10:19 08/01/2014

“Siêu lừa” Huyền Như lạnh lùng khai phi vụ nghìn tỷ

Hoàng Nam

Chính sự tích tụ của các khoản vay ban đầu “nhỏ”, sau tiếp tục chồng lên, đến khi thống kê thì lên tới số tiền hàng ngàn tỷ đồng

Bị cáo Huyền Như tại tòa - Ảnh: Tuổi trẻ.
Bị cáo Huyền Như tại tòa - Ảnh: Tuổi trẻ.
Sau ngày đầu tiên tiến hành các thủ tục khai mạc phiên tòa, giải quyết những yêu cầu của những người tham gia tố tụng, trong đó có các luật sư, đọc bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ngày 7/1/2014, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân Tp.HCM đã tiến hành phiên thẩm vấn đầu tiên đối với bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và một số bị cáo khác.

Ngay từ đầu, do bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như thừa nhận tội danh nêu trong Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao là đúng, nên Hội đồng xét xử tập trung hỏi và làm rõ nguyên nhân, động cơ mà bị cáo Như đã thực hiện các hành vi, thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt số lượng tiền đặc biệt lớn lên tới gần 4.000 tỷ đồng của những người bị hại, trong đó có nhiều thiết chế, tổ chức ngân hàng, chứng khoán, các công ty và cá nhân.

Khác với ngày đầu ra Tòa với chiếc áo màu cánh sen hồng khá bắt mắt, bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như hôm 8/1 mặc chiếc áo trắng với chiếc cổ áo quay ngược, tỏ ra bình tĩnh trả lời rành rọt, chi tiết từng câu hỏi của Hội đồng xét xử.

Qua nội dung trả lời, những người tham dự phiên tòa hình dung nguyên cớ của vụ án bắt nguồn từ quá trình huy động vốn để kinh doanh, ban đầu có lãi, bỏ tiền của cá nhân và gia đình đầu tư vào bất động sản, cổ phiếu. Tuy nhiên, sau đó do lãi suất cao, thị trường bất động sản suy thoái, dẫn đến việc bị cáo Như “vay đầu nọ trả đầu kia”, huy động của người sau để trả cho người trước, y như thủ đoạn của các vụ án lừa đảo đã tửng xảy ra từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước.

Điều đặc biệt là Như khai đã bị dính mắc với các đối tượng bị coi là “tín dụng đen”, từ đó chịu nhiều áp lực, dẫn đến số nợ hàng ngàn tỷ đồng, phải trả lãi suất cáo, thậm chí nếu quá 10 ngày phải chịu lãi tới 5% /ngày…

Chính sự tích tụ của các khoản vay ban đầu “nhỏ”, sau tiếp tục chồng lên, đến khi thống kê thì lên tới số tiền hàng ngàn tỷ đồng, bị cáo khai bị các chủ nợ đe dọa “đập vỡ mặt”. Vì lo sợ ảnh hưởng đến uy tín nên bị cáo Như đã tìm mọi cách để kiếm tiền trả khoản nợ ngày càng chồng chất.

Khi được Hội đồng xét xử hỏi về những nạn nhân đầu tiên, bị cáo bắt đầu liệt kê danh mục những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị đưa vào tầm ngắm, thông qua thủ đoạn đặt quan hệ huy động vốn với lãi suất cao, kèm theo lãi suất bên ngoài để đánh vào tâm lý hám lời của các đương sự, có hành vi gian dối thông qua việc thuê người làm giả con dấu của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và con dấu của 8 công ty khác để tiếp tục các phi vụ lừa đảo hàng ngàn tỷ của các đơn vị, cá nhân khác, trong đó có Công ty Dầu khí Thái Bình Dương.

