17:36 28/07/2009

Sẽ ban hành quy định quản lý "osin"

Vũ Quỳnh

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo nghị định về quản lý người giúp việc gia đình

Tuy nhu cầu thuê người giúp việc tại Việt Nam đã khá phổ biến, đặc biệt là các đô thị lớn, nhưng hiện vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người giúp việc - Ảnh minh họa.
Tuy nhu cầu thuê người giúp việc tại Việt Nam đã khá phổ biến, đặc biệt là các đô thị lớn, nhưng hiện vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người giúp việc - Ảnh minh họa.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang xây dựng dự thảo nghị định về quản lý người giúp việc gia đình.

Một cán bộ của cơ quan này cho biết, dự thảo được xây dựng với mục tiêu quản lý và bảo vệ lao động giúp việc gia đình, xem đây là một nghề, đưa mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và người giúp việc vào hành lang pháp lý của pháp luật lao động.

Tuy nhu cầu thuê người giúp việc tại Việt Nam đã khá phổ biến, đặc biệt là các đô thị lớn, nhưng hiện vẫn chưa có văn bản pháp luật nào quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người giúp việc. Loại hình công việc này mới chỉ dừng lại ở chỗ thỏa thuân miệng giữa bên người lao động và người có nhu cầu thuê. Đây cũng chính là nguyên nhân phát sinh nhiều tiêu cực mà cơ quan quản lý không kiểm soát được.

Theo bà Trần Thị Quốc Khánh,  nguyên Trưởng ban Luật pháp chính sách của Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, đại biểu Quốc hội khoá 12, người từng chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội xung quanh việc xây dựng văn bản pháp luật quản lý hình thức lao động đặc thù này, đây là loại hình công việc phức tạp nhưng hoàn toàn có thể quản lý được.

Bà Khánh cho rằng, nghị định cần phải đưa ra được một số quy định tối thiểu như, yêu cầu người chủ khai báo với cơ quan quản lý lao động ở địa phương về việc thuê người giúp việc, đăng ký tạm trú cho người giúp việc và bắt buộc phải có hợp đồng lao động.

Ngoài ra, cũng cần áp dụng một mức lương tối thiểu cho những lao động này. Ví dụ, người giúp việc làm việc tám giờ/ngày thì lương tối thiểu là bao nhiêu, nếu người lao động chấp nhận làm việc 10 giờ/ngày, 12 giờ/ ngày thì sẽ có chế độ làm thêm giờ…

Cũng cần có quy định gia đình có kinh tế như thế nào thì mới được thuê người giúp việc. Gia đình thuê giúp việc phải đảm bảo các điều kiện ăn ở cho lao động.

Ngược lại, cũng cần có quy định về độ tuổi, lý lịch và sức khỏe lao động. Khi lao động làm việc theo quy định của pháp luật và hợp đồng lao động là bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ cho các bên.

"Dài hơi hơn, chúng ta cần phải tính đến việc đào tạo lao động giúp việc gia đình để chuyên nghiệp hóa môi trường, hình thức lao động đặc biệt này", bà Khánh nói.