17:34 08/06/2011

Sẽ giảm giá bán lẻ xăng dầu?

Y Nhung

Việc giảm giá bán lẻ xăng dầu dường như vẫn chưa được các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tính đến, dù đã bắt đầu có lãi

Theo đại diện Petrolimex, đúng là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đang có lãi, nhưng mức lãi này chưa đủ để giảm giá bán lẻ trong nước.
Theo đại diện Petrolimex, đúng là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đang có lãi, nhưng mức lãi này chưa đủ để giảm giá bán lẻ trong nước.
Giá xăng dầu trên thế giới gần đây đã giảm, các doanh nghiệp đầu mối bắt đầu có lãi, nhưng việc giảm giá dường như vẫn chưa được họ tính tới.

Trong buổi giao ban tại Bộ Công Thương ngày 6/6, đại diện Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết hiện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đang lãi lớn đối với mặt hàng dầu diesel.

Trong khu vực, do giá xăng dầu thế giới đã giảm nên một số nước lân cận như Lào, Campuchia gần đây đã giảm giá tới hai lần.

Trao đổi với VnEconomy chiều 8/6, ông Vương Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Petrolimex cũng thừa nhận, các doanh nghiệp đang có mức lãi từ 700 - 1.000 đồng/lít đối với dầu diesel, nhưng mặt hàng xăng thì chỉ hoà vốn. Tuy nhiên, việc giảm giá thì vẫn chưa được doanh nghiệp này tính tới.

Cũng theo ông Dũng, đúng là các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đang có lãi, nhưng mức lãi này chưa đủ để giảm giá bán lẻ trong nước. “Trong kinh doanh việc có lãi là hoàn toàn bình thường, tại sao cứ nghe tới việc chúng tôi có lãi là lại “xôn xao” đòi giảm giá”, ông Dũng bình luận.

Trước tình hình hiện nay, Petrolimex chỉ đề nghị cơ quan quản lý cần tăng mức trích quỹ bình ổn đối với mỗi lít xăng dầu bán ra, tiếp đến, nếu giá trên thế giới tiếp tục đi xuống thì sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này.

“Trong khoảng 5 tháng qua, giá xăng dầu đứng ở mức cao Nhà nước đã không thu thuế nhập khẩu, việc này là để hỗ trợ cho người tiêu dùng trong nước chứ không phải hỗ trợ cho doanh nghiệp”, ông Dũng nhìn nhận.

Cùng chung quan điểm trên, ông Đặng Vinh Sang, Tổng giám đốc Công ty Dầu khí Tp.HCM (Saigon Petro) cũng cho rằng doanh nghiệp này chưa thể điều chỉnh giảm giá bán do thời gian qua việc quản lý hạn ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chưa được tốt, dẫn đến khi giá trên thế giới ở mức cao, trong nước giá bán lại không được điều chỉnh, nhiều đơn vị đã không nhập khẩu. Khi giá ở mức thấp các doanh nghiệp này lại “tích cực” nhập khẩu và mức chiết khấu cho các đại lý dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Do đó, ông Sang đề nghị Nhà nước nên tăng thuế nhập khẩu. Thứ nhất điều này sẽ tránh thất thu cho ngân sách Nhà nước. Thứ hai, việc điều chỉnh thuế cũng không làm xáo động nhiều đến tình hình kinh doanh cũng như tiêu dùng trong nước khi giá thế giới lại đi lên.

Tuy nhiên, mới đây đã có thông tin cho rằng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) đang trình phương án mới về giá bán lẻ xăng dầu trong nước. Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước có thể sẽ được điều chỉnh để hài hòa lợi ích của ba bên là doanh nghiệp, nhà nước và người tiêu dùng.