12:07 22/01/2025

Sếp Google, Schneider Electric bày tỏ thiện chí đầu tư công nghệ vào Việt Nam 

Bạch Dương

Tại Tọa đàm "Đầu tư phát triển công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh" diễn ra tại Davos, Thụy Sĩ ngày 21/1, đại diện nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã bày tỏ với lãnh đạo Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam về mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới… 

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình giới thiệu về những tiềm năng thu hút đầu tư vào Việt Nam nhờ thế mạnh công nghệ cao sẵn có và sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ - Ảnh: VGP.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình giới thiệu về những tiềm năng thu hút đầu tư vào Việt Nam nhờ thế mạnh công nghệ cao sẵn có và sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ - Ảnh: VGP.

Phát biểu tại tọa đàm, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình khẳng định Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi trong lĩnh vực khoa học công nghệ mà hiện nay trên thế giới cũng chỉ có Ấn Độ tương xứng. 

Minh chứng cho điều này là việc mới đây Nvidia đã chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư như quê hương, ngôi nhà thứ hai. Đồng thời, ông Bình nói rằng Việt Nam cũng sở hữu 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin và hệ thống giáo dục tốt trong lĩnh vực này.

LÃNH ĐẠO GOOGLE: VIỆT NAM CÓ VỊ THẾ "ĐỘC NHẤT, VÔ NHỊ" ĐỂ THÀNH QUỐC GIA PHÁT TRIỂN TRONG KHU VỰC 

Thảo luận sau đó, đại diện nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới. Trong đó, Chủ tịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương Google Sanjay Gupta khẳng định sẽ đem những điều tốt đẹp nhất thế giới đến Việt Nam. 

Chủ tịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương Google Sanjay Gupta khẳng định sẽ đem những điều tốt đẹp nhất thế giới đến Việt Nam - Ảnh: VGP. 
Chủ tịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương Google Sanjay Gupta khẳng định sẽ đem những điều tốt đẹp nhất thế giới đến Việt Nam - Ảnh: VGP. 

Ông cũng đánh giá Việt Nam có vị thế "độc nhất, vô nhị" để trở thành quốc gia phát triển trong khu vực. Ông đề xuất Chính phủ Việt Nam kết nối, tương tác với Internet mạnh mẽ hơn, cũng như mở cửa kho dữ liệu để AI phát triển mạnh mẽ.

Lãnh đạo Schneider Elecrtric cũng cho biết mong muốn hợp tác cùng Nvidia để phát triển trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Ông mong muốn Việt Nam đột phá trong cơ sở hạ tầng giao thông, sân bay, cảng biển.

Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đang nỗ lực cải cách môi trường, thủ tục đầu tư để trở thành điểm đến an toàn, hiệu quả và cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Bộ trưởng dẫn chứng thủ tục đầu tư các ngành công nghệ cao tại khu công nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần đăng ký là thực hiện được ngay thay vì phải mất 2-3 năm chờ đợi phê duyệt đầu tư, thẩm định các thủ tục đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy như trước đây. Tất cả đã có sẵn tiêu chuẩn, quy chuẩn để sau đó cơ quản quản lý hậu kiểm. 

Với điều kiện ngày càng thuận lợi, thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thu hút, phát triển đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, với đóng góp của các tập đoàn công nghệ quốc tế lớn như Samsung, Intel, Nvidia, Google, Meta,… và sự phát triển nhanh chóng của các Tập đoàn công nghệ trong nước như Viettel, VNPT, FPT, CMC,… 

VIỆT NAM HỘI TỤ NHIỀU ĐIỀU KIỆN ĐỂ THU HÚT ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ CAO 

Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhận mạnh thế mạnh giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư công nghệ cao, bao gồm các yếu tố như môi trường chính trị ổn định, chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác; tăng trưởng kinh tế bền vững.

Lãnh đạo Việt Nam tại tọa đàm"Đầu tư phát triển công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh" - Ảnh: VGP. 
Lãnh đạo Việt Nam tại tọa đàm"Đầu tư phát triển công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh" - Ảnh: VGP. 

Về nguồn nhân lực chất lượng, Việt Nam có hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo về các ngành kỹ thuật, công nghệ. 

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã tạo ra hàng trăm nghìn lập trình viên, hàng triệu người làm công nghệ thông tin, đây là cơ sở quan trọng khẳng định nguồn nhân lực trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn là một trong những điểm mạnh của Việt Nam.

Chính phủ đã đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng công nghệ và logistics để phục vụ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao.

Về hệ sinh thái của ngành, Việt Nam có nhiều doanh nghiệp lớn về điện tử, công nghệ thông tin, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hạ tầng số cùng nhiều nhà đầu tư lớn đang chuẩn bị triển khai hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và cần sự đồng hành của các đối tác để giải quyết thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao và công nghệ cho các ngành công nghiệp nêu trên. 

Việt Nam khuyến khích và ưu tiên thu hút đầu tư có chọn lọc, hướng đến các dự án công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, nghiên cứu và phát triển, năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ... 

Để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam cam kết đồng hành cùng các nhà đầu tư để phát triển lĩnh vực công nghệ cao thông qua các chính sách hỗ trợ cụ thể về ưu đãi đầu tư, hỗ trợ đầu tư, thủ tục đầu tư đặc biệt, ưu tiên phát triển nhân lực chất lượng cao, hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế.

 

Tọa đàm "Đầu tư phát triển công nghệ cao tại Việt Nam - Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh" được tổ chức trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). 

Sự kiện đã thu hút hơn 30 tổ chức, doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực công nghệ, đầu tư như Google, Schneider Electric, Qualcomm, Visa, Ericsson... Loạt tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước cũng góp mặt như FPT, Viettel, VNPT,...