăng - Ảnh 5

Về thị phần, AASC và A&C là 2 công ty kiểm toán chiếm thị phần lớn nhất trên 3 sàn chứng chứng khoán. WiGroup cho biết AASC kiểm toán 195 doanh nghiệp niêm yết và A&C có số lượng là 127 doanh nghiệp vào năm 2023.

Sau kiểm toán năm 2023, doanh nghiệp niêm yết lợi nhuận giảm vẫn nhiều hơn doanh nghiệp lợi nhuận tăng - Ảnh 6

Về tăng trưởng lợi nhuận, UHY là công ty kiểm toán có mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tốt nhất, đạt khoảng 150% so với năm trước. Trong khi đó, Deloitte là công ty big4 tích cực đẩy mạnh thị phần khi nâng số lượng doanh nghiệp kiểm toán thêm 15%, nhưng lợi nhuận lại sụt giảm mạnh đến 58% do chi phí dành cho nguồn nhân lực tăng cao.