00:04 24/07/2008

Siêu thị dự báo mặt bằng giá mới

Thúy Nhung

Đại diện một số siêu thị tại Hà Nội dự báo trong tháng 8 tới, giá cả nhiều mặt hàng sẽ tăng trong khoảng 7-10%

Giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến giá cả nhiều mặt hàng khác.
Giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến giá cả nhiều mặt hàng khác.
Đại diện một số siêu thị tại Hà Nội dự báo trong tháng 8 tới, giá cả nhiều mặt hàng sẽ tăng trong khoảng 7-10%.

Mặt bằng giá mới?

Tới thời điểm này, nhiều siêu thị lớn cho biết vẫn chưa nhận được thông báo đề nghị điều chỉnh giá các mặt hàng từ phía nhà cung cấp.

Tuy nhiên, đại điện Big C, ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc nhận định, sự điều chỉnh giá xăng dầu lần này làm hàng hóa sản xuất trong nước bị ảnh hưởng khá lớn. Điều này sẽ khiến giá cả nhiều mặt hàng phải tăng theo và thiết lập mặt bằng mới. Nhưng mức tăng sẽ chỉ vào khoảng 7-10%, ông dự báo.

Ông Dũng phân tích, đối với các loại hàng hóa thông thường, nhiên liệu cao nhất cũng chỉ chiếm khoảng 20%-30% tổng chi phí. Do vậy, xăng dầu tăng giá 30% cũng chỉ làm cho những mặt hàng này tăng từ 5-7%.

Tuy nhiên, hiện đã sang quý 3/2008, trong khi đó, các tháng cuối năm là thời điểm sức mua tăng mạnh. Do vậy, đây cũng là dịp để các mặt hàng tăng giá, do có cả yếu tố về tâm lý.

Trùng hợp với nhận định trên, bà Nguyễn Đào Thúy, Trưởng phòng Kinh doanh Thực phẩm, Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro cũng cho rằng, mức tăng của hàng hóa trong tháng tới sẽ vào khoảng 8-10%, và sẽ tập trung nhiều vào nhóm hàng thực phẩm thiết yếu.

Đáng chú ý, bà Thúy cho biết thêm: trong khi chưa nhận được thông báo tăng giá nào từ các nhà sản xuất trong nước, phòng Kinh doanh gần đây lại liên tục nhận được đơn đề nghị tăng giá của các sản phẩm nhập khẩu từ Thái Lan, Pháp… với các mặt hàng chủ yếu là bánh kẹo, thực phẩm.

Các mức đề xuất tăng giá đều từ 10-15%. Lý do mà các nhà nhập khẩu này đưa ra là họ đã giữ giá trong một thời gian quá dài. Vì vậy, đến thời điểm 1/8, họ sẽ buộc phải tăng giá.

Theo bà Thúy, đây đều là những nhà phân phối duy nhất nên rất khó trong đàm phán với họ. Do đó, các cán bộ của phòng sẽ phải đi khảo sát thị trường trước khi trình giám đốc về mức giá mới.

Giá cao, tất cả cùng “thiệt”

Với kinh nghiệm của Big C, ông Thái Dũng chia sẻ: khi nhận được đơn đề nghị tăng giá, Big C sẽ phải xem xét tất cả các yếu tố để loại trừ những đơn đề nghị tăng do tâm lý cũng như tăng do dự phòng.

Ngoài ra, Big C luôn cố gắng tìm nhiều đối tác cùng cung cấp một sản phẩm để có được mức giá hợp lý nhất.

Cũng theo ông Dũng, nếu giá của các mặt hàng bị đẩy lên quá cao, sẽ khiến cho sức mua giảm. Khi ấy không chỉ nhà phân phối mà cả nhà sản xuất cũng sẽ không được lợi.

Trong tình hình hiện nay, nếu các nhà sản xuất và phân phối cùng bắt tay chia sẻ lợi ích thì vẫn có thể đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm có giá thành hợp lý thông qua hình thức khuyến mại giảm giá. Bên cạnh đó, khi hai bên có được những hợp đồng cam kết cụ thể đối với việc sản xuất và tiêu thụ hàng hóa của đối tác. Khi ấy, không chỉ nhà sản xuất yên tâm với việc sản xuất mà giá hàng hóa cũng sẽ giữ ở mức hợp lý.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Fivimart tuy từ chối đưa ra con số dự tính về mức tăng của hàng hóa trong thời gian tới, nhưng bà cũng cho biết, sau khi có thông báo chính thức về việc điều chỉnh giá xăng dầu, các nhà cung cấp đều có tâm lý nghe ngóng, quan sát sự điều chỉnh giá của các sản phẩm cùng loại.

Bà Hậu còn cho hay, thời gian này, các đơn hàng cũng được nhà cung cấp giao khá cầm chừng. Tuy nhiên, theo bà, trong tình hình hiện nay, nếu nhà cung cấp nào không vì chữ tín và lợi ích chung để đưa ra mức giá quá cao, chắc chắn về lâu dài sẽ không thể được chấp nhận.