Sếp GP Invest: “Thị trường bất động sản không đến mức cần chấn chỉnh lớn”
"Gần đây có một vài vụ lừa đảo trên thị trường bất động sản vỡ lở nhưng đó chỉ là cá biệt, không phải phổ biến"
"Gần đây có một vài vụ lừa đảo trên thị trường bất động sản vỡ lở nhưng đó chỉ là cá biệt, không phải phổ biến. Thị trường không có gì gọi là quá xốn xang hoặc cần có những chấn chính lớn", ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản toàn cầu (GP.Invest) nói với VnEconomy.
Theo ông Hiệp, thị trường bất động sản thời gian qua và đặc biệt từ đầu năm 2019 đến nay có nhiều khó khăn. Thứ nhất là hành lang pháp lý có những thay đổi lớn. Đó là Luật Đất đai (sửa đổi, bổ sung) mới có hiệu lực, rồi việc chỉnh sửa Luật Xây dựng, Luật Đầu tư…, một loạt hành lang pháp lý liên quan đến bất động sản. Do đó, một số dự án vấp phải trở ngại từ luật pháp và các cơ quan hành pháp yêu cầu phải chỉnh lại nên không ít những dự án phải bỏ những phần đã thực hiện để làm lại.
Thứ hai do việc rà soát những quy định của nhà nước về các thủ tục luật pháp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Gần đây Quốc hội cũng có Nghị quyết 60 liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa. Chính vì thế, theo ông Hiệp, các cơ quan hành pháp đều e ngại, không muốn làm các thủ tục thông thoáng, nhanh chóng, cơ quan nào cũng xem xét, cân nhắc, nhìn nhận dẫn đến thủ tục lại càng lâu.
Bên cạnh đó là các thủ tục kiểm tra, rà soát và có sự ngại ngần của các cơ quan quản lý, cơ quan điều hành, theo ông Hiệp.
Và thứ ba là nguồn đất của các thành phố lớn, đặc biệt ở Hà Nội và Tp.HCM ngày càng khan hiếm nên không có nhiều dự án mới ở trong thành phố, do đó bất động sản đứng trước tình trạng thiếu thốn, không có nguồn cung, dẫn đến thị trường tự nhiên trầm lắng, không còn sôi động, không có nhiều dự án.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp dẫn chứng số dự án đủ thủ tục từ đầu năm 2019 đến nay giảm hẳn, và giảm một cách rõ ràng ở Hà Nội và Tp.HCM, tới 70%. Trong khi trước kia, cứ tuần này vài dự án, tuần sau vài dự án, nhưng bây giờ thì không có thế.
"Tất cả những điều trên đã dẫn đến thị trường khó khăn và theo đó người mua nhà không biết tìm kiếm nhà ở chỗ nào", ông nói.
Tất nhiên, theo Chủ tịch GP Invest, trong bối cảnh như vậy đã xuất hiện một vài chỗ kiểu chưa có đất đã bán dự án - và đây đều là các công ty "vớ vẩn", không có đủ thương hiệu. Thêm nữa, một số vụ lừa đảo vỡ lở trên thị trường nhưng đó chỉ là cá biệt, không phải phổ biến. Dù vậy, theo ông Hiệp, thực tế hiện nay người mua nhà mắc vào những chuyện lừa đảo như vậy là rất ít vì đa số khách hàng mua nhà đều có kinh nghiệm, hiểu biết hơn ngày xưa.
Vì cách đây năm bảy năm, nếu có dự án là khách hàng mua đại, thậm chí góp vốn cũng mua ầm ầm, nhưng bây giờ họ sẽ cân lên đặt xuống, còn xem chán, có đủ pháp lý không, có quyết định giao đất không, quy hoạch ra làm sao… tất cả đều được khách hàng tìm hiểu chặt chẽ, người mua đã ở một trình độ khác, có những kinh nghiệm nhất định, nên chỉ những người không có trình độ, kinh nghiệm mới dễ mắc vào những vụ lừa đảo.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, qua những phân tích trên, Chủ tịch GP Invest cho rằng, thị trường bất động sản chưa có gì gọi là xốn xang hay cần những chấn chỉnh lớn. Còn những công ty làm ăn không đàng hoàng, không đúng pháp luật thì các cơ quan pháp luật cần mạnh tay xử lý để bớt đi chuyện lừa đảo, bớt đi hình ảnh của các công ty bất động sản lộn xộn.
Hiện nay, theo ông Hiệp, ranh giới kinh doanh bất động sản đang có sự nhầm lẫn, ở chỗ công ty môi giới bất động sản - là công ty bán nhà, và công ty đầu tư bất động sản - là hai công ty khác nhau.
Bởi trước đây quy định có 20 tỷ đồng là thành lập được công ty bất động sản. "Làm bất động sản mà chỉ có 20 tỷ thì chẳng làm được gì", ông Hiệp nói và cho rằng điều này là có vai trò và trách nhiệm của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) và cuối tháng 7 tới, tại cuộc họp của VNREA ông sẽ nêu ra quan điểm này. Cụ thể, theo ông Hiệp, trong Luật Kinh doanh bất động sản cần phân biệt rõ nếu hoạt động môi giới bất động sản 20 tỷ đồng thì được nhưng để đầu tư bất động sản thì có phải có lượng vốn nhất định mới nói đến chuyện đầu tư.
"Cho nên mức 20 tỷ ở đây người ta rất dễ đăng ký và đưa thành công ty đầu tư, điều này dễ dẫn đến xuất hiện tình trạng lộn trên thị trường bất động sản. Do đó, phải phân biệt rạch ròi và khác biệt hoàn toàn giữa kinh doanh bất động sản (môi giới) và đầu tư bất động sản thì mới tránh được tình trạng lộn xộn trên thị trường", ông Hiệp nêu quan điểm.
Đối với các doanh nghiệp bất động sản chân chính, chuyên nghiệp, theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, điều họ cần nhất hiện nay là hệ thống hành lang pháp lý sớm hoàn chỉnh, ổn định để yên tâm làm ăn, chứ nay làm mai đổi thì rất nguy hiểm.
Thứ hai là hệ thống quy hoạch cần phải được công bố rộng rãi để doanh nghiệp, người dân muốn đầu tư cũng nắm bắt được quy hoạch, còn hiện nay thì không biết lấy thông tin ở đâu, muốn đầu tư cũng không biết quy hoạch như thế nào.