14:55 31/05/2023

Sau kiểm toán, VNZ lỗ thêm 219 tỷ, lên 1.534 tỷ đồng cho năm 2022

Hà Anh

VNZ cho biết lỗ sau thuế trên BCTC hợp nhất tăng so với trước kiểm toán là do công ty ghi nhận thêm các khoản chi phí liên quan đến thuế, tài sản cố định vô hình và dự phòng cho các hoạt động đầu tư tài chính.

Biểu đồ giá cổ phiếu VNG thời gian qua.
Biểu đồ giá cổ phiếu VNG thời gian qua.

CTCP VNG (mã VNZ-UPCoM) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022 đã kiểm toán.

Theo đó, lỗ sau thuế trước kiểm toán là 1.315 tỷ đồng và sau khi kiểm toán bởi EY thì số lỗ tăng gần 219 tỷ lên gần 1.534 tỷ đồng. Theo giải trình từ phía công ty lỗ sau thuế trên BCTC hợp nhất tăng so với trước kiểm toán là do công ty ghi nhận thêm các khoản chi phí liên quan đến thuế, tài sản cố định vô hình và dự phòng cho các hoạt động đầu tư tài chính.

Cụ thể: năm 2022, doanh thu của VNG đạt 7.800 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2021 (7.649 tỷ đồng) và lỗ sau thuế 1.534 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 70 tỷ đồng) và lỗ sau thuế của công ty mẹ là 1.077 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 414 tỷ đồng).

Được biết, năm 2022 VNG đặt mục tiêu doanh thu đạt 10.178 tỷ đồng và lỗ sau thuế 993 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc năm 2022, VNG mới đạt 77% kế hoạch doanh thu và lỗ sau thuế thì vượt xa con số dự kiến.

Đặc biệt, báo cáo kiểm toán cũng nêu chi tiết về khoản lỗ tính thuế của CTCP Zion, công ty con do VNG sở hữu 69,98%, đơn vị vận hành ví điện tử ZaloPay, VNG, XFM, VNG DC, A4B, Verichaine, KMZ và VTH được phép chuyển lỗ trong vòng 05 năm liên tục, VNG Myamar được phép chuyển lỗ trong vòng 03 năm liên tục từ năm phát sinh khoản lỗ và VNG Sing chi nhánh Taiwan được phép chuyển lỗ trong vòng 10 năm tính tính từ năm phát sinh khoản lỗ. Các công ty còn lại được phép chuyển lỗ vô thời hạn.

Theo thông tin trên website của Zalopay, ví điện tử này được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán và liên kết với 39 ngân hàng, tổ chức chuyển mạch tài chính & 3 tổ chức thẻ quốc tế.

Sau kiểm toán, VNZ lỗ thêm 219 tỷ, lên 1.534 tỷ đồng cho năm 2022 - Ảnh 1

Tại ngày 31/12/2022, VNG có khoản lỗ luỹ kế với tổng giá trị là gần 5.702 tỷ (tại ngày 31/12/2021 là gần 2.891 tỷ đồng) có thể sử dụng để bù trừ với lợi nhuận phát sinh trong tương lai.

Kết thúc quý 1/2023, doanh thu của VNG tăng 11% từ hơn 1.666 tỷ lên 1.853 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản chi phí như bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp vẫn ở mức cao và khoản lỗ công ty liên doanh liên kết khiến VNG tăng mạnh từ âm 7 tỷ lên âm hơn 27 tỷ làm cho công ty báo lỗ trước thuế là 43 tỷ và lỗ sau thuế là 90 tỷ đồng (cùng kỳ âm 130 tỷ). VNG cho biết lỗ giảm so với cùng kỳ là do thành công của các sản phẩm trò chơi mới cũng như việc tiết giảm chi phí quảng cáo.

Trên thị trường, cổ phiếu VNZ của VNG đã vào diện hạn chế giao dịch kể từ ngày 25/5/2023 do chậm nộp báo cáo kiểm toán năm 2022 quá 45 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn công bố thông tin, thuộc vào trường hợp bị hạn chế giao dịch theo quy định và chỉ giao dịch vào phiên thứ 6 hàng tuần.

Chốt phiên giao dịch ngày 30/5, giá cổ phiếu này tiếp tục giảm còn 771.900 đồng/cổ phiếu.