08:55 19/08/2022

Singapore sẽ sớm thành "kinh đô" triệu phú USD của châu Á, Việt Nam có 1% dân số

Trang Linh

Tỷ lệ triệu phú trên dân số ở Singapore, Australia, Hồng Kông và Đài Loan cũng được dự báo sẽ cao hơn ở Mỹ vào cuối thập kỷ này. Việt Nam có 1% dân số là triệu phú vào năm 2030...

Một góc Singapore - Ảnh: Bloomberg.
Một góc Singapore - Ảnh: Bloomberg.

Trong một báo cáo mới công bố, ngân hàng HSBC Holdings dự báo Singapore sẽ vượt qua Australia trở thành nơi có tỷ lệ triệu phú USD trong dân số trưởng thành cao nhất tại châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2030.

“Trung tâm tài chính này (Singapore) được dự báo sẽ dẫn đầu về tỷ lệ triệu phú tại châu Á-Thái Bình Dương, theo sau là Australia, Hồng Kông và Đài Loan”, HSBC viết trong báo cáo. “Tỷ lệ triệu phú ở 4 nơi này cũng được dự báo sẽ cao hơn ở Mỹ vào cuối thập kỷ này”.

Australia là quốc gia dẫn đầu ở châu Á về tỷ lệ triệu phú trong năm 2021, còn Singapore đứng thứ hai.

Theo HSBC, tài sản tài chính của khu vực châu Á đã vượt Mỹ kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khu vực này cũng có một số nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo báo cáo, Việt Nam, Philippines và Ấn Độ nhiều khả năng sẽ chứng kiến số lượng người trưởng thành nắm giữ tài sản ít nhất 250.000 USD tăng gấp đôi vào năm 2030. Tuy nhiên, khu vực này cũng là nơi sinh sống của hàng triệu người nghèo.

Các dự báo về tài sản của các hộ gia đình trong báo cáo sử dụng ước tính và dự báo về dân số trưởng thành, tài sản trên đầu người, tổng sản phẩm trong nước (GDP) trên đầu người tại các quốc gia/vùng lãnh thổ.

Việt Nam được dự báo sẽ có khoảng 1% dân số là triệu phú USD vào năm 2030. Ở Đông Nam Á, Việt Nam theo sau Malaysia và Thái Lan với tỷ lệ triệu phú được dự báo lần lượt là 4,3% và 2%. Theo sau Việt Nam là Indonesia và Philippines với tỷ lệ lần lượt là 0,9% và 0,6%.

Về con số tuyệt đối, HSBC dự báo Trung Quốc sẽ có khoảng 50 triệu triệu phú vào năm 2030, còn Ấn Độ có hơn 6 triệu người. Con số này tương đương lần lượt khoảng 4% và gần 1% dân số trưởng thành tại Trung Quốc và Ấn Độ.

“Châu Á ngày càng giàu lên cũng làm sáng tỏ hơn các nguồn lực xã hội sẵn có để giúp hàng triệu người thoát nghèo. Xét cho cùng, khu vực này hầu như không thiếu vốn, kể cả khi nguồn vốn này được phân bổ không đồng đều, cả giữa và bên trong các nền kinh tế”, Frederic Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á và đồng giám đốc nghiên cứu toàn cầu khu vực châu Á của HSBC, chỉ ra trong báo cáo.