10:23 25/06/2021

Số ca nhiễm mới lập kỷ lục, đại dịch ở Indonesia ngày càng nghiêm trọng

Phương Linh

Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh thứ hai tại Indonesia có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, nhiều chuyên gia, tổ chức đồng loạt kêu gọi chính phủ có các biện pháp hạn chế, phong tỏa nghiêm ngặt hơn...

Nhân viên y tế tại Indonesia - Ảnh: Tempo
Nhân viên y tế tại Indonesia - Ảnh: Tempo

Hãng tin Reuters dẫn dữ liệu từ Bộ Y tế Indonesia cho biết quốc gia Đông Nam Á vừa ghi nhận kỷ lục số ca nhiễm mới một ngày với 20.574 ca nhiễm ngày 24/6, nâng tổng số ca nhiễm tại nước kể từ đầu dịch là hơn 2,05 triệu ca.

Dữ liệu cũng cho thấy ngày 24/6, nước này có 355 ca tử vong vì Covid-19. Theo đó, nước này đã ghi nhận tổng cộng 55.949 ca tử vong kể từ khi đại dịch bùng phát. Indonesia hiện là quốc gia có số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 cao nhất tại Đông Nam Á

TỶ LỆ DƯƠNG TÍNH GẦN 50%

Trước đó, số ca nhiễm mỗi ngày tại Indonesia liên tiếp lập kỷ lục, lần đầu vượt mốc 15.000 ca vào ngày 23/6, không lâu sau khi Tổng thống Jokowi Widodo tuyên bố rằng làn sóng dịch bệnh thứ hai đang quét qua nước này. 

Tại Indonesia, tỷ lệ dương tính ở những người được xét nghiệm là 49,07%. Tỷ lệ này được cho là có thể còn cao hơn bởi vì công tác xét nghiệm và truy vết không được thực hiện đầy đủ ở khu vực ngoại ô.

Tuy vậy, ngày 23/6, trước những áp lực ngày càng lớn nhằm yêu cầu chính phủ có chính sách phong tỏa mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn tình trạng lây lan của biến thể Covid-19, Tổng thống Jokowi Widodo nhấn mạnh rằng những hạn chế hoạt động cộng đồng quy mô nhỏ (PPKM Mikro) hiện tại vẫn là lựa chọn tốt nhất.

Ông Jokowi cho biết chính phủ đã tính đến các vấn đề về kinh tế, xã hội, chính trị của đất nước, cũng như kinh nghiệm chống dịch của những nước khác và xác định rằng PPKM Mikro vừa có thể hạn chế việc đi lại của công chúng, vừa giúp tránh việc đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế.

“Tôi muốn khẳng định rằng PPKM Mikro và việc phong tỏa có mục đích tương tự nhau, đó là hạn chế khả năng di chuyển của công chúng. Do đó, không cần phải đảo ngược chính sách này”, ông Jokowi phát biểu từ Cung điện Bogor ở Tây Java hôm 23/6.

Đầu tuần này, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto đã thông báo việc thắt chặt các chính sách của PPKM Mikro sau khi nước ngày ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng trở lại sau kỳ nghỉ lễ Eid Al-Fitr của người theo đạo Hồi,

Theo quy định mới, các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương, cũng như các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong khu vực đỏ Covid-19, phải giới hạn công suất văn phòng ở mức 25% và cho những nhân viên còn lại làm việc ở nhà. Trường học trong khu vực đỏ phải dừng các chương trình học tập trên lớp, chuyển sang trực tuyến. 

Tương tự, những nơi thờ tự và không gian công cộng khác có thể tập trung đông người phải đóng cửa “cho đến khi tình hình được cải thiện. Còn các dịch vụ thiết yếu, như siêu thị, hiệu thuốc và dịch vụ công cộng cơ bản sẽ vẫn hoạt động theo các quy trình y tế nghiêm ngặt hơn và điều chỉnh giờ mở cửa.

Indonesia liên tiếp lập kỷ lục về số ca nhiễm Covid-19 mới một ngày - Ảnh: AP
Indonesia liên tiếp lập kỷ lục về số ca nhiễm Covid-19 mới một ngày - Ảnh: AP

Các khách sạn, cơ sở lưu trú được yêu cầu dừng đón khách nghỉ, nhưng được phép hoạt động với dịch vụ phòng họp, hội nghị và tiệc cưới (tối đa 30 khách mời, hoặc 25% công suất của địa điểm).

Làn sóng dịch bệnh thứ hai được cho là bùng phát do hoạt động đi lại của người dân tăng mạnh quanh kỳ nghỉ lễ Eid Al-Fitr và sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta - phát hiện lần đầu ở Ấn Độ. Những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất của Indonesia là Trung Java, Đông Java và Jakarta. Riêng thủ đô Jakarta chứng kiến số ca nhiễm mới cao nhất với gần 4.700 ca hôm 24/6. 

KÊU GỌI SIẾT CHẶT PHONG TỎA, HẠN CHẾ 

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các biện pháp phòng, chống dịch hiện tại ở Jakarta không có gì thay đổi so với thời điểm được đưa ra lần đầu tiên năm ngoái (từ 23/3 - 5/4/2020), khi chính phủ công bố tình trạng khẩn cấp và khi thủ đô trở thành tâm dịch đầu tiên của Indonesia.

Những quy định này được cho là không nghiêm ngặt bằng các quy định hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) được áp dụng ở Jakarta và một số khu vực khác vào đầu năm 2020.

Nhiều nhà dịch tễ học, chuyên gia y tế, cũng như một số nhóm dân sự, cơ quan giám sát chính phủ, đã đồng loạt kêu gọi chính phủ thực hiện các biện pháp hạn chế và phong tỏa mạnh mẽ hơn nữa. 

Ngày 23/6, một lá thư với hơn 2.300 chữ ký đã được gửi cho Tổng thống Jokowi, trong đó kêu gọi Tổng thống "ban hành chỉ thị về cách ly, tăng cường hạn chế di chuyển và có hình phạt nghiêm khắc với hành vi không tuân thủ và hỗ trợ những người cần trợ giúp xã hội". 

Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo - Ảnh: Getty Images
Tổng thống Indonesia Jokowi Widodo - Ảnh: Getty Images

Bức thư cũng kêu gọi ông Jokowi “đưa thông báo một cách nhất quán và liên tục về những chính sách cách ly cũng như hạn chế xã hội”, đồng thời có sự tham gia của các bên đại diện cho công chúng nhằm đưa “các chỉ số dịch tễ học của quốc gia đáp ứng tiêu chuẩn vàng trong việc xử lý các ổ dịch”, tờ Jakarta Post dẫn nội dung bức thư cho biết.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng kêu gọi Indonesia siết chặt phong toả như một hành động khẩn cấp để chống lại sự leo thang của đại dịch.

Không chỉ tại Indonesia, biến thể Delta cũng đang lây lan nhanh chóng trên toàn cầu và có nguy cơ thổi bùng dịch bệnh trở lại trong bối cảnh nhiều quốc gia, khu vực đã bắt đầu mở cửa trở lại. 

Trên toàn cầu, tổng số ca nhiễm Covid-19 tính tới ngày 24/5 là 179,9 triệu, trong đó có 3,89 triệu ca tử vong, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.