Sếp Hòa Phát lên tiếng giữa "bão" cổ phiếu giảm, khối ngoại xả mạnh
Ông Trần Đình long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hoà Phát tại cuộc gặp mặt nhà đầu tư diễn ra chiều 4/12 đã đánh tiếng mua vào cổ phiếu
Cuộc gặp mặt nhà đầu tư diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu HPG giảm giá mạnh, nhiều quỹ ngoại có động thái "xả hàng". Chốt phiên ngày 30/11 chỉ còn 33.200 đồng/cổ phiếu giảm tới 30% so với lúc giá HPG cao nhất (1/3/2018). Vốn hoá HPG rớt xuống 73.000 tỷ. Biến động cổ phiếu này đã "thổi bay" hơn 10.000 tỷ đồng tài sản chứng khoán của ông Trần Đình Long và vợ là bà Vũ Thị Hiền. Cổ phiếu xuống giá, tài sản cổ phiếu chỉ còn 17.735 tỷ, ông Long không còn là tỷ phú USD theo bảng xếp hạng của Tạp chí Forbes.
Đặc biệt, cổ phiếu HPG còn liên tục bị khối ngoại bán ròng từ đầu năm tới nay. Theo đó, khối ngoại đã bán ròng hơn 9,5 triệu cổ phiếu HPG từ thời điểm cổ phiếu này đạt đỉnh hồi tháng 3, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 40% xuống còn 39,55% (30/11). Nếu tính từ đầu năm, thời điểm tỷ lệ phủ room ngoại lên đến 41,4%, khối ngoại đã "xả" hơn 39 triệu cổ phiếu HPG.
Quỹ ngoại PENM III đã đăng ký bán bớt 20 triệu cổ phiếu HPG đúng lúc cổ phiếu này đang lao dốc khiến cho nhà đầu tư lo lắng. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh từ 16/11 đến 14/12/2018. Đầu tháng 10, quỹ này cũng bán được 10,9 triệu cổ phiếu dù đăng ký bán tới 20 triệu do giá thị trường không đạt kỳ vọng.
"Tôi sẽ mua vào cổ phiếu và cam kết không bán ra"
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư, ông Trần Đình Long cho biết cá nhân đã đọc được nhiều thông tin trên truyền thông về việc tài sản "bốc hơi" 9.000 - 10.000 tỷ đồng hay như các quỹ nước ngoài bán HPG nhiều quá. Tuy nhiên, điều này không hề khiến "vua thép" nao núng.
"Tôi sẽ mua vào, có thể mỗi đợt là 10 triệu cổ phiếu. Chúng tôi là những cổ đông sáng lập sẽ chỉ mua vào thêm và không bán ra. Còn về phía công ty, thời điểm hiện tại không thể mua vào cổ phiếu vì đang trong giai đoạn cần vốn đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát - Dung Quất", người đứng đầu HPG lên tiếng. Vị này cũng khẳng định, hoạt động kinh doanh của HPG đang diễn ra rất tốt.
Báo cáo sơ bộ, 11 tháng năm 2018, doanh thu Hoà Phát đạt trên 50.000 tỷ đồng, lợi nhuận 8.100 tỷ đồng. Theo kế hoạch được Đại hội cổ đông phê duyệt, năm 2018 HPG đặt mục tiêu doanh thu 55.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8.050 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên, HPG về cơ bản đã hoàn thành kế hoạch năm 2018.
Về động thái "xả hàng" của một số quỹ ngoại, theo ông Long, đây là các quỹ đầu tư đến hạn họ phải bán, chứ không phải là tháo chạy hay bán tháo.
Đại diện quỹ PENM cũng thẳng thắn đối thoại với nhà đầu tư về động thái bán ra cổ phiếu HPG gần đây. Theo đó, đại diện PENM cho biết quỹ là đối tác chiến lược lâu năm của HPG từ năm 2007 và cho đến giờ đã có 4 quỹ do PENM quản lý đang đầu tư vào HPG. Hiện PENM đang trong giai đoạn huy động quỹ mới để đầu tư vào HPG, điều này thể hiện cam kết lâu dài đầu tư vào HPG.
Trong quá khứ, khi đến hạn đóng quỹ (10 năm) trùng hợp với thời gian đầu tư vào HPG, các quỹ thuộc PENM quản lý buộc phải bán đi các cổ phiếu trong danh mục và điều này đã gây ra ảnh hưởng đôi chút đến thị trường. Nhưng sau đó, quỹ khác thuộc PENM lập tức mua lại.
"PENM III chưa bán nhiều HPG. Việc bán cổ phiếu như vậy là điều bắt buộc do điều khoản quỹ. Nhưng PENM III còn 2,5 năm nữa tức đến khoảng năm 2020 -2021 mới đến thời hạn đóng quỹ - khi đó mới bán hết cổ phiếu", đại diện quỹ PENM nói.
