13:44 11/09/2024

"So găng" ông Trump và bà Harris về lạm phát và việc làm

Hoài Thu

Dù lạm phát tại Mỹ đã giảm đáng kể từ mức cao kỷ lục 40 năm vào năm 2022, cử tri Mỹ hiện vẫn phải chi trả nhiều hơn 20% cho các hóa đơn hàng hóa và dịch vụ so với giai đoạn trước đại dịch...

Phó Tổng thống Kamala Harria và Cựu Tổng thống Donald Trump - Ảnh: Getty Images
Phó Tổng thống Kamala Harria và Cựu Tổng thống Donald Trump - Ảnh: Getty Images

Phó Tổng thống Kamala Harria và Cựu Tổng thống Donald Trump dự kiến có cuộc tranh luận đầu tiên trước thềm bầu cử vào đêm ngày 10/9 (giờ Mỹ). Kinh tế được dự báo sẽ là một vấn đề trọng tâm của cuộc tranh luận này.

Kết quả thăm dò dư luận gần đây của hãng tin CNN cho thấy vấn đề lo lắng hàng đầu của cử tri Mỹ hiện tại là kinh tế, đặc biệt là lạm phát và việc làm.

CÁCH TIẾP CẬN ĐỐI NGHỊCH

Dù lạm phát tại Mỹ đã giảm đáng kể từ mức cao kỷ lục 40 năm vào năm 2022, cử tri Mỹ hiện vẫn phải chi trả nhiều hơn 20% cho các hóa đơn hàng hóa và dịch vụ so với giai đoạn trước đại dịch.

Trong khi đó, thị trường lao động, vốn mạnh lên đáng kể sau đại dịch, đang có những dấu hiệu cảnh báo thời gian gần đây. Tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ở gần mức cao nhất 3 năm. Trong tháng 7, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này là 4,3%, gần cao nhất 3 năm. Sau 3 tháng tăng liên tiếp, tỷ lệ thất nghiệp tháng 8 giảm 0,1 điểm phần trăm do số người tham gia lực lượng lao động tăng 120.000 người.

Nhiều doanh nghiệp đang dừng hoặc giảm tuyển dụng mới với số việc làm đăng tuyển trong nền kinh tề gần đây giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021 – theo số liệu của Bộ Lao động Mỹ.

Phản ứng trước những lo lắng của cử tri về nền kinh tế, bà Harris – ứng viên tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ và ông Trump – ứng viên đảng Cộng hòa có các đề xuất chính sách kinh tế khác biệt lớn. Đây được dự báo sẽ là một điểm nhấn quan trọng của cuộc tranh luận đêm ngày 10/9. Cách tiếp cận khác biệt và thậm chí có phần đối nghịch của 2 ứng viên tổng thống có thể gây ra những tác động sâu rộng tới nền kinh tế và mỗi cử tri Mỹ.

Chính sách thuế quan của ông Trump bao gồm việc tăng thuế đáng kể với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ. Điều này có thể giúp tăng nguồn ngân sách cho Chính phủ nhưng có thể khiến người dân Mỹ phải chịu giá cả hàng hóa và dịch vụ đắt đỏ hơn.

Các nhà kinh tế của ngân hàng Goldman Sachs ước tính mỗi điểm phần trăm thuế quan tăng thêm có thể làm lạm phát lõi tại Mỹ –  được tính theo chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) – tăng 0,1 điểm phần trăm. Ông Trump hiện đề xuất áp thuế quan khoảng 10-20% với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, riêng hàng Trung Quốc áp thuế 60%.

Trong khi đó, ông Trump cũng cam kết thúc đẩy tăng sản lượng dầu – mặt hàng đóng góp chính vào chi phí của nhiều doanh nghiệp – nhằm hạ giá. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu ông có thể thực hiện lời hứa này không, trong bối cảnh Mỹ hiện đang sản xuất dầu nhiều hơn mọi quốc gia trong lịch sử.

