10:00 20/04/2019

SCIC chia sẻ kinh nghiệm với Cuba về cải cách doanh nghiệp Nhà nước

Vy Vy

Dự kiến trong quý 2/2019 sẽ có quyết định về danh sách thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn đến năm 2020

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC.
Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC.

Dự kiến trong quý 2/2019 sẽ có quyết định về danh sách thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn đến năm 2020 để thúc đẩy tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới.

Ngày 17/4, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Ủy ban Triển khai và Phát triển Cuba tổ chức tọa đàm "Vai trò của cải cách doanh nghiệp Nhà nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội". Sự kiện này nằm khuôn khổ hợp tác hữu nghị giữa hai Nhà nước Việt Nam - Cuba nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm với Uỷ ban Triển khai và Phát triển Cuba về các vấn đề cổ phần hoá và chuyển đổi hệ thống doanh nghiệp Nhà nước, các quy định pháp luật về phát triển doanh nghiêp, các chính sách phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, quản lý nguồn vốn phân bổ cho doanh nghiệp Nhà nước, phương thức mua bán cổ phần cho người lao động trong quá trình tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp tại Việt Nam…

Trao đổi với báo chí bên lề tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Long, Phó trưởng Ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp cho biết trong quý 2/2019 Chính phủ sẽ có quyết định mới về việc rà soát, điều chỉnh lại danh sách các đơn vị thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đến năm 2020 nhằm đảm bảo khả năng thực hiện.

Bởi theo ông, trong những năm qua, có nhiều địa phương, doanh nghiệp thực hiện chậm trễ quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo yêu cầu của Chính phủ. Trong đó, một trong những vướng mắc là việc xác định giá trị sử dụng đất trước khi cổ phần hóa, thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước.

Để đảm bảo không thất thoát vốn và tài sản của nhà nước, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối tập hợp ý kiến của các địa phương, bộ ngành về lý do chậm tiến độ, từ đó đề xuất giải pháp với Chính phủ về kế hoạch cổ phần hoá và thoái vốn đến hết năm 2020.

"Song mục tiêu hàng đầu vẫn phải đảm bảo đến năm 2020 phải hoàn thành mục tiêu đặt ra. Quan điểm của Chính phủ là vẫn thực hiện nghiêm túc việc thoái vốn, cổ phần hóa tại doanh nghiệp", ông Long nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Trần Văn Tá, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng vướng mắc lớn nhất hiện nay trong quá trình cổ phần hoá có liên quan tới vấn đề đất đai do gốc của vấn đề chưa được giải quyết triệt để.

"Đất đai là sở hữu của Nhà nước, không phải sở hữu tư nhân nên khi cổ phần hoá, giá trị đất ở những doanh nghiệp chỉ dùng đất để xây dựng nhà xưởng thì giá trị đất sẽ không được tính vào giá trị doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở những doanh nghiệp dùng đất để kinh doanh, thì giá trị đất phải được tính vào giá trị doanh nghiệp", ông Tá cho hay.

Cụ thể hơn, theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, đã có những hướng dẫn cụ thể để giải quyết vấn đề này. Trong đó, căn cứ giá đất cụ thể do UBND tỉnh, thành phố thuộc Trung ương công bố, doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm tính vào giá trị doanh nghiệp và nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.

Đồng thời đã bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các doanh nghiệp quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại theo hướng yêu cầu các doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

"Đặc biệt, quy định phương án sử dụng đất của doanh nghiệp phải được cấp có thẩm quyền phê duyệ phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương trước khi tổ chức thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp sẽ đảm bảo ngăn ngừa tính trạng doanh nghiệp tiếp nắm giữ, "ôm" lại toàn bộ diện tích đất đang quản lý mặc dù chưa phù hợp ngành nghề kinh doanh, mục đích sử dụng đất cũng như quy hoạch của địa phương", ông Tiến nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết buổi toạ đàm là tiền đề cho quá trình hợp tác cụ thể giữa SCIC và các đối tác Cuba, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp của SCIC nghiên cứu tìm hiểu và đầu tư vào Cuba trong thời gian tới, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm và y tế.

SCIC chia sẻ kinh nghiệm với Cuba về cải cách doanh nghiệp Nhà nước - Ảnh 1.

Ông Leonel Ramón Andollo Valdés, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, Phó chủ tịch Ủy ban Triển khai và phát triển Cuba khẳng định, những kinh nghiệm trong quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam là hết sức quan trọng đối với Cuba trong tiến trình cập nhật mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa.

"Phía Cu ba sẽ tham khảo, nghiên cứu các kinh nghiệm của Việt Nam để vận dụng trong quá trình cải cách doanh nghiệp Nhà nước để Cuba cải cách doanh nghiệp Nhà nước thành công", ông Leonel Ramón Andollo Valdés.