Ông Trần Đình Long cũng cho rằng các quỹ đầu tư khác nhà đầu tư cá nhân, họ huy động vốn, đầu tư kiếm lời, đến hạn phải thu tiền về. "Cá nhân tôi nghĩ việc bán là bình thường, đầu tư vào thì phải có lúc bán ra, không có gì mâu thuẫn hay giận dữ ở đây", ông Long nói.
Cổ tức bằng cổ phiếu, dồn sức cho dự án Hoà Phát - Dung Quất
Xuyên suốt các câu trả lời nhà đầu tư của Chủ tịch Trần Đình Long thể hiện tâm huyết, dồn lực cho dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất. Người đứng đầu HPG khẳng định, trong bối cảnh mở rộng đầu tư, cổ tức năm tới có thể sẽ được trả bằng cổ phiếu.
Hiện HPG đã vay Vietcombank 10.000 tỷ và Vietinbank 10.000 tỷ đồng để đầu tư vào dự án Dung Quất. Trong 11 tháng năm 2018, HPG đã giải ngân 28.000 tỷ đồng đầu tư trong đó có 25.000 tỷ đầu tư vào ngành thép, 3.000 tỷ đồng vào ngành tôn. Tháng 12/2018, HPG sẽ giải ngân nốt 3.000 tỷ đồng. Năm 2019, HPG sẽ tiếp tục đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng.
Khẳng định quyết tâm với "đứa con tinh thần" Dung Quất, ông Long chia sẻ, hầu như cả tháng không gặp giám đốc hay người đứng đầu các khối nội thất, kinh doanh vì muốn dồn toàn tâm sức cho dự án Dung Quất.
"Có thể nói cho đến giai đoạn này, dự án vẫn đang đạt tiến độ, tuy nhiên, vốn đầu tư có thể tăng lên đáng kể. Cuối quý 1 hoặc đầu quý 2 năm 2019 lò cao số 1 sẽ đi vào hoạt động", ông Long cho rằng sản phẩm của dự án này không chỉ tấn công thị trường thép phía Nam mà còn xuất khẩu ra thế giới, đó là một chiến lược dài hơi của tập đoàn.
Về kế hoạch 2019, ông Long chưa công bố con số cụ thể nhưng khẳng định sẽ là một kế hoạch đầy áp lực với các giám đốc ở các công ty con thuộc tập đoàn. Dự báo tiêu thụ thép của HPG năm 2019 lên tới 4 triệu tấn. Ngoài ra năm 2019 HPG dự kiến xuất khẩu khoảng 400.000 tấn, chiếm 10-12%. Công ty có sự điều chỉnh, hướng đến nhiều thị trường và chú trọng ở Đông Nam Á như Lào và Campuchia, các nước khác như Philippines, Indonesia. Hòa Phát vẫn xuất được hàng đi Mỹ, Canada mặc dù bị đánh thuế 25%.
Nỗi lo dỡ bỏ thuế tự vệ và chiến tranh thương mại
Ông Long khẳng định năm 2018, chưa bao giờ tiêu thụ thép của Trung Quốc tốt như vậy, các doanh nghiệp không chú trọng xuất khẩu, thậm chí muốn nhập ngược lại.
"Theo đúng chu kỳ ngành thép mà chúng tôi quan sát cứ 8 năm giá thép dần lên rồi lại xuống. Chiến tranh thương mại nếu xảy ra thì nền kinh tế nói chung và HPG phải thích ứng thôi. Mọi người đều không muốn có chiến tranh thương mại, nhưng với HPG, trước sau, có chiến tranh hay không có thì vẫn luôn ở tư thế sẵn sàng đối phó, không bị rơi vào thế bị động", ông Long chia sẻ.
Về giá thép, dù giá giảm nhẹ trong những tháng cuối năm 2018 song ông Long vẫn rất tự tin với tiêu thụ thép tại Việt Nam năm 2019 do Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu xây dựng lớn, đặc biệt là thị trường bất động sản vẫn đang tốt.
Đến năm 2020, hàng rào thuế tự vệ thép được dỡ bỏ, việc có gia hạn nữa hay không phụ thuộc vào Bộ Công Thương. Ông Long cho rằng, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy trên toàn thế giới, với giá thành của Dung Quất ở mức trung bình, HPG không sợ khi thuế tự vệ bị dỡ bỏ. Hơn nữa, vị này tin rằng, các quốc gia trên thế giới đang gia sức bảo hộ nền sản xuất trong nước thì Chính phủ Việt Nam cũng sẽ bảo vệ sản xuất trong nước, tạo việc làm cho người lao động.
"Tóm lại dù hoàn cảnh nào thì vẫn có lãi, lãi của HPG bằng tất cả các doanh nghiệp thép trên sàn cộng lại. Nói vậy không có nghĩa là nổ hay đặt mục tiêu lãi trên hết, với HPG thị phần mới là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Tháng 10 vừa rồi chúng tôi chỉ đạo bằng mọi giá bán thép, đạt mức kỷ lục để giữ thị phần", ông Long chia sẻ.