14:45 16/09/2008

Số trẻ nhiễm độc sữa ở Trung Quốc tăng mạnh

Trung Việt

Số trẻ em tại Trung Quốc phải nhập viện do sỏi thận vì uống phải sữa bột Sanlu có hoá chất độc hại đang tăng nhanh

Thống kê sơ bộ, đến trưa 15/9, khoảng 580 em nhỏ đã phải nhập viện do các triệu chứng sỏi thận do dùng sữa Sanlu - Ảnh: China Daily.
Thống kê sơ bộ, đến trưa 15/9, khoảng 580 em nhỏ đã phải nhập viện do các triệu chứng sỏi thận do dùng sữa Sanlu - Ảnh: China Daily.
Số trẻ em tại Trung Quốc phải nhập viện do sỏi thận vì uống phải sữa bột Sanlu có hoá chất độc hại đã tăng nhanh trong mấy ngày gần đây. Trung Quốc đang mở rộng điều tra vụ việc này và đã bắt 19 nghi phạm.

Trong cuộc họp báo hôm 14/9, Bộ trưởng Y tế Trung Quốc Trần Trúc cho biết, Trung Quốc  quyết định mở rộng thanh tra, kiểm nghiệm chất lượng sản xuất sữa bò ra nhiều khu vực trên cả nước. Đồng thời, đề nghị các địa phương, các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm được tình hình, bớt hoang mang và giảm tác hại của vụ sữa bột Sanlu.

Đẩy mạnh công tác thanh tra và tuyên truyền

Thống kê sơ bộ, đến trưa 15/9, khoảng 580 em nhỏ đã phải nhập viện do các triệu chứng sỏi thận, riêng tỉnh Cam Túc có hơn 220 em. Đến nay, có hai trường hợp đã tử vong, đều tại Cam Túc. Vụ sữa bột của Tập đoàn bơ sữa Sanlu có chứa hoá chất độc hại, bắt đầu vỡ lở ngày 13/9, khi nhà chức trách Trung Quốc thông báo có 432 trẻ em ở nước này đã bị nhiễm độc sau khi uống sữa bột Sanlu.

Tập đoàn Sanlu đã được lệnh ngừng sản xuất và thu hồi hơn 8 nghìn tấn sữa đang lưu hành trên thị trường, niêm phong gần 2.200 tấn sữa bột bị nhiễm độc; đồng thời, tiến hành điều tra nguyên nhân vụ bê bối này. Sanlu cũng vừa thừa nhận sản phẩm sữa bột của họ có nhiễm melamine, một chất độc liên quan đến cái chết và ốm của  hàng nghìn động vật nuôi trong nhà ở Mỹ hồi năm ngoái.

Theo Bộ  Y tế Trung Quốc, qua điều tra, các cơ quan chức năng đã phát hiện, do ham lợi bất chính, bộ phận thu gom sữa nguyên liệu của Tập đoàn Sanlu đã đổ thêm nước lã vào sữa, sau đó cho chất phụ gia độc hại melamine (một chất dùng sản xuất keo dán) để "làm giả" hàm lượng đạm trong sữa tươi theo tiêu chuẩn yêu cầu.

Công an tỉnh Hà Bắc cho biết, họ đã bắt giữ 19 người bị tình nghi phạm tội trong vụ sữa bột trẻ em nhãn hiệu Sanlu. Số đối tượng này nằm trong số 78 người đã bị thẩm vấn, trong đó có 18 người là chủ các nông trại chăn nuôi bò sữa, chủ các trung tâm thu mua sữa nguyên liệu, và 1 người bị tình nghi buôn bán trái phép chất phụ gia độc hại.

Sữa của Công ty Haoniu cũng có độc tố

Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, công tác kiểm tra chất lượng sữa được tiến hành tới tận các chợ đầu mối, điểm thu mua sữa... tại hơn 50 địa phương trọng điểm ở các tỉnh thành có ngành chăn nuôi bò sữa phát triển của Trung Quốc. Các hình phạt đối với những cá nhân, đơn vị cố ý làm trái quy định vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ rất nghiêm khắc.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý chất lượng, thanh tra và kiểm dịch Trung Quốc (AQSIQ) Lý Trường Giang, hơn 150 trung tâm kiểm tra chất lượng cấp nhà nước đang làm việc 24/24 giờ để xét nghiệm các mẫu sữa trên toàn quốc.

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Cam Túc vừa cho biết, đã phát hiện hoá chất độc hại trong các sản phẩm sữa bột của Công ty sữa Haoniu, một trong những đối tác của Tập đoàn Sanlu, có trụ sở tại thành phố Tửu Tuyền (Cam Túc). Theo cơ quan thanh tra, 2 trong số 12 mẫu sữa chọn ngẫu nhiên của công ty trên có phản ứng dương tính với chất melamine rất độc hại cho cơ thể. Công ty Haoniu được thành lập năm 2002 với vốn đăng ký gần 7,5 triệu USD.

Việc sản xuất của Haoniu  tuân thủ tiêu chuẩn của Tập đoàn sữa Sanlu và các sản phẩm cũng mang thương hiệu của Sanlu. Vụ sữa nhiễm độc Sanlu cũng đã gây lo lắng cho người tiêu dùng tại đảo Đài Loan. Cơ quan chức năng tại đây đã niêm phong toàn bộ số sữa bột Sanlu chưa phân phối. Văn phòng đối ngoại Đài Loan của Trung Quốc cho biết, Sanlu đã xuất 25 tấn sữa bột tới Đài Loan hồi tháng 6.

Công ty Fonterra của New Zealand, một cổ đông chiến lược của Sanlu, tiết lộ rằng họ đã có thông tin loại sữa này nhiễm độc từ đầu tháng 8 và kêu gọi Sanlu thu hồi sản phẩm, tuy nhiên họ không nhận được phản hồi.

Sanlu đã nhận được khiếu nại của khách hàng về việc sữa nhiễm độc từ tháng 3/2008, đến tháng 8 có kết quả xét nghiệm, song đã "ém nhẹm" thông tin và mãi đến ngày 11/9 mới đưa ra lệnh thu hồi sản phẩm, sau khi các cơ quan truyền thông Trung Quốc phanh phui sự việc.