09:54 03/08/2009

Số mệnh Indochina Capital Vietnam được an bài

Hà Nguyên

Danh mục đầu tư của ICV hiện tại sẽ được chia tách thành hai danh mục: danh mục tiếp tục đầu tư và danh mục thanh lý

Ngày 7/3/2007, Indochina Capital trở thành công ty ở Việt Nam đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán London.
Ngày 7/3/2007, Indochina Capital trở thành công ty ở Việt Nam đầu tiên niêm yết trên thị trường chứng khoán London.
Cuối cùng thì số phận của quỹ đầu tư Indochina Capital Vietnam Holdings Limited (ICV) do Indochina Capital quản lý đã được chia tách. Nhưng liên doanh giữa Indochina Capital và Dragon Capital vẫn chưa được gút.

Ngày 31/7, Hội đồng Quản trị của ICV đã công bố kế hoạch chia tách danh mục đầu tư của ICV, kết thúc cuộc thương thuyết kéo dài 8 tháng qua giữa 2 nhóm cổ đông lớn của quỹ này.

Theo đó, danh mục đầu tư của ICV hiện tại sẽ được chia tách thành hai danh mục: danh mục tiếp tục đầu tư và danh mục thanh lý.

Giải pháp này theo ông Beat Schuerch, Giám đốc tài chính kiêm Giám đốc bộ phận đầu tư của Indochina Capital Group, cho phép các cổ đông muốn bán cổ phần được hiện thực hóa lợi nhuận ở mức giá thấp hơn 15% giá trị tài sản ròng trong khi các cổ đông còn lại có cam kết đầu tư lâu dài vẫn có thể tiếp tục nắm giữ cổ phần ICV.

Cổ đông ICV phân thành hai nhóm

Trước đó, liên tục trong tháng 6 và 7/2009, do sự phát triển bất thường ngoài sự mong đợi của thị trường tài chính thế giới từ giữa năm 2008, quỹ ICV, cũng như các quỹ khác đầu tư vào thị trường Việt Nam khác, đều có giá cổ phần suy giảm đáng kể so với giá trị tài sản ròng (NAV).

“Tỷ lệ giảm giá này chưa bao giờ vượt quá 15% vào trước tháng 6/2008, nhưng đã vượt mức 65% vào cuối tháng 11/2008”, ông Peter Ryder, Tổng giám đốc của Indochina Capital nói.

Tỷ lệ giảm giá bất thường này kết hợp với một lượng lớn tiền mặt và trái phiếu vào lúc đó được thận trọng giữ lại với mục đích bảo toàn vốn trong thời điểm chứng khoán suy giảm khiến ICV trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của các quỹ đầu cơ chênh lệch giá.

Các quỹ đầu cơ này đã tích cực mua cổ phần của ICV bắt đầu từ cuối tháng 9/2008 và đã thâu tóm được một số lượng đáng kể. Do đó, cổ đông của ICV đã phân thành 2 nhóm đại diện cho 2 mục đích khác nhau: một nhóm tìm cách bán cổ phần để hiện thực hóa lợi nhuận ngắn hạn và nhóm còn lại vẫn muốn duy trì đầu tư vào sự phát triển dài hạn của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với mục đích giải quyết sự bế tắc giữa 2 nhóm cổ đông gây ra bởi mỗi nhóm đã sở hữu đủ số phiếu để phủ quyết nhóm còn lại, Hội đồng Quản trị ICV và Indochina Capital Advisors (ICA) - công ty quản lý quỹ ICV và là thành viên của Indochina Capital Group đã có nhiều cuộc thảo luận cùng với một số lượng đáng kể các cổ đông của ICV trong suốt 8 tháng qua, có lúc tưởng chừng rơi vào bế tắc.

Trong bối cảnh đó Indochina Capital đã thương thảo với Dragon Capital Group - công ty quản lý quỹ nước ngoài có thâm niên cao nhất tại Việt Nam để lập một liên doanh mới theo tỷ lệ 50:50 nhằm quản lý ICV thay ICA. Biên bản ghi nhớ về việc thành lập liên doanh này được công bố một cách hạn chế vào ngày 16/4/2009.

“Chúng tôi dự tính việc quản lý danh mục tiếp tục đầu tư sẽ được thực hiện bởi liên doanh này. Dragon Capital sẽ chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ quản lý đầu tư cho ICV trong khi ICA sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm về kế toán quỹ, pháp chế, quan hệ nhà đầu tư cũng như các hoạt động mang tính điều hành khác”, ông Peter Ryder nói.

Chờ ngày biểu quyết

Có thể nói, giải pháp đạt được phần nào gạt bỏ những bất đồng giữa các nhóm cổ đông của ICV trong khi góp phần giúp Indochina Capital “củng cố” lại mình, đặc biệt trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang bắt đầu có đà khởi sắc trở lại.

Theo ông Beat Schuerch, khi chia tách danh mục đầu tư, những nhà đầu tư bỏ phiếu cho quỹ tiếp tục hoạt động sẽ chuyển sang nắm giữ phần quỹ đã được giải ngân hoàn toàn và sẽ hưởng lợi ngay lập tức khi NAV trên một cổ phần tăng.

“Thêm vào đó, có ít khả năng những nhà đầu tư ở lại với quỹ lại theo đuổi mục tiêu ngắn hạn. Điều này sẽ thu hẹp khoảng cách giữa giá cổ phiếu và NAV của danh mục tiếp tục đầu tư”, ông Beat Schuerch nói.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, theo đánh giá của chính Indochina Capital, là việc tái định giá gần đây đối với các khoản đầu tư vào công ty vốn cổ phần tư nhân và sự kiện cổ phần Vietcombank và Bảo Việt được niêm yết vào cuối tháng 6/2009 đã làm cho cơ cấu danh mục tiếp tục đầu tư của ICV, bao gồm 70% cổ phiếu niêm yết và 30% cổ phiếu công ty vốn cổ phần tư nhân và OTC, đã có tính thanh khoản tốt hơn cũng như đã cải thiện tính minh bạch danh mục đầu tư của quỹ này.

Trả lời câu hỏi liệu sự chia tách của ICV có tác động tới thị trường chứng khoán Việt Nam hay không, ông Beat Schuerch cho biết trong đề xuất hiệu chỉnh có đề cập đến khả năng thanh lý toàn bộ danh mục trong trường hợp trên 65% cổ đông biểu quyết cho việc thoái vốn.

“Tuy nhiên, dựa trên những thông tin phản hồi từ phần lớn cổ đông của ICV, chúng tôi không cho rằng điều này có thể xảy ra”, ông Beat Schuerch nói.

Dựa trên danh mục đầu tư hiện tại, các nhà quản lý quỹ ở Indochina Capital dự đoán ICV sẽ không phải bán hoặc bán một số lượng không đáng kể để hoàn trả cho phần thoái vốn.

“Vì thế, chúng tôi tin rằng việc chia tách danh mục đầu tư sẽ không tác động xấu đối với thị trường chứng khoán Việt Nam”, ông Peter Ryder nói thêm.

Tuy nhiên, nếu còn vấn đề gì “gợn” lại, đó chính là khả năng biểu quyết thông qua liên doanh giữa ICA và Dragon Capital, dự kiến sẽ được quyết định tại cuộc họp bất thường của cổ đông ICV vào ngày 3/9/2009 tới đây.

“Nếu được đại hội cổ đông phê chuẩn, liên doanh này sẽ tiếp tục thực hiện đầu tư cho ICV theo định hướng gia tăng giá trị trong trung và dài hạn”, ông Peter Ryder khẳng định.