Điều đặc biệt là ngay cả đối với đối tượng Võ Anh Tuấn, mặc dù có quan hệ đồng nghiệp, biết Chi nhánh Nhà Bè có nhu cầu huy động vốn thật, nhưng không vượt qua khuôn khổ lãi suất quy định, bản thân Tuấn biết các công ty mà Như liên hệ là “sân sau” nên không làm, nhưng Như sẵn sàng sử dụng giấy tờ mà Tuấn ký trước đó nhưng không thực hiện để lừa đảo các công ty, làm giả cả chữ ký của Võ Anh Tuấn và con dấu của Chi nhánh Vietinbank Nhà Bè.

Hội đồng xét xử cũng làm rõ hành vi lừa đảo đối với các Công ty như Phúc Vinh, Thịnh Phát, Hưng Yên, Công ty Chứng khoán Phương Đông, An Lộc, Chứng khoán Saigonbank-Berjaya.

Thủ đoạn của Như là đề nghị các công ty mở tài khoản tại Vietinbank thỏa thuận là các công ty chuyển tiền vào tài khoản đó, Vietinbank sẽ tự trích tiền trong tài khoản để gửi tiết kiệm cho các công ty theo hợp đồng. Chính sự hấp dẫn của lãi suất cũng đã lôi kéo hàng loạt Công ty bị vướng vào lưới bẫy của Như, bởi ngoài mức lãi suất huy động tối đa không quá 14%/năm, Như sẵn sàng trả thêm lãi suất chênh lệch (trả tiền mặt ngay khi gửi tiền) từ 5-7%/năm.

Đến buổi chiều, Hội đồng xét xử tiếp tục thẩm vấn Như liên quan hành vi lừa đảo đối với Ngân hàng Thương mại Nam Việt, Ngân hàng Quốc tế (VIB), Công ty Bảo Hiểm Toàn Cầu, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), trong đó làm rõ từng chi tiết, cách thức mà Như thông qua các hợp đồng tiền gửi để chuyển sang sổ/thẻ tiết kiệm, từ đó sử dụng chữ ký giả để lập hợp đồng vay, rút tiền ra ngoài để trả nợ các khoản vay lãi suất cao.

Bên cạnh đó, Hội đồng xét xử cũng bắt đầu tiến hành thẩm vấn, làm rõ vai trò của các bị cáo thuộc nhóm tội lừa đảo, cho vay lãi nặng, trong đó có Võ Anh Tuấn (nguyên Phó giám đốc Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè), Huỳnh Thị Mỹ Hạnh (chị ruột của Như), Trần Thị Tố Quyên, Đào Thị Tuyết Dung, Nguyễn Thị Lành, Nguyễn Thiên Lý, Phương, Chí…

Mới chỉ qua ngày thẩm vấn đầu tiên, những người dự khán trong phòng xử và theo dõi bên ngoài qua tivi cũng thật sự ngạc nhiên trước thái độ điềm tĩnh đến lạnh lùng, trí nhớ khá chính xác của bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như. Có một chi tiết, Như khai có một người chị tên Giang rủ làm visa đi Mỹ cho cả hai gia đình Huyền Như và Giang, đã phải bỏ ra hơn 1,1 triệu USD để làm thẻ xanh.

Không biết có nằm trong kế hoạch thẩm vấn của Tòa hay không, nhưng dường như một câu hỏi lớn mà Hội đồng xét xử chưa đặt ra với Huỳnh Thị Huyền Như là có phải để tạo được sự tin cậy của những người, tổ chức, doanh nghiệp bị coi là bị hại, Như đã dựa vào tư cách cán bộ, quyền Trưởng phòng các Phòng giao dịch của Vietinbank Chi nhánh Tp.HCM và cơ chế kiểm tra, kiểm soát của Ngân hàng này đối với hoạt động của các Phòng giao dịch, Chi nhánh và với các chức danh cụ thể trong Ngân hàng như thế nào…

Hy vọng trả lời được câu hỏi này, cũng như làm rõ vì sao các nạn nhân lại tin cậy gửi tiền vào Vietinbank, những ngày thẩm vấn tiếp theo của Hội đồng xét xử sẽ được làm sáng tỏ.