16:37 19/11/2021

“Singapore cần thêm dữ liệu mới có thể nới lỏng hạn chế phòng dịch Covid-19”

Ngọc Trang

Những tháng gần đây, Singapore đang thúc đẩy chiến lược “sống chung với Covid-19”, xem đây như một căn bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị ảnh hưởng đáng kể bởi các biện pháp hạn chế kéo dài nhiều tháng...

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong - Ảnh: Bloomberg
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong - Ảnh: Bloomberg

Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn trực tuyến bên lề Diễn đàn kinh tế mới Bloomberg ngày 19/11, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Gan Kim Yong cho biết các quan chức nước này vẫn cần thêm “vài ngày nữa” trước khi có thể quyết sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch đã được áp dụng gần 2 tháng qua hay không.

Khi được hỏi về khả năng Chính phủ sẽ tiếp tục áp dụng hạn chế sau thời hạn ngày 21/11 tới, ông Gan cho biết “rất khó nói bởi vẫn còn quá sớm”. Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore cũng là đồng chủ tịch hội đồng giám sát các biện pháp hạn chế phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ nước này.

Đợt áp dụng hạn chế Covid-19 gần đây nhất của Singapore bắt đầu từ ngày 27/9 trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại nước này tăng kỷ lục dù có tỷ lệ tiêm vaccine thuộc nhóm cao nhất tại châu Á. Theo đó, một số biện pháp được áp dụng như yêu cầu doanh nghiệp mặc định cho nhân viên làm việc từ xa, giới hạn 2 người tập trung nơi công cộng. Các biện pháp này được gia hạn thêm một tháng vào cuối tháng 10.

Vài tuần gần đây, số ca nhiễm tại Singapore đã ổn định và bắt đầu có xu hướng giảm. Ngày 18/11 là ngày thứ ba trong 7 ngày qua số ca nhiễm mới trong cộng đồng của nước này ở mức dưới 2.000 ca, giảm mạnh so với mức hơn 4.650 ca hôm 27/10. Chính phủ Singapore hiện xem tỷ lệ ca nhiễm mới trong cộng đồng trong 7 ngày làm thước đo chính để quyết định nới lỏng các hạn chế. Chính phủ nước này hướng tới mục tiêu giữ tỷ lệ này ở dưới 1 và đã đạt được trong 15 trên 16 ngày qua.

Áp lực tại các bệnh viện Singapore cũng đang được giảm tải. Hơn 40% giường bệnh chăm sóc đặc biệt (ICU) công lập tại nước này hiện đang trống, nhờ số ca nhiễm giảm những tuần qua và việc tăng số lượng giường bệnh.

Từ tuần trước, Chính phủ Singapore đã bắt đầu từng bước nới lỏng các hạn chế như cho phép tối đa 5 người có cùng nơi cư trú dùng bữa tại các nhà hàng, đồng thời công bố một số chương trình thí điểm như giảm giãn cách xã hội…

“Chúng tôi hy vọng có thể triển khai đánh giá và xác định xem liệu chúng tôi có thể thực hiện điều chỉnh các biện pháp hạn chế hay không”, ông Gan nói với Bloomberg và cho biết thêm rằng các quan chức vẫn sẽ cần thêm "vài ngày nữa" để theo dõi tác động của việc nới lỏng hạn chế và sẽ đánh giá nhanh trước thứ Hai tuần sau (22/11).

Những tháng gần đây, Singapore đang thúc đẩy chiến lược “sống chung với Covid-19”, xem đây như một căn bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, kế hoạch này đang bị ảnh hưởng đáng kể bởi các biện pháp hạn chế kéo dài nhiều tháng. Ngày 17/9, giải thích cho việc chậm mở cửa trở lại, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết Chính phủ đang cố gắng làm từng bước để tránh những tác động tiêu cực.

Thủ tướng Lý Hiển Long và Tổng biên tập Bloomberg John Micklethwait tại Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg ngày 17/11 - Ảnh: MCI
Thủ tướng Lý Hiển Long và Tổng biên tập Bloomberg John Micklethwait tại Diễn đàn Kinh tế mới Bloomberg ngày 17/11 - Ảnh: MCI

"Những gì tôi đang cố gắng làm là nới lỏng từng bước, đảm bảo mọi thứ ổn định, rồi nới lỏng thêm, sau đó đảm bảo mọi thứ tiếp tục ổn định để có thể tiếp tục nới lỏng”, ông Lý Hiển Long chia sẻ với Bloomberg vào ngày đầu tiên của Diễn đàn kinh tế mới Bloomberg.

Thủ tướng Singapore cũng nhấn mạnh rằng người dân nước này sẽ “tức giận và thất vọng” nếu Chính phủ mở cửa để rồi lại thắt chặt các biện pháp hạn chế khi dịch bệnh bùng phát và đôi khi việc này cũng phải trả giá bằng “tính mạng con người”.

"Tôi cho rằng tốt hơn hết nên làm từng bước. Tôi không hoàn toàn chắc chắn rằng mình có thể làm việc này mà không có những sai sót, tôi có thể sẽ phải hãm lại lần nữa, nhưng đó là kế hoạch của tôi”, ông Lý Hiển Long nói.