Ngoài ra, cam kết siết chặt chính sách nhập cư chưa từng thấy của ông Trump nếu đắc cử nhiệm kỳ thứ hai cũng có thể khiến lạm phát tại Mỹ tăng lên. Nếu việc trục xuất hàng loạt được thực hiện, nhiều doanh nghiệp tại Mỹ có thể gặp khó khăn trong việc tuyển lao động, buộc họ phải tăng lương và chuyển phần chi phí tăng thêm này sang cho khách hàng.

Kể cả khi số lượng lao động nhập cư bị trục xuất chỉ là 1,3 triệu người, thấp hơn con số 10-20 triệu người mà ông Trump mong muốn, một “cú sốc lạm phát” cũng có thể xảy ra, khiến lạm phát tại Mỹ tăng 1,3 điểm phần trăm sau 3 năm – theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE). Cùng với đó, GDP của nền kinh tế số một thế giới sẽ giảm 2,1 điểm phần trăm – một mức giảm nghiêm trọng.

Còn nếu số lượng lao động bị trục xuất là 7,5 triệu người, lạm phát sẽ tăng thêm 7,4 điểm phần trăm, còn GDP giảm 12 điểm phần trăm sau 3 năm.

Về phía bà Harris, bà cảnh báo rằng hệ thống nhập cư của Mỹ đang “rạn nứt” và cam kết sẽ đưa thỏa thuận an ninh biên giới lưỡng đảng trở lại. Tuy nhiên, bà không cam kết về việc trục xuất hàng loạt hay siết chặt quản lý người nhập cư giống như kêu gọi của ông Trump.

Đó là lý do ngân hàng Goldman Sachs gần đây chỉ dự báo “sự sụt giảm khiêm tốn” về số lượng người nhập cư ròng tại Mỹ nếu bà Harris đắc cử. Trong khi đó, so với kịch bản bà Harris thành tổng thống, ngân hàng này dự báo nguồn cung lao động nhập cư của Mỹ sẽ giảm 10.000 người mỗi tháng nếu ông Trump giành chiến thắng với một chính phủ chia rẽ.

GIÁ NHÀ CÓ THỂ TĂNG VỌT NẾU BÀ HARRIS ĐẮC CỬ

Tuy vậy, chính sách kinh tế của bà Harris cũng có thể khiến lạm phát tại nền kinh tế số một thế giới tăng lên. Chính sách tín dụng thuế cho người sở hữu nhà lần đầu và tăng gấp 3 tín dụng thuế trẻ em cho trẻ mới sinh mà bà Harris đang đề xuất có thể mang lại người tiêu dùng Mỹ nhiều tiền hơn để chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ. Và điều này có thể làm tăng giá cả.

Bên cạnh đó, bà Harris cũng đang đề xuất một kế hoạch mà đội ngũ của bà nói rằng sẽ tạo ra 3 triệu đơn vị nhà ở. Vấn đề nằm ở thời điểm: Nếu tín dụng thuế cho người sở hữu nhà lần đầu có hiệu lực trước khi lượng nhà ở mới này được tung ra thị trường, giá nhà có thể tăng vọt.

“Vấn đề lúc này là có quá nhiều người muốn mua nhà trong khi số lượng nhà quá ít ỏi”, ông Justin Wolfers, giáo sư về chính sách công và kinh tế học tại Đại học Michigan nói với CNN. “Giải pháp là không cho người dân quá nhiều tiền để họ mua nhà. Nếu không điều chỉnh phía cung, thì những người nhận được hỗ trợ sẽ làm tổn thương những người khác”.

Một yếu tố có thể ảnh hưởng lớn tới lạm phát nữa là cách tiếp cận khác biệt của 2 ứng viên với Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) – ngân hàng trung ương hoạt động độc lập với chính phủ với một trong những nhiệm vụ là kiểm soát lạm phát. Bà Harris cam kết sẽ không can thiệp vào hoạt động của Fed, trong khi ông Trump có quan điểm rằng tổng thống nên có sự ảnh hưởng tới việc ra quyết định của Fed.