Sẽ cắt giảm lãi suất điều hành nếu tăng trưởng kinh tế âm trong quý 3?
VDSC kỳ vọng đà tăng trưởng tín dụng sẽ chững lại do đợt bùng phát Covid-19 mới nhất. Nếu nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng GDP âm trong quý 3/2021, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành...
Trong báo cáo triển vọng ngành những tháng cuối năm vừa công bố, Chứng khoán Rồng Việt cho hay, triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2021 phụ thuộc vào hiệu quả của việc ngăn chặn dịch bệnh và tiến độ tiêm chủng. Các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt được áp dụng vào tháng 8/2021, việc đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng tại Tp.HCM sẽ là tiền đề để Chính phủ có những bước chuẩn bị cho việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội trong quý 4/2021.
Trong quý 3/2021, tiêu dùng hộ gia đình và các ngành dịch vụ có thể sẽ tăng trưởng âm. Trong quý 4/2021, nếu không có những hỗ trợ chính sách mạnh mẽ hơn, sự phục hồi kinh tế sẽ yếu do dư chấn từ đại dịch lên thị trường lao động, chuỗi cung ứng, bảng cân đối của doanh nghiệp và hộ gia đình.
Theo VDSC cắt giảm dự phóng tăng trưởng GDP cả năm 2021 xuống còn 4,0%, phản ánh những tác động tiêu cực của đợt bùng phát lần thứ tư đối với các hoạt động trong nước cũng như ảnh hưởng kéo dài của các biện pháp phòng Covid-19 lên hoạt động kinh tế.
VDSC dự đoán lạm phát sẽ cao hơn trong nửa cuối năm 2021 do các nguyên nhân như: Giá xăng dầu tăng có thể đẩy lạm phát lên cao hơn do công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu dần mất tác dụng trong diễn biến tăng mạnh của giá xăng dầu thế giới. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 có thể sẽ làm tăng thêm áp lực lạm phát trong ngắn hạn.
“Dự báo lạm phát năm 2021 của chúng tôi là 3,5%, nhưng rủi ro nghiêng về chiều tăng cao hơn. Áp lực lạm phát trong ngắn hạn có thể tác động đến kỳ vọng lạm phát năm 2022 gắn với việc nhu cầu phục hồi trở lại trong bối cảnh nguồn cung bị hạn chế do hệ quả của việc kiểm soát dịch bệnh”, báo cáo nhấn mạnh.
Về chính sách tiền tệ, VDSC kỳ vọng đà tăng trưởng tín dụng sẽ chững lại do đợt bùng phát Covid-19 mới nhất. Tăng trưởng cung tiền chậm trong 6 tháng đầu năm cho thấy Ngân hàng Nhà nước đã không sử dụng đến biện pháp bơm thanh khoản trên diện rộng và vẫn tập trung vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng có chọn lọc.
Chính sách tiền tệ kỳ vọng sẽ tiếp tục nghiêng về chiều hướng hỗ trợ do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước có thể giữ tâm thế thận trọng trong bối cảnh lạm phát đang tăng trở lại. Nếu nền kinh tế ghi nhận mức tăng trưởng GDP âm trong quý 3/2021, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành.
Đối với chính sách tài khóa, chi tiêu tài khóa trong 7 tháng năm 2021 giữ mức thận trọng, chỉ đạt mức 48,0% kế hoạch ngân sách, trong khi kinh tế phục hồi trong nửa đầu năm 2021 đã thúc đẩy thu ngân sách nhà nước đạt 67,9% kế hoạch ngân sách cả năm. Điều này đã giúp cán cân tài khóa thặng dư 101,5 nghìn tỷ đồng trong 7 tháng năm 2021 so với mức thâm hụt 75,7 nghìn tỷ đồng trong 7 tháng 2020.
Gói hỗ trợ thứ hai cho an sinh xã hội ước đạt 26 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,4% GDP danh nghĩa năm 2020, được công bố một tháng sau khi Chính phủ có các biện pháp giãn cách xã hội trên nhiều tỉnh thành.
VDSC kỳ vọng đầu tư công sẽ tăng trưởng hạn chế do ảnh hưởng của các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, Chính phủ có thể sử dụng một phần chi tiêu đầu tư công để dành nhiều nguồn lực hơn cho cuộc chiến chống Covid-19.