09:46 28/07/2013

Sếp Sacombank “vui với kết quả kinh doanh”

Minh Đức

Tổng giám đốc Sacombank nói về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2013

Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank.<br>
Ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank.<br>
Đến tuần qua, Sacombank là ngân hàng đầu tiên và duy nhất công bố kết quả kinh doanh cơ bản 6 tháng đầu năm 2013.

Nhìn lại, đây cũng là ngân hàng duy nhất đều đặn cập nhật thông tin này trong những năm qua, kể cả thời điểm kết quả kinh doanh không thuận lợi. Đáng chú ý khi họ vẫn giữ hiệu quả kinh doanh ổn định trong bối cảnh khó khăn chung, cũng như bản thân vừa trải qua những thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông và lãnh đạo quản trị, điều hành.

Nhìn vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, một điểm nổi bật là Sacombank có tốc độ tăng trưởng tín dụng cao, gấp khoảng 3 lần mức tăng trưởng chung của ngành, trong khi đây vẫn là nút thắt tại nhiều thành viên.

"Chúng tôi rất vui khi lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2013 của Sacombank khá khả quan, đạt 1.448 tỷ đồng - tương đương 52% kế hoạch năm, cao hơn năm ngoái", Tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang nói  với VnEconomy.

Kết quả này, theo ông, là do ngân hàng "đã liên tục triển khai nhiều biện pháp linh hoạt để thích ứng với thị trường, như chú trọng đẩy mạnh cho vay phân tán đối với khách hàng cá nhân để tạo hệ khách hàng gắn bó lâu dài; cải tiến và phát triển sản phẩm mới phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách hàng; điều chỉnh các chính sách khách hàng; triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ…".

Hiện nay, tỷ lệ tăng dư nợ tín dụng của Sacombank vẫn đạt mức 13% và là một trong số ít ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cho phép mở rộng “room” tăng trưởng trong năm 2013 (từ mức 12% lên 20%).

Việc quá nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cầu tiêu thụ thấp, thị trường bất động sản đóng băng… như hiện nay đã và đang ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, nợ quá hạn và nợ xấu có xu hướng tăng nhanh trong nền kinh tế. Trong bối cảnh này, ông Khang nói thời gian qua, Sacombank đã triển khai nhiều biện pháp để hạn chế nợ xấu, như tăng trưởng tín dụng thận trọng có chọn lọc, đẩy mạnh cho vay phân tán để giảm thiểu rủi ro; tăng cường công tác kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, thành lập các ban ngăn chặn và xử lý nợ quá hạn tại từng khu vực nhằm bám sát, theo dõi mọi diễn biến nợ để kịp thời đề ra các biện pháp khả thi…

Nợ xấu hiện nay của Sacombank đang được kiểm soát ở tỷ lệ 2,46%, thấp hơn khá nhiều so với mức bình quân chung của toàn ngành.

"Tuy vậy, chúng tôi vẫn rất thận trọng vì trước những thay đổi nhanh chóng của thị trường thì nợ xấu vẫn là vấn đề mà Sacombank sẽ phải theo dõi và xử lý rốt ráo. Nếu nợ xấu gia tăng, Sacombank sẽ phải tăng trích lập dự phòng và chắc chắn lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng", ông Khang nói với VnEconomy.

"Dù lo lắng về nợ xấu của doanh nghiệp, nhưng Sacombank vẫn tiếp tục tham gia cho vay hỗ trợ lãi suất theo các chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng do Tp.HCM tổ chức, cũng như chương trình cho vay đối với doanh nghiệp bình ổn giá. Trên thực tế, chúng tôi có nguồn vốn huy động tốt từ các khoản tiền gửi không kỳ hạn. Đây là nguồn quan trọng để cho vay các chương trình lãi suất thấp".