08:13 11/05/2011

Sau vàng, tỷ phú Mỹ lại chê trái phiếu

Diệp Anh

Nhà đầu tư huyền thoại Jim Rogers vừa cho biết dự định giảm bớt lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ mà ông đang nắm giữ

Ông Jim Rogers.
Ông Jim Rogers.
Nhà đầu tư huyền thoại, tỷ phú Mỹ Jim Rogers, hôm 10/5 cho biết dự định giảm bớt lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ mà ông đang nắm giữ, vì cho rằng việc kết thúc chương trình QE2 của Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ gây sức ép lên tài sản này.

Ông hy vọng, đồng USD sẽ phục hồi trở lại, khi chương trình nới lỏng định lượng lần hai trị giá 600 tỷ USD này của FED kết thúc vào tháng 6 tới. "Hiện tôi chưa bán trái phiếu nhưng tôi đã có kế hoạch thực hiện việc này", ông cho biết.

Về các loại hàng hóa như vàng, bạc, dầu, tỷ phú Rogers tin rằng, giá những mặt hàng này sẽ tiếp tục tăng trong vài năm nữa, bất chấp một số đợt điều chỉnh. Theo tỷ phú Mỹ, sự sụp đổ của thị trường hàng hóa trong tuần trước là “không có gì bất thường”.

Jim Rogers trở nên nổi tiếng sau khi cùng nhà đầu tư tỷ phú George Soros thành lập ra quỹ Quantum Fund cách đây 4 thập kỷ. Tuần trước, báo chí Mỹ đưa tin, quỹ đầu tư của tỷ phú Soros đã xả một lượng lớn vàng nắm giữ ra thị trường.

Theo công bố chính thức ngày hôm qua, thặng dư thương mại tháng 4 của Trung Quốc đạt 11,4 tỷ USD, cao gấp gần 4 lần so với dự báo của thị trường, đồng thời đây cũng là mức thặng dư cao nhất trong 4 tháng qua.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của quốc gia châu Á tăng 29,9% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự báo tăng 29,4% của các nhà phân tích. Nhập khẩu tăng 21,8%, thấp hơn nhiều so với mức dự báo 28%.

Con số công bố được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang tiến hành đối thoại kinh tế và chiến lược. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc tập trung hơn vào chi tiêu nội địa, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu.

Đáp lại, Trung Quốc thúc giục Mỹ dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và đầu tư đối với Bắc Kinh, khi cho rằng động thái này có thể dọn đường cho việc giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại nghiêm trọng giữa hai nước.

Ông Olli Rehn, Ủy viên phụ trách kinh tế và tiền tệ Liên minh châu Âu (EU) cho biết, Bồ Đào Nha sẽ phải trả một mức lãi suất từ 5,5 - 6% cho gói cứu trợ quốc tế của EU.

EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đồng ý cung cấp một gói cứu trợ tài chính 78 tỷ Euro (112 tỷ USD) cho Bồ Đào Nha. Trong đó, EU sẽ đóng góp 2/3 số tiền và IMF tài trợ phần còn lại.

Bộ trưởng Tài chính EU dự kiến sẽ phê duyệt gói cứu trợ tại một cuộc họp hàng tháng vào tuần tới và đặt ra các điều kiện, bao gồm cả lãi suất cho khoản vay của Bồ Đào Nha.

Hôm 9/5, IMF đã khẳng định thành công của kế hoạch phối hợp với EU, thực hiện gói cứu trợ 78 tỷ Euro, để cứu nền kinh tế Bồ Đào Nha thoát khỏi nguy cơ phá sản.

Ông Poul Thomsen, Trưởng phái đoàn IMF tại Bồ Đào Nha, lưu ý rằng gói cứu trợ tài chính mà thể chế này cam kết đóng góp 26 tỷ Euro trong ba năm, nhằm tạo cho kinh tế Bồ Đào Nha một không gian cần thiết để xử lý các vấn đề kinh tế dài hạn.

Theo ông Thomsen, IMF dự báo nền kinh tế Bồ Đào Nha sẽ phục hồi vào nửa đầu năm 2013, nếu các cải cách được thực hiện đúng theo kế hoạch phối hợp chung giữa IMF và EU.

Cũng liên quan tới Bồ Đào Nha, hôm qua, cơ quan công tố nước này đã bắt đầu tiến hành điều tra hoạt động của ba hãng xếp hạng tín dụng hàng đầu thế giới là Moody's, Standard & Poor's và Fitch.

Theo đại diện cơ quan trên, quyết định điều tra được đưa ra sau khi 4 nhà kinh tế trong nước kiện ba hãng trên nhiều lần đưa ra các đánh giá hạ thấp Bồ Đào Nha, đồng thời đòi làm rõ hành động này có trục lợi và vi phạm nguyên tắc cạnh tranh không.

Trong khi đó, đứng trước việc bị tổ chức định mức Standard & Poor's (S&P) hạ bậc tín nhiệm, Bộ Tài chính Hy Lạp đã bác bỏ kết quả này, vì cho rằng đây là điều phi lý.

Bộ Tài chính cho biết, hành động hạ xếp hạng này đưa ra tại một thời điểm chưa có bất kì tín hiệu tiêu cực mới nào, kể từ khi S&P hạ xếp hạng của nước này 1 tháng trước đây. Như vậy, hành động hạ xếp hạng này là vô lý.

Cũng trong ngày 10/3, Hy Lạp đã bác thông tin từ hãng tin Dow Jones rằng, nước này có thể nhận gói giải cứu mới trị giá gần 60 tỷ Euro (tương đương 85,71 tỷ USD) để giải quyết khủng hoảng nợ.

Trước đó, hãng tin này cho hay, Athens có thể nhận được gói giải cứu sớm nhất là vào tháng 6 tới. Theo đó, gói giải cứu sẽ đáp ứng được nhu cầu về nguồn vốn cho Hy Lạp trong năm 2012 và 2013, lần lượt vào khoảng 27 tỷ và 32 tỷ Euro.

Trong một diễn biến khác, theo báo cáo của Liên hợp quốc công bố ngày 10/5, thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra ngày càng tăng ở tất cả các nước, đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế các nước thu nhập thấp và thậm chí cả nhiều cường quốc.

Báo cáo cho biết, những thiên tai lớn và nhỏ, từ thảm họa ở Haiti vào tháng 1/2010 tới ảnh hưởng của lũ lụt gần đây ở các nước như Benin và Brazil, tiếp tục thể hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa thiên tai và nghèo đói.

Báo cáo chỉ ra xu hướng các nguy cơ thiên tai cho từng vùng và từng nước với sự phát triển kinh tế, xã hội khác nhau. Hơn 130 nước đã tham gia tự đánh giá tiến độ thực hiện Khung hành động Hyogo, nhằm góp phần vào nỗ lực toàn cầu giảm nhẹ thiên tai.