18:04 03/10/2010

Sẽ loại bớt dự án sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ

Nguyên Hà

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị năm 2011 chỉ phát hành 40.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ

Một công trình được xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Một công trình được xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Trong năm 2011 sẽ không bổ sung danh mục dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, đồng thời rà soát để loại bớt một số dự án triển khai chậm và không có hiệu quả.

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh nguyên tắc trên khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến kế hoạch phát triển năm 2011 tại phiên họp ngày 2/10.

Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn 2003 - 2010, nhu cầu vốn trái phiếu để hoàn thành các dự án đã có trong danh mục theo Nghị quyết 881 của Quốc hội còn khoảng 310 tỷ đồng.

Dự kiến nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2011 là 45 nghìn tỷ đồng, giảm 11 nghìn tỷ đồng so với năm 2010. Theo tính toán của Chính phủ, nếu giữ được mức huy động này trong 5 năm tới, tổng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 225 nghìn tỷ đồng, mới đáp ứng được khoảng 70% số vốn còn thiếu nói trên.

Vì thế, năm 2011 không những không bổ sung thêm mà sẽ loại bỏ bớt một số dự án triển khai chậm và không có hiệu quả, Bộ trưởng Phúc khẳng định.

Cũng theo Bộ trưởng, nguồn vốn trái phiếu năm 2011 sẽ chỉ bố trí cho các dự án đã có trong danh mục theo Nghị quyết 881 của Quốc hội. Tập trung cho các dự án hoàn thành, các dự án cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ, trước hết là các đường đến trung tâm xã, thủy lợi nhỏ miền núi, kiên cố hóa trường lớp học, bệnh viện tuyến huyện…

Những dự án không đủ thủ tục đầu tư sẽ bị loại bỏ, các dự án trong danh mục cũng không được bố trí vượt tổng mức đầu tư, Chính phủ nêu giải pháp tăng cường quản lý với nguồn vốn đang được coi là còn nhiều bất cập này.

Tuy nhiên, những động thái có phần “thắt chặt” đó vẫn chưa đủ để Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội hoàn toàn yên tâm. Bởi qua giám sát, cơ quan này nhận thấy còn nhiều bất cập từ điều hành, phân bổ và sử dụng. “Nhiều dự án kéo dài gây lãng phí vốn, tổng mức đầu tư tăng quá cao, cùng với những vấn đề tiêu cực phát sinh đòi hỏi phải chấn chỉnh lại việc sử dụng nguồn vốn này”, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Vào cuối năm 2009, một nhận xét tương tự như trên cũng đã được Ủy ban Tài chính - Ngân sách đưa ra tại báo cáo thẩm tra phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010. Đó là “tình trạng dự án, công trình thi công dở dang, chuyển tiếp, kéo dài, chậm tiến độ vẫn chậm được khắc phục, gây lãng phí nguồn vốn.”

Một năm qua, theo nhìn nhận của Chính phủ thì giải ngân từ nguồn vốn này đã nhanh hơn các năm trước. Song vẫn còn một số địa phương triển khai phân bổ kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2010 chậm, giao kế hoạch cho cả các dự án không có trong danh mục.

Chính phủ cũng cho biết, ước thực hiện năm 2010 tổng số vốn trái phiếu Chính phủ thực hiện là 56 nghìn tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra.

Dù vậy, để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, duy trì mức dư nợ Chính phủ hợp lý, Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách đã đề nghị năm 2011 chỉ phát hành 40.000 tỷ đồng vốn trái phiếu (giảm 5.000 tỷ đồng theo đề nghị của Chính phủ) và giảm dần vào các năm tiếp theo.

Đến năm 2013, sau khi sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, khoản chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ sẽ đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước, trình Quốc hội xem xét, quyết định, người đứng đầu cơ quan thẩm tra tỏ rõ quan điểm.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, để tránh làm vấn đề nợ công trở nên trầm trọng hơn thì cần kiểm soát vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và phát hành trái phiếu Chính phủ.