13:26 13/07/2021

Siêu ứng dụng của AirAsia có “cửa” thành công sau khi thâu tóm Gojek tại Thái Lan?

Gia Bảo

Bằng việc thâu tóm Gojek tại Thái Lan, AirAsia thể hiện tham vọng phát triển “siêu ứng dụng” của mình tại Đông Nam Á trong bối cảnh Covid-19 đã làm tê liệt ngành hàng không. Tuy nhiên, hãng hàng không này được cho là sẽ phải đối diện với một cuộc chiến đầy cam go ở “chảo lửa” khu vực...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo tính toán của AirAsia, thỏa thuận mua lại Gojek Thái Lan sẽ giúp hãng bay tiếp nhận mảng gọi xe và thanh toán của gã khổng lồ công nghệ đặt xe tại Thái Lan, trị giá tổng cộng 50 triệu đô la Mỹ, trong khi kỳ lân công nghệ cũng sẽ nhận lại 4,76% cổ phần trong “siêu ứng dụng” có tên AirAsia Digital.

PHÍA TRƯỚC CON ĐƯỜNG LÀ... GOJEK, GRAB, SHOPEE, TRAVELOKA

AirAsia Digital cung cấp các dịch vụ phi hàng không, trong đó có thương mại điện tử cho các sản phẩm phong cách sống và làm đẹp; hậu cần xuyên biên giới; giao thực phẩm và thanh toán. Liên minh này cũng điều hành một trung tâm đào tạo ở Malaysia với sự hợp tác của Google để cung cấp một đội ngũ kỹ sư phần mềm và nhà khoa học dữ liệu mới.

Theo South China Morning Post (SCMP), mặc dù đã có sự hiện diện rộng khắp trong khu vực nhưng các dịch vụ phi du lịch của AirAsia mới chỉ có mặt ở Malaysia, Singapore và Indonesia. Việc mua lại mảng gọi xe và thanh toán của Gojek ở Thái Lan sẽ thúc đẩy AirAsia thâm nhập sâu hơn vào thị trường và cho phép hãng này học hỏi từ gã khổng lồ công nghệ Indonesia khi phát triển siêu ứng dụng riêng của mình.

SCMP dẫn lời ông Joshua Chong, nhà phân tích tại công ty tư vấn  Kapronasia có trụ sở tại Singapore cho biết, sự hợp tác này cung cấp những điều kiện thuận lợi để AirAsia hiểu được hoạt động, chiến lược và tư duy của một siêu ứng dụng hàng đầu trong khu vực.

Mặc dù liên doanh kỹ thuật số của AirAsia hiện được định giá 1 tỷ đô la Mỹ, các nhà phân tích cho rằng họ vẫn cần phải cải tiến các dịch vụ của mình nếu muốn cạnh tranh với những gã khổng lồ siêu cấp trong khu vực như Gojek, Grab, Shopee và Traveloka.

“Nếu AirAsia thực sự muốn xây dựng một siêu ứng dụng trong khu vực, công ty này cần phải có một sự hiện diện tốt hơn ở Indonesia. Grab và Sea Group đã và đang sử dụng các thị trường khác có giá trị cao hơn để trợ cấp cho khoản đầu tư dài hạn của mình vào Indonesia. Tôi cho rằng AirAsia cũng cần phải làm như vậy”, SCMP dẫn lời ông Jianggan Li, người sáng lập và giám đốc điều hành tại công ty tư vấn Momentum Works có trụ sở tại Singapore cho biết.

LỢI THẾ TRONG MẢNG FINTECH 

AirAsia được cho là thực sự có lợi thế trong cuộc cạnh tranh thanh toán di động gay gắt trong khu vực. Dịch vụ thanh toán của hãng này - BigPay, cho phép người dùng thực hiện các giao dịch xuyên biên giới như chuyển tiền.

Giới chuyên gia cho rằng, đây có thể là lĩnh vực trọng tâm tiếp theo của siêu ứng dụng này và sẽ không ngạc nhiên nếu trong tương lai các ví điện tử khác bắt đầu “sao chép” các tính năng như của BigPay.

BigPay hiện đã có mặt ở Singapore và Malaysia, mặc dù vẫn đang bị cạnh tranh gay gắt ở các thị trường này.  Tại Malaysia, ba ví điện tử hàng đầu là Boost, GrabPay và Touch‘ n Go. Theo giới chuyên gia, BigPay có cơ hội xếp thứ 4 hoặc thứ 5 nhưng chưa thực sự hiện diện nhiều trên thị trường này. Ở Singapore, BigPay cũng hầu như không có sự hiện diện nào.

Mua lại Gojek Thái Lan, AirAsia cũng có thể thử nghiệm các dịch vụ mới của mình bởi Bangkok được cho là “tương đối cởi mở với những đổi mới trong lĩnh vực công nghệ tài chính”.

Theo AirAsia, BigPay hiện có 1,2 triệu thành viên tại các thị trường mà ứng dụng này đang hoạt động. Hãng này mới đây cũng đã nộp đơn lên ngân hàng trung ương Malaysia để xin giấy phép làm ngân hàng số.

MỘT PHIÊN BẢN MỚI CỦA TRAVELOKA?

Theo thỏa thuận với AirAsia, Gojek sẽ ngừng hoạt động tại Thái Lan vào cuối tháng này. Trong khi đó, AirAsia hy vọng sẽ tích hợp các mảng hoạt động của Gojek vào ứng dụng của riêng mình và ra mắt tại thị trường này vào tháng tới.

Bên cạnh việc phát triển siêu ứng dụng với các dịch vụ như thanh toán và công nghệ tài chính, CEO của AirAsia Tony Fernandes cho biết việc mua lại cũng sẽ cho phép AirAsia mở rộng quy mô mảng kinh doanh dịch vụ hậu cần, Teleport và “hình thành liên minh và quan hệ đối tác với Gojek”.

Nhà lãnh đạo của hãng hàng không này hy vọng, AirAsia Digital có thể làm “tốt như Agoda và Traveloka”. Traveloka xuất phát điểm là một nền tảng đặt phòng và vé máy bay đình đám nhưng cũng đã đầu tư vào giao thực phẩm và thanh toán trong thời gian qua. 

Ngoài ra, hãng này cũng để ngỏ khả năng hợp tác trong tương lai giữa AirAsia và Gojek bao gồm cả ở Indonesia - một thị trường lớn dành cho du lịch.

AirAsia cũng đang lên kế hoạch nhằm huy động thêm ít nhất 300 triệu đô la Mỹ cho siêu ứng dụng của mình trong thời gian tới. Lãnh đạo của hãng bay cũng đặt mục tiêu siêu ứng dụng sẽ mang lại doanh thu 250 triệu đô la Mỹ trong năm nay và sẽ đóng góp khoảng một nửa doanh thu của Tập đoàn AirAsia vào năm 2026.