Số liệu kinh tế khả quan đưa S&P 500 lên gần kỷ lục
Thị trường chứng khoán Mỹ bật lên trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (24/4), với chỉ số S&P 500 lên gần mức kỷ lục
Thị trường chứng khoán Mỹ bật lên trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (24/4), với chỉ số S&P 500 lên gần mức kỷ lục, nhờ những dữ liệu tích cực về ngành sản xuất và thị trường bất động sản. Loạt cổ phiếu công nghệ lớn cũng tăng mạnh nhờ lạc quan của nhà đầu tư về báo cáo kết quả kinh doanh mà các công ty dự kiến công bố vào tuần tới.
Trước phiên tăng này, Phố Wall đã bán tháo trong phiên ngày thứ Năm, khi có tin Tổng thống Joe Biden sắp sửa công bố một kế hoạch tăng gần gấp đôi thuế tài sản gia tăng đánh vào tầng lớp những người thu nhập cao. Giới phân tích cho rằng cú giảm đó chẳng qua chỉ là một phản ứng tức thời của thị trường, đồng thời tiếp tục tin tưởng vào triển vọng phục hồi tốt của kinh tế Mỹ.
Cả ba chỉ số chính cùng đi lên mạnh mẽ trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, trong khi chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của thị trường sụt khoảng 10% - một dấu hiệu cho thấy nỗi lo lắng của nhà đầu tư về những rủi ro phía trước đã được giải toả.
Các doanh nghiệp niêm yết ở Phố Wall đã bắt đầu nối lại việc đưa ra dự báo về kết quả kinh doanh, sau thời gian im lặng trong đại dịch Covid-19. Cùng với đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống và những báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2021 tốt hơn dự báo đang là những nhân tố đưa thị trường đi lên – theo chiến lược gia Tim Ghriskey thuộc Inverness Counsel.
“Thị trường đang có nhiều kỳ vọng vào những gì sắp diễn ra. Đã có những công ty đưa ra kết quả kinh doanh vượt qua cả những kỳ vọng rất cao. Lợi suất đã giảm xuống, một nhân tố có lợi cho cổ phiếu công nghệ”, ông Ghriskey phát biểu.
Theo dữ liệu từ IBES Refinitiv, giới phân tích hiện dự báo lợi nhuận quý 1/201 của các công ty trong S&P 500 tăng 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất của một quý kể từ quý 4/2010.
Tuần tới, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ là kết quả kinh doanh, vì các doanh nghiệp chiếm tới 40% tổng giá trị vốn hoá của S&P 500 sẽ công bố báo cáo trong các ngày từ thứ Ba đến thứ Năm. Trong số này phải kể đến những cái tên lớn như Microsoft, Alphabet, Apple và Facebook.
Phiên ngày thứ Sáu, đây chính là những cái tên giữ vai trò trụ cột cho sự tăng điểm của thị trường.
Số liệu công bố ngày thứ Sáu cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Mỹ tăng tốc vào đầu tháng 4 này. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) từ IHS Markit tăng lên mức 60,6 điểm trong nửa đầu tháng 4, mức cao nhất kể từ khi chỉ số bắt đầu được thiết lập vào tháng 5/2007.
Một dấu hiệu khác cho thấy nhu cầu mạnh mẽ của người tiêu dùng Mỹ là doanh số bán nhà mới dành cho hộ gia đình đơn tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 3. Nguyên nhân dẫn tới sự tăng trưởng này có thể là do nguồn cung hạn hẹp của những ngôi nhà đã qua sử dụng.
Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc S&P 500 cùng tăng trong phiên này, với mức tăng lớn nhất thuộc về hai nhóm công nghệ và tài chính.
Ông Ron Temple, trưởng bộ phận chứng khoán thuộc Lazard Asset Managmeent, nói rằng nền kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 50 năm, với mức tăng hơn 6% trong cả năm nay và năm tới. Ông cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cho phép nền kinh tế tăng nóng hơn so với trước kia.
“Nhà đầu tư đang dần nhìn vào những yếu tố như lượng tiền tiết kiệm khổng lồ trong nền kinh tế, nhu cầu bị dồn nén, và ảnh hưởng của làn sóng kích cầu khổng lồ”, ông Temple phát biểu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 0,67%, đạt 34.043,49 điểm. S&P 500 thiếu chút nữa thì tái lập kỷ lục, tăng 1,09%, chót ở 4.180 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,44%, đạt 14.016,81 điểm.
Tính cả tuần, S&P 500 giảm 0,13%; Dow Jones mất 0,46%; và Nasdaq trượt 0,25%.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá phiên này nhiều gấp 3,62 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 2,82 lần.